Hải Phòng giành chính quyền
cách mạng tháng 8 năm 1945
Mùa thu năm 1945 - một mùa thu đã đi vào lịch sử của thế giới và Tổ
quốc Việt Nam, thành phố Hải Phòng như một mốc kỳ diệu với biết bao sự kiện trọng
đại.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, khi được tin phát
xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh vào ngày 14 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi
nghĩa toàn quốc đã ra quân lệnh số 1 kêu gọi quân dân cả nước đứng lên khởi
nghĩa.
Qua tin tức nhận được, quần chúng cách mạng ở thành phố Hải Phòng
và tỉnh Kiến An, nhất là các huyện ngoại thành như Kiến Thụy, An Lão, An Dương,
Tiên Lãng... sục sôi khí thế cách mang. Chủ trương của Đảng và Mặt trận Việt
Minh như “Giữ lấy thóc gạo”, “Phá kho thóc”, thực hiện các khẩu hiệu “không nộp
một hạt thóc, một đồng xu cho Nhật”... đã được đông đảo quần chúng hưởng ứng. Tổ
chức tự vệ vũ trang đã được từng bước hình thành ở nhiều nơi. Sự kiện Ủy ban
dân tộc giải phóng được thành lập tại Kim Sơn (Kiến Thụy) ngày 12/7/1945 và cuộc
chiến đấu của lực lượng chống quân Nhật khủng bố ngày 04/8/1945 có tiếng vang lớn.
Từ đây căn cứ Kim Sơn trở thành trung tâm cách mạng ở tỉnh Kiến An. Nắm bắt thời
cơ cách mạng, Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn đã quyết định khởi nghĩa giành
chính quyền ở huyện Kiến Thụy.
Sáng 15 tháng 8 năm 1945, quần chúng vũ trang ở các xã kéo lên
tham dự cuộc mít tinh xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban cách mạng lâm
thời huyện Kiến Thụy. Tin Việt Minh cướp chính quyền thắng lợi ở huyện Kiến Thụy
nhanh chóng lan đi khắp vùng, làm nức lòng nhân dân trong toàn tỉnh và thành phố.
Trong khí thế cách mạng, các huyện An Lão (17/8), Vĩnh Bảo (20/8), Tiên Lãng
(20/8), Thủy Nguyên (22/8) quần chúng nhân dân nhanh chóng đứng lên giành chính
quyền.
Như vậy chưa đầy một tuần lẽ, toàn bộ chính quyền tay sai của bọn
đế quốc, phong kiến ở các huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương, Tiên
Lãng, Vĩnh Bảo đã bị đập tan. Chính quyền cách mạng được thành lập. Riêng huyện
Cát Hải, Cát Bà tuy quần chúng chưa nổi dậy nhưng chính quyền địch đã tan rã.
Ngày 24 tháng 8 năm 1945, một cuộc mít tinh toàn tỉnh được tổ chức
tại sân vận động thị xã Kiến An, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được
thành lập và ra mắt nhân dân trong tiếng hoan hô của hàng vạn quần chúng nhân
dân.
Ở thành phố Hải Phòng, suốt trong những ngày từ 15 đến 22 tháng 8
năm 1945, các đội tuyên truyền xung phong liên tục hoạt động. Từng đoàn thanh
niên cắm cờ đỏ sao vàng trên xe đạp đi diễu trên các đường phố ngoại ô và rải
truyền đơn, dân biểu ngữ kêu gọi đồng bào đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền.
Các nhà máy xi măng Rô-be, Ca-rông, Com-ben, Xtai, Đăng-xét cũng thành lập ủy
ban công xưởng của công nhân, thực hiện sản xuất và sửa chữa vũ khí. Công nhân
nhà in truyền đơn, biểu ngữ. Thợ may chuyên lo may cờ. Các lực lượng vũ trang tập
trung và tự vệ khẩn trương luyện tập quân sự. Nhân dân hăng hái hoạt động trong
đoàn thể cứu quốc, chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng đợi lệnh là vùng lên. Cả thành phố
nô nức chuẩn bị khởi nghĩa.

Nhân dân Hải Phòng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 23/8/1945
Ủy ban khởi nghĩa Hải Phòng quyết định lấy ngày 23 tháng 8 là ngày
khởi nghĩa. Mờ sáng ngày 23, hàng chục vạn quần chúng vũ trang gương cao cờ đỏ
sao vàng như những dòng thác lớn đổ về quảng trường nhà hát lớn. Đúng 10 giờ
ngày 23 tháng 8 cuộc mít tinh trọng thể được bắt đầu, một lá đỏ sao vàng cỡ lớn
được kéo lên. Đồng chí Vũ Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa thành phố tuyên bố
xóa bỏ chính quyền tay sai phát xít Nhật, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời Hải
Phòng.
Sau cuộc mít tinh, hơn mười vạn quần chúng tràn xuống đường tuần
hành thị uy. Cùng với cuộc tuần hành biểu dương lực lượng, cán bộ và lực lượng
tự vệ tỏa đi tiếp quản trại bảo an ninh, tòa thị chính, sở cảnh sát, sở liêm
phóng và các công sở trong thành phố.
Ngày 23 tháng 8 năm 1945 đã đi vào lịch sử của thành phố như một mốc
son chói lọi, ngày thắng lợi trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải
Phòng - Kiến An.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Hải Phòng - Kiến An là thắng lợi
của việc nắm vững quan điểm quần chúng và quy luật vận động cách mạng. Đảng bộ
Hải Phòng - Kiến An đã kiên trì giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, giác ngộ
dân tộc cho công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh
đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vượt qua mọi khó khăn thử thách cho đến
ngày thắng lợi cuối cùng.
L.Q.P