Hải Phòng - những tên phố thân thương
Hải Phòng - những tên phố thân thương

Không như Sài Gòn hay Hà Nội, đường phố cứ chằng chịt như ô bàn cờ, người mới đặt chân đến lần đầu dễ bị lạc như xa vào mê hồn trận, đường phố của Hải Phòng thanh thoát, dễ tìm hơn đối với những ai từ xa đến. Lại có điều đặc biệt và khác lạ, đường phố ở đây có những tên gọi thật ấn tượng và dân dã, nhưng đã đi vào thi ca một cách tự nhiên như hơi thở cuộc sống: “những Bến Bính, Xi măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên…, những cái tên nghe chẳng thơ đâu, nhưng với ta vô cùng oanh liệt. Ôi, tha thiết tự hào quê hương!”…
Sông Lấp ngày xưa như tên gọi, đã trở thành hồ Tam Bạc bây giờ

Không biết có phải là vì vùng đất có con sông Bạch Đằng lịch sử - “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”, tiếp nối các triều đại từ Ngô Quyền, Lê Đại Hành, đến quân dân nhà Trần lập nên chiến công hiển hách, nhấn chìm giặc Nguyên Mông, mà Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều đường phố mang tên các danh nhân, danh tướng nhà Trần nhất. Chỉ tính riêng hai quận Ngô Quyền và Hồng Bàng sơ sơ đã có các đường phố như: Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Chu Văn An, Yết Kiêu, Dã Tượng... nghe như hào khí Đông A từ hơn 700 năm trước vẫn đang tụ hội nơi đây vậy.

Hải Phòng có nhiều đường phố, con ngõ cùng tồn tại hai tên, khá quen thuộc với người Đất Cảng, nhất là những người từ lứa U40 trở lên vẫn thường quen gọi theo tên cũ như: đường Hai Bà Trưng - Cát Dài; phố Lương Khánh Thiện - phố Ga; ngõ Chu Văn An - TeA; phố Máy Tơ - Ai Lao; phố Nguyễn Khuyến - Cố Đạo. Hoặc các con ngõ như Lý Tiêm, Lý Phình, ngã tư Quán Mau…, mỗi cái tên đúng là “nghe chẳng thơ đâu”, nhưng đều mang những dấu ấn lịch sử hay sự tích nào đó của Hải Phòng xưa.



Hải Phòng có nhiều đường phố, con ngõ cùng tồn tại hai tên, khá quen thuộc với người Đất Cảng, nhất là những người từ lứa U40 trở lên        

Phố Máy Tơ thời Pháp thuộc có nhà Máy Tơ nổi tiếng, là một trong những nơi có tổ chức Công hội Đỏ lãnh đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thành phố Cảng, chống lại bọn chủ bóc lột và chế độ thực dân, điển hình là cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 4-1939 đến ngày 21-5-1939. Đồng chí Tô Hiệu lúc đó chỉ đạo chi bộ Đảng Nhà máy Tơ lãnh đạo tranh đấu, liên hệ với báo Đời Nay, yêu cầu đưa tin ủng hộ; gặp tổ chức Thanh niên dân chủ Pháp và Thanh niên dân chủ Việt Nam yêu cầu giúp đỡ. Cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Tơ Hải Phòng gây được tiếng vang lớn, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang hoạt động ở nước ngoài quan tâm chú ý.

Phố Lương Khánh Thiện có ga xe lửa nên được quen gọi là phố Ga. Ngày 21-10-1946, ga Hải Phòng đã vinh dự được đón Bác Hồ đi xe lửa về thủ đô Hà Nội, sau khi Người thăm nước Pháp trở về tổ quốc bằng đường biển và dừng chân tại Hải Phòng. Cũng tại đây, chỉ sau đó đúng một tháng, vào ngày 21-11-1946, bộ đội ta cùng các chiến sĩ tự vệ nhà ga đã chiến đấu anh dũng chống lại kẻ thù hơn hẳn cả về số đông lực lượng lẫn vũ khí, phá hủy 2 xe thiết giáp, 1 xe tăng và diệt nhiều quân xâm lược Pháp…

Nếu tính về độ dài ngắn thì Hải Phòng cũng có những đường phố thuộc hàng kỉ lục của nước ta, có thể sánh với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Ví dụ, Đất Cảng có 3 đường phố thuộc hàng ngắn nhất, chỉ từ 150-200m, nằm song song với nhau và cùng nối với 2 con đường khá dài, mang tên hai nhà cách mạng. Đó là các phố: Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Khuyến cùng nối với 2 đường Lương Khánh Thiện và Trần Phú. Còn con đường dài nhất, hơn 20km, đi qua 3 quận Hải An, Dương Kinh và Đồ Sơn, đó là đường Phạm Văn Đồng, kéo dài suốt từ Cầu Rào đến tận khu du lịch Đồ Sơn.

Nhân dịp lễ hội Hoa Phượng lần thứ I, năm 2012, Công ty Môi trường - Đô thị đã trồng hàng ngàn cây hoa phượng suốt dọc hai bên đường, đến nay đã xanh tốt, trổ hoa. Chỉ trong vài năm nữa, đây sẽ là một trong những con đường hoa phượng vào loại đẹp nhất của Đất Cảng, bên cạnh các đường Hồ Sen, Lương Khánh Thiện, Cầu Bính… rợp trời hoa phượng đỏ mỗi khi tháng 5 về.



Còn đại lộ vào loại đẹp nhất không chỉ của riêng Hải Phòng mà còn của cả nước chính là đường Lê Hồng Phong, từ ngã 5 ngày xưa, nay là ngã 6 Lạc Viên, kéo dài hơn 5 cây số thẳng tắp đến tận sân bay Cát Bi. Hai bên đường là những tòa nhà cao tầng, những khách sạn, biệt thự hoặc các công sở… trông rất nguy nga, bề thế, được xây dựng theo một quy hoạch tổng thể hài hòa và đương nhiên dọc hai bên hè đường không thể thiếu loài cây đã trở thành tên gọi, biểu tượng của Hải Phòng - Phượng vĩ.
Cùng với thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng là một trong 3 thành phố lớn của cả nước có Nhà hát lớn được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỉ 19 với tuổi đời hơn trăm năm.



Nhà hát lớn được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỉ 19

Nhìn lại những bức ảnh của Hải Phòng xưa, chỉ duy nhất Nhà hát lớn của Hải Phòng có con sông đào chảy qua trước mặt, đó là sông Lấp với một cây cầu sắt xinh xinh nối đôi bờ. Bắc qua sông, ở trên khu quán hoa hiện nay có một chiếc cầu nhỏ bằng tre, trên mặt đắp đất nên thường gọi là Cầu Đất. Tên phố sau này có nguồn gốc từ đó. Sau đó Pháp thay thế cầu đất bằng cầu sắt, gọi là cầu Dume.

Năm 1925, khi lấp một nửa sông Bonnan để làm vườn hoa dải trung tâm thành phố bây giờ, cầu sắt bị dỡ bỏ. Mặc dù thời gian trôi qua với nhiều đổi thay, hai làng An Biên và Gia Viên ngày càng bị cuốn vào đô thị hóa nhưng cái tên Cầu Đất không mất, nó vẫn tồn tại song song với cái tên chính thức khác của phố cho đến ngày nay. Sông Lấp ngày xưa như tên gọi, đã trở thành hồ Tam Bạc bây giờ.

Cũng giống như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng cũng có đường phố mang tên nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng không hiểu vì sao chỉ có TP Hồ Chí Minh là có ghi đầy đủ Nguyễn Thị Minh Khai, còn Hà Nội và Hải Phòng chỉ ghi tên Minh Khai?

(Hương Thảo Nguyên - An ninh Hải Phòng)
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố