Hải Phòng - Mảnh đất, con người xưa

Hải Phòng - Mảnh đất, con người xưa

Hải Phòng là một vùng đất cổ có con người sinh sống từ lâu đời, lại là vùng đất lấn biển qua nhiều thế kỷ với lớp lớp cư dân khác nhau.

Các chứng tích khảo cổ đã nói tới chiều sâu thẳm của thời gian. Ở Cái Bèo trên đảo Cát Bà, nhà khảo cổ học đã gặp di chỉ của văn hóa Hạ Long với niên đại các-bon phóng xạ C14 là 5646±60 năm ngày nay. Người nguyên thủy đã sống ở vùng này, săn bắt và đánh cá. Bước vào giai đoạn Phùng Nguyên của thời đại đồ đồng, có di chỉ Tràng Kênh với niên đại C14 là 1455±100 năm trước công nguyên. Cũng ở đây đã tìm thấy phấn hoa của loại lúa nước Qryza. Các bộ lạc sinh sống trên mảnh đất này còn là cư dân nông nghiệp trồng lúa. Đồ đồng giai đoạn Đông Sơn đạt đến mức hoàn hảo về kỹ thuật cũng như nghệ thuật có thể tìm thấy ở Việt Khê. (Một trong năm mộ đóng hình thuyền ở Việt Khên có 107 hiện vật, trong đó có 93 hiện vật đồng gồm công cụ sản xuất, vũ khí, nhạc khí).

Nhưng Hải Phòng còn là vùng đất được mở mang dần về sau này. Theo kết quả của nhiều nhà nghiên cứu về thủy văn và địa lý thì đường bờ biển thuở đầu công nguyên có hình răng cưa, nhiều chố đất liền nhô ra và nhiều nơi biển ăn sâu vào, song có thể lấy tuyến Yên Khánh (Hà Nam Ninh) – Thủy Nguyên (Hải Phòng) làm chuẩn. Vùng phía nam của Hải Phòng hiện nay còn nằm trong vùng bãi bồi, đầm pha nước mặn sú vẹt nằm trong tam giác Đồ Sơn – Phủ Lý – Cửa Đáy (1).

Đất lấn ra biển từ cuối đời Hán cho tới giữa đời Đường (thế kỷ III – VIII). Trong 10 huyện của đất Giao Chỉ thì có 5 huyện giáp biển: Kê Từ (vùng Bạch Đằng, Thủy Nguyên), Câu Lậu (vùng An Lão – Vĩnh Bảo), An Định (Gia Lộc, Ninh Giang, bắc Quỳnh Phụ)… Thế kỷ VII, các phần đất được bồi cao nhanh đủ lập các đơn vị hành chính mới. Từ thế kỷ X đến XIX, đất mở rộng dần về phía đông nam nhưng tốc độ chậm. Sách An Nam chi chép về Cổ Trai, quê hương của Mạc Đăng Dung ở gần biển. Đại Nam nhất thống chí chép tấn Ngải Am tức cửa biển Thái Bình rộng 582 trượng. Điwù Kê Lê Vĩnh Thịnh, viên trẩn thủ họ Đỗ cho dân chở đá ở Hải Kiền đắp phụ vào chân đê dài vài dặm, dân địa phương lấy làm diện gọi là đê đá Ngải Am. Các vùng trên nay đã lùi vào phía trong, từ đó ra biển đều là cát bồi (2).

Nội thành Hải Phòng cũng là một quá trình chuyển đổi từ vùng đất nằm giữa kênh rạch thành những xóm làng rồi trở thành thành phố. Số liệu quan trắc thủy văn đầu thế kỷ XX cho thấy lượng phù sa sông Cấm lớn, tốc độ lấn ra biển của cửa sông là 5-7m/năm. Sử sách cũ cũng như chứng tích ngày nay còn nhắc tới đường Thiên Lôi do Phạm Tử Nghi đời Mạc đắp. Đại Nam nhất thống chí ghi tiếp dân sở tại vẫn tu bổ con đường này để ngăn nước mặn. Ngày nay là con đường chạy dài từ vùng cầu Rào – Trực Cát – Đôn Nghĩa – Nghĩa Xá đến cầu Niệm.

Nội thành nằm trên phía tây đồn quân Ninh Hải xưa, trên các xã, tổng Đông Khê, An Dương, Gia Viên, An Biên mà những tên phố ngày nay còn in dấu tên làng xã xưa: Hàng Kênh, An Biên, Dư Hàng, Vĩnh Niệm, Niệm Nghĩa, Hạ Lý, Thượng Lý, Lạc Viên…

Thời Lý, Hải Phòng thuộc Hồng lộ. Thời Trần, thuộc Hồng lộ lại gọi là lộ Hải Đông. Thời Lê thuộc Hải Dương thừa tuyên, sau đổi là xứ, là trấn. Thời Nguyễn, Minh Mệnh thứ 12 đặt tỉnh Hải Dương. Thuộc Hải Phòng hiện nay, là các huyện Vĩnh Lại (sau tách thành Vĩnh Bảo), huyện Tiên Minh (sau là Tiên Lãng), huyện An Lão, huyện Nghi Dương (sau là Kiến Thụy), huyện Thủy Đường (sau là Thủy Nguyên), huyện An Dương. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) mới lập thêm tỉnh Kiến An.

Tên gọi Hải Phòng cũng mới xuất hiện ở nửa sau thế kỷ XIX khi Tự Đức đặt Hải Dương thương chính quan phòng (gọi tắt là Hải Phòng) tức đồn quan phòng và kiếm soát thuế quan ở bến Ninh Hải. Tên gọi này sau được Giăng Đuy-puy ghi lại và trên lược đồ của Pháp năm 1874 cũng đã thấy ghi lại hai chữ Hải Phòng.

Quá trình hình thành lãnh thổ Hải Phòng là quá trình vươn ra biển cả, đắp đê sông, đê biển, là quá trình con người tận dụng những gì thiên nhiên có sẵn và bắt thiên nhiên phải mang lại.

Vùng đất này đã trở thành một vùng quan trọng của đất nước, án ngữ mặt phía đông. Các cuộc xâm lược của nước ngoài cũng từ hướng này mà vào đất liền. Thế kỷ XV, trong Dư địa chí Nguyễn Trãi đã ghi về trấn Hải Dương: “Ấy là trấn thứ nhất trong bốn trấn và là đứng đầu phên giậu phía đông” (3). Đất Hải Phòng ngày nay chính là vùng biển của Hải Dương cũ và là vành ngoài cùng của phên giậu phía đông vậy.

Quá trình hình thành đất Hải Phòng cũng là quá trình tụ hội dân cư. Đất mở đến đâu, con người dựng xóm dựng làng tới đó. Có người từ các miền trung du và đồng bằng kéo đến khai phá đất đai. Về địa danh có hàng loạt tên làng mang những tên làng mới khác. Từng tên riêng lẻ thì có thể là ngẫu nhiên nhưng hàng loạt tên được lặp lại thù có thể gợi nên một sự dời chuyển nào đó. Một quy luật của địa danh học là người Việt khi dời làng đi làm ăn nơi khác thương mang theo cả tên làng và thành hoàng làng đến nơi ở mới. Các làng Đào Lãng, Cổ Lôi (Vĩnh Bảo), Cẩm Khê, xã và tổng (Tiên Lãng) cùng tên với Đào Lãng, Cổ Lôi, Cẩm Khê ở Sơn Tây, Vĩnh Phú: Trách Lôi, Lang Lôi. Đó là dấu hiệu của sự di dân từ vùng sâu nội địa ra vùng ven biển mà trước đây có nhà nghiên cứu đoán định là vào thời Hán đô hộ, sau khởi ngĩa Hai Bà Trưng (1). Thời điểm cụ thể còn phải bàn lại, nhưng gia phả nhiều dòng họ ở các làng trên đã nói tới quê cũ từ ở nhiều nơi khác chuyển đến (Vĩnh Phú – Hà Sơn Bình – Hải Hưng và còn ở xa hơn nữa). Họ Đào đứng đầu “lục trưởng” của các làng Am, gia phả có ghi từ Nghệ An ra.

Bên cạnh đó có hiện tượng những dân cư sống trên sông biển, những vạn chài hoặc từ những nơi xa xôi khác, bằng đường biển, đã lên lập nghiệp trên đất liền.

Nhiều người phương Bắc và vùng đảo đã thiên di vào Việt Nam từ nhiều địa phương, bằng nhiều con đường trong thời gian khác nhau lúc ồ ạt, lúc lẻ tẻ suốt từ thời Bắc thuộc tới những năm trước giải phóng. Ở Ngải Am huyện Vĩnh Bảo có đền thờ hoàng thái hậu nhà Tống. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Hậu là mẹ Đỗ Bình nhà Tống, bị quân Nguyên đuổi sát, hậu gieo mình xuống biển tự vẫn, sao hiển linh, người địa phương lập đền thờ” (5). Truyền thuyết về một bà mẹ vua Tống chết không phải chỉ có ở vùng này mà ở vùng phố Hiến (Hưng Yên cũ), cửa Cồn ven biển Nghệ Tĩnh, thậm chí ở Hội An (Quảng Nam – Đà Nẵng) cũng lưu truyền. Điều đó nói lên rằng có nhiều người đã xuống đây lánh nạn đi tìm đất, làm ăn sinh sống. Đông đảo trong họ đã trở thành người Việt bản địa. Số sang muộn hơn sau này trở thành người dân tộc thiểu số như người Đãn, người Sín thuộc nhóm Hoa ở Bạch Long Vĩ, Cát Bà.

Nhiều dân cư sống nghề chài lưới sông biển đã đến đây. Họ Trần cũng từ biển mà vào ở vùng Yên Sinh nay thuộc Đông Triều rồi mới chuyền về Long Hưng, Tức Mặc (Thái Bình và Hà Nam Ninh) vẫn làm nghề chài lưới. Sau này mở ra triều Trần, Mạc Đăng Dung cũng là dân chài, lập nghiệp ở làng ven biển gọi Kẻ Chài, tên chữ là Cổ Trai, là người lập ra triều đại Mạc. Con cháu họ Mạc sau này đi mở làng ở Thái Bình, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam vẫn giữ tên làng Cổ Trai với tên dân gian Kẻ Chài.

Thời đầu Nguyễn, sổ sách tên làng xã còn ghi một phường sống trên sông nước bị phiêu bạt: phường Thủy Cơ Trạm Bạc (Tam Bạc ?) ở An Dương. Những lớp cư dân hội tụ ở đây hầu hết là những người nghèo khổ phải rời bỏ quê hương đến đây tìm đất sống, vật lộn với đồng chua nước mặn, với sóng gió biển khơi để lập ra những xóm làng mới, nên đã tạo ra ở họ một tính cách, một bản lĩnh mang sắc thái riêng: cởi mở, phóng khoáng, kiên nhẫn, quả cảm và cũng bướng bỉnh, ngang tàng. Lý Tử Tấn khi viết thông luận cho Du địa chí của Nguyễn Trãi đã có nhận xét chung: “Đạo Hải Dương đất tốt, người hung hãn. Thái bình thì thuận tong, thời loạn thì cường ngạnh, từ Đinh Lý đến giờ vẫn thế. Chức trấn phủ ở đạo ấy không thể không kén chọn người” (6). Phạm Quý Thích khi đề tựa sách Hải Dương phong tục ký đại lược nói: “Thượng Hồng, Hạ Hồng và các huyện Chí Linh, Than Lâm, phủ Nam Sách phong tục văn nhã, gần hợp với lẽ, còn bảy huyện khác thì phong tục hung hãn, vũ dũng, gần hợp với nghĩa đây là nói đại khái phong tục ngày thường”. Các huyện khác nói ở đây là thuộc vùng đất Hải Phòng ngày nay.

Lễ, nghĩa cũng như nhân, trí, tín là những chuẩn mực đạo đức phong kiến, là ý tưởng và phương châm xử thế của một mẫu người nho giáo cũ ở nước ta, nhưng tựu trung cái bao trùm lên tất cả đó là “lễ”, phải chăng đã nói lên một điều này: người Hải Phòng ven biển xưa chịu ảnh hưởng của Nho giáo không đến nỗi sâu đậm như những vùng khác?

Con người ở đây lại “cường ngạnh”, “vũ dũng”, gần hợp với nghĩa. Cứ theo giáo lý phong kiến thì “kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã”, thấy điều nghĩa mà không làm thì không phải là dũng. Người Hải Phòng xưa đã vì nghĩa mà làm. Mà nghĩa lớn ở đây không gì khác là chống áp bức cường quyền, chống xâm lược, chống thiên tai, xây dựng và bảo vệ quê hương.

Quá trình hội tụ cư dân cũng là quá trình hội tụ văn hóa. Những nét đặc sắc của văn hóa nhiều miền đã hòa trộn, đan xen với nhau tạo nên sắc thái riêng biệt và truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng của Hải Phòng.

Nếu cứ lấy danh mục những người học hành đỗ đạt cao để định giá một mặt của văn hóa thì trên vùng đất này, theo cách sắp xếp của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, cũng không phải là ít. Huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên) có 18 người, huyện Nghi Dương (Kiến Thụy) 14, huyện An Lão 8, huyện An Dương 7, huyện Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo) 18, huyện Tiên Minh (Tiên Lãng) 11 (8). Trong đó nhiều tiến sĩ có tiếng, nổi bật là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – người từng cáo quan về ở ẩn, dạy nhiều học trò thành tài như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thi Cử: người mà Phan Huy Chú phải ghi “có tài giỏi lưu tiếng nghĩa đời” và sứ nhà Thanh cũng phải khen “An Nam lý học hữu Trình tuyền” (người Nam giỏi lý học chỉ có Trình tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Ở đây cũng không bàn tới bàn tay tài hoa của Tô Phú Vượng đã trở thành ông tổ nghệ thuật điêu khắc còn được thờ ở Đồng Minh cũng như những tay thợ khéo léo đã dựng nên ngôi đình Hàng Kênh, Cung Chúc, những nghệ nhân điều khiển múa rối nước tuyệt vời.

Trong các làng xã Hải Phòng xưa đều có chùa, đình, đền, miếu, am. Có chùa Hưng Long ở Hán Lý (Vĩnh Bảo) tương truyền là quê mẹ của thiền sư Không Lộ, có tượng ba người kết nghĩa Không Lộ, Đạt Man và Đạo Hạnh. Có đền thờ bà Liễu Hạnh ở Thượng Đoạn (An Hải). Có văn chỉ thờ Khổng Tử. Nghĩa là có đủ cả Nho, Phật, Đạo lại hóa trộn với tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thành hoàng. Thành hoàng, người bảo trợ cho cả làng, ở đây hầu hết lại là những người có công với nước với làng, những nhân vật lịch sử được thờ ở các đình. Chỉ riêng những người có tham gia cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên ở thế kỷ XIII, còn được thờ ở 34 làng.

Trong tâm thức người Hải Phòng xưa, lòng biết ơn những người có công với dân với nước vẫn là điều sâu nặng hơn cả. Các hội làng với những lễ thức nông nghiệp của nền văn hóa xóm làng vẫn diễn ra như ở mọi nơi. Nhưng ở Hải Phòng còn đan xen văn hóa biển. Bên cạnh việc thờ thần Cao Sơn (thần núi) còn thờ thủy thần (thần nước) với dấu tích còn lại của tục thờ trăng và thờ trâu. Mặt trăng liên quan tới thủy triều, con nước, một điều người ven biển phải quan tâm. Huyền thoại miền biển đã có nhiều chuyện nói về trâu thần ở dưới nước, lên bờ chọi nhau, sừng mềm lại xuống nước, sừng cứng lại lên bờ chọi nhau tiếp. Sách Thủy kinh chứ từ thế kỷ VI đã nói tới giống trâu nước ở huyện Câu Lậu đất Giao Chỉ. Lễ hội mua trăng ở Đồ Sơn có tục chọi trâu. “Dù ai buôn đâu bán đâu. Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về”. Đại Nam nhất thống chí ghi: “Ở chân núi xã Đồ Sơn có đền thủy thần. Tương truyền có người bản thổ đêm đi qua dưới đền, thấy hai con trâu chọi nhau, nên hàng năm đến ngày 9 tháng 8 có tục chọi trâu để tế thần”. Trong phần phong tục, ghi rõ hơn: “Tổng Đồ Sơn tế thần, có tục chọi trâu, là theo tục Đãn Hộ”. Đãn Hộ là chủng tộc Nam Man phần nhiều ở thuyền, chuyên làm nghề chài lưới. Sự dung hòa, đan xen văn hóa đó đã làm cho văn hóa Hải Phòng xưa không bị khép kín mà mở rộng, phong phú và đa dạng.

Hải Phòng là vùng đất cổ, lại là vùng đất được bồi đắp dần về sau này nên luôn có phần đất mới. Từ trong lịch sử, Hải Phòng đã trở thành cửa ngõ quan trọng án ngữ mặt phía đông đất nước. Hải Phòng là vùng đất có con người sinh sống từ thuở xa xưa nhưng cũng là nơi luôn được bổ sung bằng những lớp lớp cư dân từ nhiều địa phương kéo đến: trung du, đồng bằng, hải đảo. Quá trình hội tụ cư dân là quá trình đắp đê sông, đê biển, đào kênh rạch, vừa để chinh phục thiên nhiên và tìm cách hòa đồng với thiên nhiên. Cũng là quá trình mở mang xóm làng, xây dựng và bảo vệ quê hương, chống áp bức và xâm lược. Từ đó mà hình thành nên cái sắc thái, cái cốt cách và bản lĩnh người Hải Phòng.

Phong cách đó, bản lĩnh đó đã trở thành nét đẹp truyền thống của Hải Phòng. Từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hải Phòng, phong cách đó, bản lĩnh đó càng được xác định rõ hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thái Hoàng
(Trường đại học sư phạm Hà Nội I)


(1) Nguyễn Viết Phổ - Đỗ Đình Khôi: Đồng bằng sông Hồng khoảng đầu công nguyên qua tài liệu thủy văn. Hội nghị khoa học sử liệu về thời kỳ Hai Bà Trưng (lần 2). H, 1984.

Đinh Văn Nhật: Đất Cẩm Khê, căn cứ cuối cùng của Hai Bà Trưng. Nghiên cứu lịch sử số 148-149.

(2) Đại Nam nhất thống chí, tập 111.H.1971.

(3) Nguyễn Trãi toàn tập – Dư địa chí. H. 1976.

(4) Đinh Văn Nhật. sđd

(5) Đại Nam nhất thống chí, sđd tr.410

(6) Nguyễn Trãi toàn tập, sđd. 219

(7) Đại Nam nhất thống chí, sđd. Tr. 368

(8) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1. H. 1960, tr.299

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố