Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hải Phòng

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hải Phòng

Thời gian gần đây, chiếu xẩm Hải Phòng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đánh dấu sự trở lại của hát xẩm trong đời sống văn hóa văn nghệ Hải Phòng.

Sức hút từ hồn dân tộc

Ở Hải Phòng hai năm trở lại đây, trong các dịp kỷ niệm và lễ hội lớn nhỏ của cộng đồng, từ lễ hội Hoa phượng đỏ của thành phố đến hội làng, hội đình, hội chùa  ở các địa phương, các lễ mừng thọ của nhiều gia đình… thường xuyên xuất hiện một chiếu xẩm. Không chỉ được thưởng thức xẩm ở những nơi công cộng, người yêu loại hình văn nghệ dân gian này còn được đắm mình trong “không gian xẩm” ở nhiều quán café trong thành phố.

Những làn điệu xẩm với tiếng nhị réo rắt vừa lạ, vừa quen giữa cuộc sống bộn bề của phố thị hôm nay. Anh Nguyễn Trí Thọ (tổ 17, phường Thành Tô, quận Hải An) khi xem một chiếu xẩm ngoài trời, phía trước Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật thành phố, thích thú chia sẻ: “Mình nghe hát xẩm thấy rất quen vì thi thoảng có nghe đâu đó trên đài, ti vi hay trên Youtube. Nhưng đây là lần đầu mình được xem trực tiếp một chiếu xẩm và được biết nhiều hơn về loại hình nghệ thuật dân gian này. Mình cũng như nhiều bạn bè thấy xẩm rất hấp dẫn, trước hết vì nó “lạ”, một màu sắc khác biệt trong đời sống âm nhạc hiện nay”.

Bác Nguyễn Văn Sơn (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) cho biết, hồi bé bác đã được xem nhiều gánh xẩm, nhưng bẵng đi một thời gian dài không gặp nữa, những tưởng xẩm cũng như nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác đã không thể tồn tại trong cuộc sống hiện đại. “Sự hoạt động của chiếu xẩm này làm tôi rất vui. Cứ nghe có hát xẩm ở chỗ nào là tôi cũng cố gắng đến xem. Nghe kỹ sẽ thấy xẩm rất hay và sâu sắc. Âm thanh của những nhạc cụ dân tộc như nhị, đàn bầu… cùng những bài xẩm mang nhiều tính đạo lý, đậm truyền thống Việt Nam chạm đến nơi sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người chúng ta” – bác Sơn nói.

Với cách nói “hình ảnh”, bạn Nguyễn Minh Nghĩa (số 2 Lương Văn Can, quận Ngô Quyền) hào hứng nhận xét: “Giữa đời sống văn hóa nhiều ồn ào chộn rộn hôm nay, chiếu xẩm như một màu nâu sồng chân quê, giản dị giữa một rừng màu sắc chói lòa, một nét nhạc hiền lành, sâu lắng giữa một bản nhạc sôi động. Thực sự, xẩm mang một bản sắc “rất Việt Nam”. Với sức hút nội tại cũng như sức hấp dẫn từ cái khác biệt của mình, xẩm ngày càng có đông người yêu thích.

Nghệ sỹ Đào Bạch Linh – Chủ nhiệm CLB Hát xẩm Hải Thành, chủ Chiếu xẩm Hải Phòng, một nghệ nhân hát xẩm rất trẻ (anh sinh năm 1981) cho biết, nguồn động viên, cổ vũ lớn nhất cho chúng tôi là sự ủng hộ, yêu mến chân thành của số đông khán giả. Buổi diễn nào của chiếu xẩm, dù ở nơi công cộng, ngoài trời, ở đình chùa hay quán café… đều rất đông người xem và hưởng ứng. Có những hôm lịch diễn chỉ đến 9h tối nhưng người xem đông nghịt vây quanh, hết yêu cầu lại đến nài nỉ cả nhóm hát lại, hát nữa… thành ra có buổi diễn đến nửa đêm mới thôi. Người xem thuộc đủ mọi thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính… Nhiều người say mê, vừa xem vừa ngẫm ngợi từng ca từ.

(Chiếu xẩm Hải Phòng biểu diễn tại dải Trung tâm thành phố trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2015)

Con đường gian nan không vắng đam mê
CLB Hát Xẩm Hải Thành được thành lập năm 2013, là CLB hát xẩm đầu tiên ở Hải Phòng, do nghệ nhân Đào Bạch Linh gây dựng. CLB hiện có khoảng 20 thành viên, thường xuyên luyện tập và biểu diễn tại nhiều lễ hội, chương trình kỷ niệm của thành phố. Theo nghệ sỹ Đào Bạch Linh, hiện cả nước chỉ có 3 chiếu xẩm, Chiếu xẩm Hải Phòng là một trong số ít ỏi đó. Hai chiếu xẩm còn lại là Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân và Chiếu xẩm Hà Thành (đều ở Hà Nội) hiện hoạt động khá hiệu quả.

Để có được ngày hôm nay là cả một chặng đường dài đầy thử thách đối với Đào Bạch Linh. Bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ thường gọi anh là Linh Xẩm vì lòng đam mê và tâm huyết của anh đối với loại hình nghệ thuật cổ truyền này.

Linh đến với xẩm khi còn là sinh viên ngành công nghệ thông tin. Có lần tình cờ nghe một bài xẩm trên Đài Tiếng nói Việt Nam, thấy mê, Linh cất công đi tìm hiểu về hát xẩm, rồi dành thời gian học đàn và hát xẩm ở Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam. Sau đó anh cất công lặn lội tìm về nhà nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu ở Yên Mô, Ninh Bình để được bà truyền dạy. Anh Linh tâm sự, có thể nói anh là người được học trực tiếp bà nhiều nhất, cũng là người học trò gần gũi nhất với gia đình bà. Cứ cuối tuần được nghỉ học là anh lại chạy xe về đây để học hỏi nghệ nhân. Anh kể, cách cụ dạy rất mộc mạc, cụ hát, kéo nhị để anh học được những cách nhả chữ, lề lối, phong cách xẩm của cụ.

Khi anh tốt nghiệp, ra trường, công tác một thời gian ở đất đô thành, trở về Hải Phòng thì các chiếu xẩm không còn nữa, nghệ nhân vắng bóng, sinh hoạt hát xẩm đã “chết” trong đời sống văn hóa của người dân.

Vậy là anh chạy đôn chạy đáo khắp thành phố, từ nội thành ra ngoại thành để đi tìm "dấu" các nghệ nhân hát xẩm ngày xưa. Anh còn chạy khắp các tỉnh Ninh Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Ninh… tìm bằng được những người từng có chút “vốn liếng” về hát xẩm để học. Rồi anh về Hải Phòng tự tổ chức sinh hoạt cho một số cụ lớn tuổi để truyền bá niềm đam mê xẩm với nhau. Các cụ thường gặp khó khăn trong đi lại, anh Linh lại phải đưa đón từng người đến địa điểm sinh hoạt nhóm.

Bao nhiêu gian nan cho đến ngày nhóm anh tham gia Hội Văn nghệ dân gian (thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Hải Phòng). Nhờ sự giới thiệu của Hội, nhiều thành viên trẻ đã tìm đến với nhóm hát xẩm của anh Linh. Khi hoạt động của nhóm mở rộng hơn, CLB Hát xẩm Hải Thành được thành lập. Đến nay, chiếu xẩm Hải Phòng thu hút khá nhiều người quan tâm, trong đó phần lớn là các bạn trẻ.

Các bạn có những hoạt động mang đầy dấu ấn “trẻ” như lập Facebook quy tụ đông đảo những người yêu mến nghệ thuật hát xẩm như “Chiếu xẩm Hải Phòng”, “Hội những người yêu hát xẩm”. Nhóm còn thường xuyên quay video clip để chia sẻ trên các diễn đàn trực tuyến trên mạng…

Một dấu ấn đặc biệt khác là việc anh Đào Bạch Linh tình nguyện mở lớp dạy hát xẩm miễn phí cho học sinh Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng. Từ năm 2013, anh Linh mở lớp dạy hát xẩm cho 7 học sinh của Trường. Nhiều em đã phát huy được năng khiếu của mình, có thể tự đàn và hát nhiều bài xẩm. Năm 2014, học trò của anh Linh đã đoạt giải vàng tại Hội diễn nghệ thuật Nghị lực và tình thương lần thứ 2 do Hội Người khuyết tật Việt Nam tổ chức.

Theo anh Linh, nghệ thuật hát xẩm ở Hải Phòng được hình thành từ rất sớm, từng rất thịnh hành trong những năm đầu thế kỷ 20 và từng là nghề kiếm sống của rất nhiều người. Trong những năm tháng đấu tranh cách mạng, những nghệ nhân hát xẩm có những đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, dân vận. Tuy nhiên, một thời gian dài trước năm 2005, hát xẩm vắng bóng vì quan niệm xã hội lệch lạc đối với nghệ thuật dân gian này. Trong lúc gần như hấp hối, nghệ thuật hát xẩm được Nhà nước tổ chức nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn. Khoảng chục năm trở lại đây, hát xẩm bắt đầu xuất hiện trở lại.

Tại Hải Phòng, việc thành lập và duy trì chiếu xẩm góp phần làm hồi sinh nghệ thuật hát xẩm, khẳng định giá trị riêng của nó trong dòng chảy âm nhạc dân gian Việt Nam. Điều này cũng góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của nhân dân.

Hân Minh

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố