Đọc tiểu thuyết "Hai ngày và mãi mãi" của nhà văn Cao Năm

Trong đời mỗi người hay lịch sử một thành phố, một quốc gia có những ngày không thể nào quên vì nó trở thành dấu ấn lịch sử thiêng liêng với niềm tự hào lớn lao mỗi khi nhớ về những ngày đó.
Hải Phòng chúng ta đã có hai ngày lịch sử là niềm vinh dự, tự hào của quân dân thành phố được đón Hồ Chủ tịch, khi người dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô từ Pháp trở về tổ quốc trên chiến hạm Đuya-mông Đuyếc-vin cập Bến Ngự Hải Phòng vào ngày 20-6-1946. Đó là sự kiện lịch sử thiêng liêng cách đây đã 69 năm mà chúng ta chỉ biết qua báo chí, hồi ức trên sách báo, còn giới trẻ thì gần như chỉ biết đó là một sự kiện lịch sử xa xưa một cách chung chung, đại khái.
Thật may cho chúng ta, cho lớp trẻ hôm nay khi nhà văn Cao Năm đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết dài 236 trang, tái hiện lại 2 ngày lịch sử: quân dân Hải Phòng được đón Hồ Chủ tịch từ Pháp trở về tổ quốc… Bác đã ở Hải Phòng 2 ngày gặp gỡ, thăm hỏi, đáp lại tình cảm của người dân Hải Phòng. Nhiều sự kiện, câu chuyện thật xúc động đã được nhà văn Cao Năm tái hiện chân thực, sống động, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bằng giọng văn mộc mạc, giản dị, xúc động của mình.
Nhà văn Cao Năm đã sáng tạo các nhân vật điển hình, tiêu biểu, chân thực, thể hiện tình cảm của người Hải Phòng với Bác, đó là Thanh, cán bộ tiểu thương trong Ban quản lý chợ Sắt đã cùng các bà, các chị ở chợ trong 1 ngày đêm may hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng để đón Bác; là vợ chồng Muôn - Lếnh, những người lao động sống chết vì thành phố làm hàng nghìn cán cờ, biểu ngữ, vận động các đoàn thể, các ngành, các giới chuẩn bị đón Bác. Mọi người tìm gặp nhau, nghe những câu chuyện cảm động về Bác qua lời kể của ông Mai - người bạn thuỷ thủ cùng làm việc với Bác ở trên tàu khi Bác ngày đầu ra đi cứu nước. Ông Mai đã giữ gìn chiếc áo mà Bác khi là anh Văn Ba thủy thủ cho ông đến tận giờ.
Rồi chuyện anh Luân gặp Bác ở Pa-ri, những ngày Bác hoạt động làm báo "Người cùng khổ", được Bác giác ngộ trở về nước hoạt động trưởng thành cùng cách mạng… Cả chuyện được gặp Bác của Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Hải Phòng Vũ Quốc Uy đã thể hiện tình cảm kính yêu của người dân thành phố đối với Bác sâu sắc biết nhường nào. Ngoài ra, Cao Năm cũng đã thành công khi xây dựng 2 nhân vật cán bộ cách mạng thành phố: đó là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Vũ Quốc Uy và Cảnh sát trưởng thành phố Trần Thành Ngọ.
Cao Năm đặc biệt thành công khi tái hiện lại hình ảnh của Bác trong 2 ngày từ khi chiến hạm Đuy-Mông Duyếc-Vin đưa bác cập cảng Bến Ngự Hải Phòng vào 4 giờ chiều ngày 20-10-1946. Đây là những trang thật khó, vì chỉ dựa vào tư liệu, trần thuật của báo chí, lời kể lại của một vài nhân chứng mà Cao Năm đã dựng lại trong 40 trang sách đầy xúc động về hành động, tâm tư tình cảm của Bác đối với Hải Phòng: từ cuộc đón tiếp Bác trên chiến hạm đến những buổi giao lưu, gặp gỡ các đoàn đại biểu ở các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng gặp Bác, việc gặp lại bạn cũ như ông Mai, anh Luân, ông Thi Sơn cho đến việc động viên những người lao động như chị Vân nhà bếp, những chiến sĩ bảo vệ, những nhân viên phục vụ của ủy ban… Cao Năm đã làm sáng lên nhân cách vĩ đại, phẩm chất cao quý vì dân của Bác.
Đặc biệt là cách cư xử, phát ngôn của Bác trong cuộc đón tiếp của đô đốc Đác-giăng-li-ơ tại cảng Cam Ranh. Hắn muốn uy hiếp tinh thần Bác nhưng chỉ bằng câu nói giản dị, thẳng thắn thể hiện quan điểm, Bác đã làm hắn phải khâm phục: "Nếu đô đốc Đác-giăng-li-ơ nghĩ rằng có thể đưa tàu chiến đại bác để gây ấn tượng với tôi thì ông đã lầm to. Những tàu chiến của ông ấy không thể đi ngược dòng sông của chúng tôi được đâu".
Tình cảm, suy nghĩ của Bác khi chiến hạm Pháp đi vào cảng Hải Phòng qua Bến Ngự thật đặc biệt. Sau 4 tháng 20 ngày xa tổ quốc được về với dân, đất nước, Bác vô cùng xúc động. Khi Bác mời hạm trưởng Ô-nây và trung tá Tuy-Tan, phái viên của chính phủ Pháp uống cà phê tạm biệt trong phòng trên chiến hạm, Bác đã đứng bật dậy đi ra cửa sổ bảo Tuy-Tan: "Đây là sông Cấm", làm phái viên Tuy-Tan xúc động kể lại những kỉ niệm ở Hải Phòng với tâm trạng bâng khuâng khó tả. Bác đứng lại bên cửa sổ ngắm nhìn dòng sông Cấm và bến cảng Sáu Kho...
Hai ngày Bác ở Hải Phòng có nhiều sự kiện ấn tượng: Ngoài chuyện gặp gỡ các đoàn đại biểu, đồng bào các tỉnh, bạn bè, Bác còn dự tiệc chào mừng của Ủy ban khởi nghĩa Hải Phòng, có Chỉ huy trưởng quân đội Pháp Đép-bơ, Hạm trưởng chiến hạm Ô-nây và các sĩ quan Pháp tham dự. Đến 9 giờ tối sang thắp hương ở đền Nghè, Bác dặn mọi người: "Hải Phòng có thành hoàng làng ngay giữa thành phố thế này là quý lắm, các chú phải làm cho mọi người, nhất là các cháu thanh thiếu niên hiểu rõ lịch sử quê hương, đất nước, làm sao để "dân tộc ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" các chú nhé.
Buổi sáng, mới 5 giờ Bác đã dậy nói với Vũ Quốc Uy bố trí để Bác đi thăm thành phố. Khi trở về Bác còn tiếp các đoàn đại biểu, các nhà báo, rồi sang ngay cuộc mít tinh của nhân dân thành phố chào mừng Bác tại vườn hoa sông Lấp vào lúc 10 giờ ngày 21-10. Những lời nói của Bác với quân dân Hải Phòng sẽ còn sống, vang vọng mãi trong lịch sử của thành phố.
"Lúc tôi ra đi, tất cả đồng bào đều áy náy, không biết tôi đi công việc và sức khoẻ của tôi ra sao? Trong bốn tháng hai mươi ngày đồng bào nhớ tôi, và cũng trong bốn tháng 20 ngày tôi nhớ đồng bào. Bây giờ tôi đã về đây, tôi rất sung sướng được thấy tổ quốc thân yêu, thấy đồng bào yêu quý, tôi hết sức vui lòng".
Từ chỗ mít tinh, Bác đi thẳng ra ga Hải Phòng để về Hà Nội. Bác còn dừng lại trước nhà ga, ở cửa toa tàu vẫy tay hồi lâu đáp lại thịnh tình của đồng bào thành phố Cảng ra tiễn bác... Đó thực là những trang rất hay, xúc động của tiểu thuyết "2 ngày và mãi mãi" của Cao Năm đã được anh hoàn thành với bút pháp giản dị, đầy sáng tạo. Tiểu thuyết xứng đáng được giải nhì của cuộc thi Ban tuyên giáo và Hội nhà văn tổ chức viết về đề tài học tập và làm theo lời Bác.
Cao Năm là một nhà văn, nhà báo lâu năm (là hội viên Hội nhà văn từ năm 1999), làm việc bền bỉ, sáng tạo không mệt mỏi. Ông đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết "Bão đồng" của ông thực sự ấn tượng. Ông là người sống chân thành với bạn bè, bạn viết. Có lẽ ông là người viết nhiều nhất về các tác phẩm mà bạn bè tặng ông, ông cũng là tác giả Hải Phòng được đăng nhiều trên các báo trung ương và địa phương. Sức viết của ông làm nhiều người khâm phục…
Hy vọng với sức mạnh nội lực mạnh mẽ ấy, ông sẽ vượt qua những trở lực bệnh tật đang thử thách ông. Chúc ông khoẻ, lạc quan, sáng tác đều để có nhiều tác phẩm hay hơn nữa tặng cho đời…
Nguyễn Long Khánh