Hải Phòng nhớ mãi Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Hải Phòng tháng 5/1955 – 5/1995, cựu chiến binh, thanh niên và nhân dân Hải Phòng có nguyện vọng mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Hải Phòng, vì Đại tướng là Tổng tư lệnh đã chỉ huy Hải Phòng không những thời chín năm chống Pháp mà còn chỉ huy Hải Phòng thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ nữa. Nằm trong khu vực ba trăm ngày trong đó có Hải Phòng, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Việt Nam thì Hải Phòng phải chờ sau ba trăm ngày quân đội Pháp mới trao trả lại cho ta. Trong ba trăm ngày ấy diễn biến biết bao điều phức tạp vậy mà cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh đứng đầu là Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy Hải Phòng giành thắng lợi cho đến tên xâm lược cuối cùng rút khỏi miền Bắc nước ta.
Được sự nhất trí của Thành ủy và UBND thành phố Hải Phòng, Trung tướng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đặng Kinh và Bí thư Thành Đoàn Hải Phòng Vũ Thành đã trực tiếp về Hà Nội để kính mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự cuộc mít tinh long trọng kỷ niệm 40 năm giải phóng Hải Phòng.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và nói chuyện với công nhân Cảng (2/2/1973) |
Mùa xuân đến, những cây phong lan ở nhà Đại tướng đã nở rộ. Vì quá hồi hộp nên khách Hải Phòng phải bước đến vườn phong lan để “chia sẻ” bớt sự lo lắng băn khoăn với cây, với hoa. Đến khi đồng chí thư ký riêng của Đại tướng tươi cười ra thông báo: “10 phút nữa Đại tướng sẽ tiếp các anh”. Lúc bấy giờ hai vị khách mới bớt hồi hộp, tuy nhiên, tiếp là một chuyện còn Đại tướng có nhận lời hay không, đấy mới là cái cốt lõi của sự hồi hộp. Hai vị khách vào phòng chờ 10 phút mà dễ thường dài bằng 10 năm. Trong phòng khách yên ắng, chỉ có nhịp tim và nhịp đồng hồ treo tường là hiện lên rõ ràng nhất. Tướng Đặng Kinh đã có nhiều năm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng chuyện ấy đã lùi vào dĩ vãng 20 năm rồi. Sớm hơn 10 phút, Đại tướng đã xuất hiện. Đại tướng hồ hởi: “A! Đặng Kinh đấy à? Chờ lâu rồi phải không? Ngồi xuống đi! Uống nước đi! Chắc có việc cần lắm, nói đi xem thử!”. Tướng Đặng Kinh và Bí thư Vũ Thành được lời như cởi tấm lòng. Tướng Đặng Kinh chỉ sang người ngồi bên cạnh, giới thiệu với Đại tướng: “Đây là đồng chí Vũ Thành, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hải Phòng, là người cùng tôi mang nguyện vọng của cựu chiến binh, thanh niên và nhân dân Hải Phòng lên, thiết tha mời anh về Hải Phòng dự cuộc mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Đại tướng hiền từ nhẹ nhàng hỏi: “Thế định làm vào ngày nào?”. Thấy Đại tướng hỏi ngày, hai vị khách mừng rỡ; Tướng Đặng Kinh trả lời: Thưa anh, vào ngày 13 tháng 5 ạ!”. Đại tướng giật mình tỏ ra lấy làm tiếc và nói rằng: “Gay go quá! Tháng 5 là tháng có Ngày sinh nhật Bác. Việc này còn tùy thuộc vào các đồng chí ở Nghệ An”. Hai vị khách toát mồ hôi nằn nì: “Thôi, bác ưu tiên cho Hải Phòng, chỉ một lần thôi”- Bí thư Thành Đoàn Vũ Thành nói. Đại tướng nhỏ nhẹ giải thích: “Như các đồng chí biết đấy, khi người ta nói đến Hồ Chí Minh là hay nhắc đến Võ Nguyên Giáp, thôi việc này để Nguyễn Tâm (thư ký riêng của Đại tướng) điều đình với Nghệ An”. Đại tá Nguyễn Tâm nói ngay: “Các anh cứ về, để tôi làm việc với các đồng chí ở Nghệ An, có gì sẽ trả lời các anh sau”. Đại tướng quay sang nói chuyện riêng với Trung tướng Đặng Kinh:
- Thế nào, sức khỏe của Kinh hồi này ra sao?
- Dạ thưa anh cũng bình thường thôi ạ!
- Ăn, ngủ thế nào?
- Dạ ăn được, ngủ được!
- Có tập tành gì không?
- Dạ cuốc đất khỏe lắm anh ạ, tự đào ao thả cá mà!
Sau đó Đại tướng mời hai vị khách ra chụp ảnh chung với gia đình.
Nửa tháng sau- vào ngày 2/5/1955, Đại tá Nguyễn Tâm báo tin cho Trung tướng Đặng Kinh: Đã có kết quả sau khi làm việc với các đồng chí Nghệ An; mời anh lên làm việc cụ thể.
Suốt đêm hôm đó, Tướng Đặng Kinh không tài nào ngủ được. Đang đêm ông điện cho Bí thư Đoàn Vũ Thành sáng mai điều xe lên Hà Nội sớm. Vũ Thành khiếu nại: “Lên sớm thì cũng phải chờ đến 8 giờ, cơ quan mới làm việc, em đề nghị với bác, 6 giờ ta xuất phát cũng vừa”. Tướng Đặng Kinh hạ ống nghe xuống rồi “bắn” thuốc lào liên tục, đứng ngồi không yên. Chưa đến 6 giờ sáng mà ông đã đến nhà xe ngồi chờ…
Suốt hơn hai giờ đồng hồ trên xe từ Hải Phòng lên Hà Nội, Tướng Đặng Kinh tâm sự với Bí thư Đoàn Vũ Thành về mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời chiến tranh: “Ngày ấy, mình làm Phó tư lệnh Mặt trận Huế hồi Tết Mậu Thân 1968. Đã có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp gợi ý bổ sung cho mình một sư đoàn, thế mà mình đã từ chối; mình báo cáo lại với Cụ là tôi đã quen đánh du kích; anh có cho tôi một sư đoàn chứ hai sư đoàn tôi cũng chịu. Cuối cùng Cụ phải nhường mình đấy! Khi ở chiến trường ra báo cáo tình hình với Bộ Tổng, mình đã “làm nũng” Cụ rất nhiều thứ, cuối cùng Cụ đáp ứng hết. Đấy cậu xem, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thương yêu, chiều chuộng cấp dưới đến thế là cùng. Làm việc với Cụ sướng nhất là tình thương thân tương ái. Mọi phương án tác chiến, phương án nào tiết kiệm được xương máu cho chiến sĩ là Cụ duyệt. Mình cũng hy vọng kỳ này, Cụ nghiên cứu kỹ về Hải Phòng- thành phố Cảng đang có cái mới mà Cụ cần khuyến khích. Thêm vào đấy là mối quan hệ thâm niên giữa mình với Cụ mà Cụ vui vẻ nhận lời về Hải Phòng thì vinh quang quá, sung sướng quá”.
Đường Hải Phòng – Hà Nội hôm nay sao dài thế. Ông Kinh quá sốt ruột nên ông cảm thấy vậy và ông giục lái xe tăng tốc! Lái xe báo cáo lại với ông rằng đã đi tốc độ trung bình là 60 cây số/ giờ; bảo đảm 8 giờ sáng nay là thủ trưởng có thể gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Y hẹn, đúng 8 giờ sáng ngày 10/5, Đại tướng từ nhà trên xuống phòng khách để cùng thư ký Nguyễn Tâm tiếp Trung tướng Đặng Kinh và Bí thư Đoàn Vũ Thành. Đại tướng nhã nhặn, ân cần mời hai vị khách ngồi rồi đi thẳng vào vấn đề luôn: “Nào, ý định các anh mời tôi xuống thì làm những gì và làm như thế nào?” Tướng Đặng Kinh nhường cho Bí thư Vũ Thành nói trước. Vũ Thành trấn tĩnh nói: Dạ thưa bác, chúng cháu muốn mời bác dự cuộc mít tinh thông qua một chương trình biểu diễn văn nghệ hoành tráng. Xin bác ít phút nói chuyện với cựu chiến binh, thanh niên và các tầng lớp nhân dân Hải Phòng trước khi mở màn đêm diễn”. Tướng Đặng Kinh nói tiếp: “Còn nhiều cơ quan, đơn vị có nguyện vọng mời anh đến thăm vì đây là dịp may hiếm có đối với quân dân thành phố Cảng. Tuy vậy, cũng còn tùy thuộc vào sức khỏe và công việc của anh ở trên này”. Đại tướng mỉm cười, nheo mắt hóm hỉnh nói: “Thôi được, tôi chỉ “đánh thuê” cho các cậu 3 ngày thôi. Chọn đơn vị nào tiêu biểu cho Hải Phòng tôi sẽ đến thăm”.
Cuộc làm việc diễn ra chóng vánh. Khi Đại tướng đứng dậy, ông dang tay ôm Tướng Đặng Kinh và vỗ nhẹ vào lưng như những ngày tướng Đặng Kinh từ chiến trường Trị Thiên – Huế ra báo cáo vậy.
Trời Hải Phòng hôm nay nắng đẹp. Theo đúng kế hoạch đã định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân và đoàn tùy tùng đến Hải Phòng trong sự hân hoan, náo nhiệt của đại diện các ban, ngành, đoàn thể. Người Hải Phòng bấy lâu chỉ trông thấy ông trên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ, hôm nay mới được “thực mục sở thị”. Nhà khách rộng thế mà đặc kín người, hết đại diện của đoàn thể này lại đến đoàn thể nọ nối nhau đến chào Đại tướng, đúng hơn là để nhìn Đại tướng cho thỏa thích.
Đúng 20 giờ ngày 13/5/1995, tại hội trường Cung hữu nghị Việt -Tiệp Hải Phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện trước cuộc mít tinh do Hội Cựu chiến binh kết hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố tổ chức. Khi Đại tướng bước lên sân khấu, cả hội trường vỗ tay như sấm dậy. Đại tướng biểu dương thành tích năng động, dũng cảm rà phá bom mìn và các thành tích xây dựng chính quyền và cải thiện đời sống của quân dân thành phố Cảng. Sau đó, ông nhắc nhở và phân tích về vấn đề biển –Hiện nay nhiều nước đang hướng ra biển để khai thác làm giàu từ biển, vậy Hải Phòng phải phát huy thế mạnh của mình là có biển thì phải tận dụng triệt để và đi lên từ biển.
Khi Đại tướng kết thúc câu chuyện của mình thì sân khấu từ từ mở ra là dàn hợp xướng lớn của cựu chiến binh và thanh thiếu niên chào mừng Đại tướng về thăm đất Cảng, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Cả hội trường hừng hực khí thế, vỗ tay đều nhịp kéo dài.
Đại tướng xuống ngồi với Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Trần Hoàn và các vị lãnh đạo chủ chốt của thành phố. Đêm biểu diễn với khí thế hào hùng của cựu chiến binh và thanh thiếu niên thành phố được bắt đầu từ những lời hay ý đẹp của Đại tướng nói lúc ban đầu.
Đại tướng và phu nhân theo dõi chương trình biểu diễn một cách thích thú, hưởng ứng từng tiết mục. Ông quay sang Tướng Đặng Kinh tỏ vẻ hài lòng. Đến lượt Tướng Đặng Kinh lên lĩnh xướng bài “Sông Lô” của Văn Cao thì Đại tướng và cả hội trường ngơ ngác vì giọng thuốc lào của Đặng Kinh lại có thể chuẩn xác và hay làm vậy! Thật ra, dàn hợp xướng đã đẩy giọng Đặng Kinh lên rất nhiều. Cứ mỗi lần đến đoạn ngân, nghỉ, là Đại tướng và cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Hiếm thấy một bài ca nào mà được vỗ tay giữa chừng nhiều lần đến thế.
Đêm diễn được khép lại bằng một cuộc chụp ảnh với Đại tướng; các diễn viên chen lấn nhau, ai cũng muốn được đứng hoặc ngồi gần Đại tướng, thậm chí nhiều khán giả cũng tràn lên để có được một kiểu ảnh cùng Đại tướng. Cuộc chụp ảnh kéo dài đến đêm khuya bởi diễn viên và khán giả, tất cả đều muốn nấn ná quanh Đại tướng.
Đúng như lời yêu cầu của Đại tướng, hôm sau, 14/5/1995, Ban tổ chức bố trí mời Đại tướng đến thăm một đơn vị tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam, đó là Đoàn 6 - đơn vị chuyên trách về bản đồ biển đáp ứng yêu cầu tác chiến trên biển của Hải quân.
Dự kiến 9 giờ sẽ đón Đại tướng, nhưng cả đơn vị khấp khởi tụ tập phía cổng doanh trại từ sớm. Khi được tin đoàn xe của Đại tướng đã xuất phát thì trung tá Hà- thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ huy hàng quân danh dự. Đại tướng bước ra khỏi xe, trung tá Hà nhanh nhẹn hô quân đúng điều lệnh, anh xúc động đập chân: “Báo cáo Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp”- mặc dù bây giờ ông đã thôi chức Tổng Tư lệnh nhưng vì hai nguyên nhân: Một là ấn tượng chức Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ghi sâu vào trí não từng chiến sĩ, hai là thủ trưởng Hà quá xúc động mà lúng túng hô… nhầm.
Hội trường đã tập hợp đông đủ đại diện các phân đội của đơn vị, thủ trưởng Hà lấy lại sự bình tĩnh, lên cầm que đứng cạnh bản đồ vịnh Bắc Bộ đã căng sẵn. Anh báo cáo rất thành thục với Đại tướng về địa tầng trên biển và các đảo như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Do La, Thanh Lân… Anh cho rằng báo cáo với Đại tướng thì chỉ cần giới thiệu khái quát điều cốt yếu là báo cáo thành tích của đơn vị, ngoài nhiệm vụ vẽ bản đồ biển, cung cấp cho bộ đội Hải quân, bộ đội còn kinh doanh- cung cấp cho nhân dân có nhu cầu hoạt động trên biển. Đại tướng chăm chú nghe và hỏi mấy điều nhưng Hà lúng túng không trả lời được. Đại tướng bèn đứng dậy, mượn que từ trong tay Hà, ông bổ sung những điều rất thiết thực như cần đo chuẩn xác mớn nước ở quanh các đảo và gần như phổ biến lại cho các chiến sĩ đoàn 6 hiểu từng vùng, từng địa hình một cách chi tiết. Anh em chỉ biết gật đầu, thán phục sự hiểu biết và trí nhớ phi thường của Đại tướng.
Cuộc báo cáo kết thúc thì tiếp theo là tiết mục chụp ảnh với Đại tướng. Để bảo đảm thời gian, Đại tướng nhắc thủ trưởng đơn vị phân bổ từng phân đội chụp riêng với Đại tướng cho nhanh và giữ được trật tự.
Khi thấy đại diện các phân đội được chụp ảnh với Đại tướng, các đơn vị bên cạnh, kể cả văn công và đại biểu thanh niên cũng ào ào kéo đến. Thủ trưởng Hà được một phen giữ trật tự mệt nhoài. Tình cảm của anh chị em đối với Đại tướng thật là sâu đậm.
Những ngày tháng 5 này, Hải Phòng nhớ mãi Đại tướng Võ Nguyên Giáp./.
(Khắc Tuế - Báo Hải Phòng)