Hồ Tam Bạc - ngân mãi lời ca Hoa phượng đỏ
Chẳng phải vô tình mà
trong bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” (nhạc Lương Vĩnh, lời thơ Hải
Như), địa danh sông Lấp lại được nhắc tới đầu tiên “Những hẹn hò bên bờ
sông Lấp, những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm”. Sông Lấp nay là hồ
Tam Bạc, nơi ghi dấu những thời điểm lịch sử của thành phố Cảng, nơi
từng chứng kiến những kỷ niệm thân thiết của người Hải Phòng. Trải qua
nhiều năm, hồ Tam Bạc vẫn hiện hữu sống động, ngày càng hiện đại, khang
trang và lung linh hơn.
Hiện đại, quy mô hơn
Với diện tích gần 21ha, kéo dài 2,7km từ Tây sang Đông, dải trung tâm
thành phố bao gồm các công trình chính là: hồ Tam Bạc, Trung tâm Triển
lãm và Mỹ thuật thành phố, tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Quán hoa, Nhà hát
thành phố, Nhà Kèn và khu vực vườn hoa. Điểm nhấn của dải trung tâm
thành phố chính là hồ Tam Bạc.
Năm 2012, thực hiện dự án cải tạo dải trung tâm, khu vực hồ Tam Bạc
được coi là điểm nhấn. Với ý tưởng đó, đơn vị tư vấn chọn lát vỉa hè
bằng đá thiên nhiên, chọn loại đá đặc, có khả năng chịu nén cao. Lan can
quanh hồ bằng đá thiên nhiên chạm khắc hình hoa phượng, xen kẽ là các
trụ đá màu ghi có khắc chạm làm thay đổi hình thức kiến trúc đồng thời
tạo cảnh quan, khoảng 3m bố trí một trụ đá cao 1,25m. Sản phẩm từ đá với
chạm khắc tinh xảo nhìn từ góc độ văn hóa còn thể hiện sự hóa thân của
cảnh vật thiên nhiên trong môi trường sinh hoạt văn hóa của con người.
Đối với cây xanh ven hồ, toàn bộ cây phượng vĩ và 15 cây si cổ thụ được
giữ lại; trồng bổ sung thêm phượng vĩ. Hệ thống điện chiếu sáng sử dụng
đèn 2 bóng 2 bên chiếu sáng đường và vỉa hè, và lắp đặt loại đèn vừa sử
dụng năng lượng mặt trời, vừa dùng điện lưới. Khi màn đêm buông xuống,
hồ Tam Bạc trở nên lung linh, huyền ảo bởi hệ thống điện chiếu sáng được
bài trí đối xứng trên hè đường dọc hai bên hồ.
 |
Hồ Tam Bạc- dải lụa xanh giữa lòng đô thị Hải Phòng.
Ảnh: Trung Kiên
|
Tăng cường thêm dịch vụ, giải trí
Dải trung tâm thành phố, Hồ Tam Bạc đang đẹp, hiện đại lên từng
ngày. Nơi đây đã, đang là địa điểm mọi người tìm đến, nhắc nhớ về Hải
Phòng. Nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, những nhà quản lý mong muốn đầu tư,
xây dựng để hồ Tam Bạc không chỉ có cảnh quan đẹp mà còn giá dịch văn
hóa, giải trí. Phó chủ tịch UBND quận Hồng Bàng Trần Quang Tuấn cho
biết: Trong thời gian qua các hoạt động quản lý và tổ chức vui chơi,
giải trí phục vụ trên dải trung tâm đi vào nền nếp, nhân dân tích cực
tham gia với tinh thần vui tươi, phấn khởi, tuy nhiên, các hoạt động này
chưa nhiều, còn đơn điệu, một số mang tính tự phát chưa đúng quy định.
Do đó, UBND quận có chủ trương giao BQL dải trung tâm ký hợp đồng với
Công ty cổ phần dịch vụ Minh Châu thuê toàn bộ mặt nước hồ Tam Bạc tổ
chức thí điểm dịch vụ câu cá thể thao. Đây là hoạt động mang tính cộng
đồng, phục vụ giải trí của người dân, vừa bảo vệ giữ gìn môi trường,
phát huy chủ trương xã hội hóa để nâng cao đời sống tinh thần của nhân
dân trên dải trung tâm thành phố. Giám đốc Công ty Minh Châu Đoàn Hữu
Hoàng Sang cho biết: Vị trí địa lý hồ Tam Bạc có ý nghĩa quan trọng
trong điều hòa không khí và cảnh quan khu vực. Công ty nghiên cứu thí
điểm tổ chức dịch vụ câu cá thể thao, kết hợp việc thu gom, bảo đảm vệ
sinh quanh hồ. Tại đây, dự kiến tổ chức các dich vụ và giải câu cá thể
thao như câu tay và câu lục. Để phục vụ cho mô hình này, công ty thả
khoảng 10 tấn cá lớn xuống hồ.
Việc cải tạo xây dựng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chí cảnh quan, giữa
mới và cũ, các giá trị truyền thống, tiện ích và tiện nghi đô thị, vui
chơi giải trí, nghỉ ngơi cho người dân thành phố. Và hơn cả, để hồ Tam
Bạc luôn đồng hành trong kỷ niệm của các thế hệ người dân Hải Phòng.
Hồ Tam Bạc vốn là lạch Liêm Khê, thuộc làng An Biên cũ,
nhánh nối sông Tam Bạc với sông Cấm (cổng chính cảng Hải Phòng). Năm
1885, người Pháp nắn thẳng và mở rộng lạch Liêm Khê thành kênh, dài 2,8
nghìn m, rộng 74m, sâu 7m, ngăn giữa khu vực người Tây và người Việt.
Năm 1925, người Pháp lại lấp đi một đoạn, từ cảng Hải Phòng đến Nhà
triển lãm ngày nay. Đoạn sông còn lại là sông Tam Bạc, dân gian gọi là
sông Lấp. Năm 1985, nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Hải Phòng, sông
Lấp cũng tròn 100 tuổi (1885-1985), thành phố đắp đập Tam Kỳ, nối đường
Trần Nguyên Hãn với đường Quang Trung, đoạn sông này thành hồ và được
đặt tên là hồ Tam Bạc.Hồ Tam Bạc có độ sâu 3m, diện tích mặt hồ khoảng
4,82ha.
|
(Nguyên Mai, Báo Hải Phòng)