Hải Phòng vươn ra biển lớn- Một “Giao thừa giữa mùa hè”
Mọi ấm ức từ một số chương trình nghệ thuật đầu tư lớn mà “chẳng ra đầu, chẳng ra cuối” đã được giải tỏa, được bù đắp! Một “giao thừa giữa mùa hè” đã đến trên đất Cảng tháng Năm với tiếng kèn sắc- xô- phôn trầm hùng, những cây vĩ cầm duyên dáng. Màn pháo hoa đa thanh, trăm hồng nghìn tía và gương mặt mọi người tràn ngập hân hoan… Đó là chương trình ca nhạc đặc biệt “ Hải Phòng vươn ra biển lớn” tối 13-5 tại Quảng trường nhà hát thành phố chào mừng kỷ niệm 55 năm giải phóng Hải Phòng. Có thể thấy, ít có chương trình truyền hình trực tiếp nào lưu lại lâu đến thế, sinh động đến thế những hình ảnh “khá đắt” về niềm vui của người Hải Phòng trong ngày lễ lớn của quê hương.

Quả thật, đây là một chương trình của những nhà nghề, mà đầu tiên phải nói tới kịch bản của Nguyễn Thụy Kha. Kịch bản này ít lời dẫn, tiết kiệm lời bình nhưng vẫn tập trung làm nổi bật bản sắc, cốt cách Hải Phòng qua các tiết mục cân nhắc kỹ càng khi chọn lựa. Bên cạnh những bài hát quen thuộc về Hải Phòng như: Chiều Cát Bà, Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Chiều trên bến Cảng, Biển gọi, Về miền sóng, về miền gió, Bác Hồ với người thợ, lần này có thêm sáng tác mới của Phạm Tuyên: Thấy chăng anh Cảng của chúng tôi. Và để xứng tầm một lễ kỷ niệm ở sân khấu ngoài trời, sau khúc dạo Việt Nam quê hương tôi, Nguyễn Thụy Kha chọn hợp xướng “Hải Phòng thuở ấy”- hợp xướng nằm trong tổ khúc hợp xướng Hải Phòng 5 chương của anh phổ từ trường ca Những người trên cửa biển của Văn Cao để mở đầu chương trình.
Hiệu quả là ngay từ phút đầu tiên, cả quảng trường đã ngợp những âm hưởng sang trọng, hào sảng và trữ tình. 55 học sinh trường trung học Văn hóa nghệ thuật tự tin và hứng khởi biểu diễn cùng ca sĩ Đăng Dương và Dàn nhạc bán cổ điển Đài TNVN dưới sự chỉ huy của nghệ sĩ Doãn Nguyên. Qua âm nhạc, Hải Phòng thuở ấy truyền đến người nghe những chuyển động mạnh mẽ trong tâm thức Hải Phòng: “Hải Phòng hôm nay tiếng hát càng lồng lộng/ Những nụ hoa đang nở hồng hồng/ Những bước chân thanh xuân trên cỏ/ Những nụ hôn đầu tiên mới mẻ”. Ở phần kết, bài hát Thành phố hoa phượng đỏ thể hiện dưới hình thức hợp xướng góp phần làm đầy đặn bản chất, khí chất Hải Phòng, thúc giục lòng người niềm tin mãnh liệt về thành phố tương lai.
Về sân khấu, cũng từ lâu, sân khấu Quảng trường được phá cách trong trang trí, bố cục. Đó là sân khấu thênh thang với hai tầng mặt bằng, đủ cho những đơn ca, tốp ca, đủ cho một hợp xướng vài chục người, đủ cho các tiết mục múa nhiều vũ công. Đó là sân khấu rất nhiều biểu tượng Hải Phòng, từ con tàu, ngọn hải đăng, nhà nhiều tầng, đến hoa phượng, sóng Bạch Đằng… mà không thừa, không rối rắm.
Nhưng đó còn là một sân khấu mà sự sáng tạo nhất chính là tận dụng Nhà hát- công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi, di tích lịch sử Hải Phòng kháng chiến là tấm phông, là mặt tiền của nơi biểu diễn. Đóng góp lớn trong cách tạo không gian này, phải kể tới công tác đạo diễn, mà người giàu kinh nghiệm là Tổng đạo diễn -NSƯT Trịnh Lê Văn- Giám đốc Nhà hát Truyền hình Việt Nam. Ông đáp ứng người nghe, người xem ở các tiêu chí hình ảnh, âm thanh, đường nét và sắc màu cũng như “tạo lửa nóng” cho toàn bộ lực lượng biểu diễn. Tính chuyên nghiệp từ lâu mới thấy trở lại qua chương trình “Hải Phòng vươn ra biển lớn”.
Khi chương trình kết thúc, thành phố vui hệt như lúc đón xuân sang, trong tư thế “vươn ra biển lớn”, chắc nịch và hiên ngang như chính tên gọi của chương trình. Nhìn bầu trời đất Cảng đêm hè bừng sáng những cánh pháo hoa muôn màu, trong sự ngân nga của giai điệu Hải Phòng, của tiếng gọi thân thương đầy kỳ vọng: “Hải Phòng ơi hôm nay bé nhỏ mai ta đã thấy rộng dài rực sáng”, Nguyễn Thụy Kha - tác giả kịch bản chương trình, tác giả của hợp xướng Hải Phòng thuở ấy như gặp một giao thừa giữa mùa hè. Anh thấy lòng thanh thản, vì: “Mọi việc đã rất ổn. Bõ công tôi vái mẹ, khấn cha cho con được dâng quê hương món quà khi mái đầu đã bạc”.
(Theo Báo Hải Phòng)