Đảo Dấu - lung linh huyền thoại

Đến thăm đảo Dấu, du khách
ngỡ ngàng ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của trời, biển, khu rừng nguyên sinh,
ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi… Đặc biệt là được nghe những câu chuyện huyền
thoại về ngôi đền thờ Nam Hải Thần Vương.
Vị thần hiển linh trước 3 vị
quân vương
Tâm điểm của những huyền thoại, truyền
thuyết liên quan đến đảo Dấu là ngôi đền thờ Nam Hải Thần Vương. Xưa kia và cả
bây giờ, nhiều người dân ở Đồ Sơn vẫn quen gọi ngài với cái những cái tên ngắn
gọn, nhưng rất thành kính là cụ, cụ Đảo, cụ Dấu. Theo lời kể của các bậc cao
niên ở phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn), tên hiệu Nam Hải Thần Vương có từ đời
nhà Nguyễn, cụ hiển linh được nhà vua sắc phong. Theo truyền thuyết nhiều đời
qua, người dân Đồ Sơn thường kể cho con cháu và khách phương xa nghe, 3 lần Nam
Hải Thần Vương hiển linh trước các bậc quân vương.
Xưa, có một vị vua đời nhà Lý đi tuần
thú bằng đường biển. Khi thuyền rồng qua khu vực đảo Dấu, thấy phong cảnh đẹp,
lại lắm tôm cá, ngài bèn lệnh cho dừng thuyền, lên đảo buông cần câu cá. Lưỡi
câu của nhà vua, không cong có ngạnh như lưỡi câu thường, mà là lưỡi thẳng
không ngạnh giống như lưỡi câu của ông Lã Vọng xưa kia. Vì vua chỉ định câu
chơi chứ không bắt cá. Sau khi cắm mồi, nhà vua thả lưỡi câu xuống nước. Lạ kỳ,
cá nhiều nhưng chẳng con nào ăn mồi. Lúc lâu, nhà vua thấy có một con cá rất
lớn cứ nổi lên rồi lặn xuống chung quanh. Bực mình vì con cá quẩn quanh mồi
trêu chọc, nhà vua liền khấn, nếu thần đảo có linh thiêng, cho câu được con cá
này, ta sẽ tạ ơn. Dứt lời, không hiểu bằng cách nào mà lưỡi câu thẳng lại mắc
được vào miệng con cá. Tùy tùng giúp nhà vua kéo con cá nặng hơn 10 cân lên bờ.
Giữ lời, vua lệnh cho xây đền thờ thần đảo, gần chỗ câu được con cá.
Lần thứ hai, vào thời hậu Lê, có vị vua
đi kinh lý ở Đồ Sơn, đậu thuyền nghỉ đêm cạnh đảo Dấu. Nằm chiêm bao, nhà vua
thấy một ông già tóc bạc phơ đến ra mắt và xưng là thần đảo. Tỉnh dậy, vua phán,
nếu thực sự là thần linh thì hãy hiển linh cho ta xem. Vua vừa dứt lời, một con
cá to nhảy lên thuyền rồng. Thấy linh nghiệm, nhà vua phong cho ngài là “Lão
Đảo Đại Thần Vương”.
Lần sau cùng ngài hiển linh trước một vị
quân vương, đó là trong một dịp kinh lý ra Bắc, qua khu vực Đồ Sơn, thuyền rồng
của vua Tự Đức gặp sóng to, gió lớn. Nghe các quan lại địa phương bẩm tấu về sự
linh thiêng của ngôi đền trên đảo Dấu, vua liền lên đền khấn vái. Thật lạ kỳ,
sau khi nhà vua khấn xong, bỗng nhiên trời quang mây tạnh, gió yên biển lặng.
Vua Tự Đức liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương.

|
Đền
thờ Nam Hải Thần Vương trên đảo Dấu.
|
Phúc thần bảo hộ ngư dân
Trong lần ra đảo Dấu mới đây, lúc chờ
tàu, ngồi trò chuyện với anh Nguyễn Quang Luận, ở phường Vạn Hương (quận Đồ
Sơn), làm nghề lái tàu chở khách du lịch ra đảo Dấu, chúng tôi được nghe nhiều
chuyện về đền thờ và vị Nam Hải Thần Vương linh thiêng bảo vệ ngư dân Đồ Sơn.
Anh Luận tâm sự, theo lời kể của các bậc cao niên, từ khi xây đền thờ cụ Dấu,
cá heo kéo đến hàng đàn tung tăng bơi lội quanh đảo. Cứ mỗi lần cá heo nối đuôi
nhau bơi từ ngoài khơi vào gần bờ, là trời yên biển lặng. Nhưng khi thấy cá heo
bơi từ bờ ra khơi xa, vừa bơi, vừa nhảy vút lên khỏi mặt biển, là sắp có biển
động. Từ đó, cứ thấy cá heo bơi vào bờ, là ngư dân Đồ Sơn yên tâm ra khơi, lần
nào về cũng tôm cá đầy khoang. Tin rằng cụ Đảo hiển linh qua đàn cá heo để giúp
đỡ, bảo vệ mọi người, nên vào dịp lễ hội đầu năm, ngư dân Đồ Sơn đến đền thờ
làm lễ xin ngài phù hộ. Cuối năm đến làm lễ tạ ơn. Mâm lễ đơn giản, chỉ có con
gà, đĩa xôi, 1 miếng thịt lợn luộc, trầu cau, hoa quả… Ngư dân nào ở Đồ Sơn
cũng đến lễ xin và lễ tạ ơn Nam Hải Thần Vương. Mỗi khi ra khơi, vì điều kiện
không lên đền thắp được nén hương, thì đứng từ xa vái vọng.
Theo anh Luận, mặc dù cụ Dấu luôn phù
hộ, giúp đỡ ngư dân và người dân địa phương, nhưng đối với những người có hành
vi không đúng, không phù hợp, cụ rất nghiêm khắc. Trước kia, ở khu vực biển
phía Nam Đồ Sơn, xuất hiện một con cá rất lớn, ngư dân gọi là con “sà sứa” vì
thịt cá nấu lên toàn ra nước như thịt con sứa. Con cá sà sứa hiền lành chuyên
ăn rong rêu, tôm tép nhỏ. Thế nhưng, có 1 nhóm ngư dân nhẫn tâm dùng lưới rê
chăng bắt, quấn cá đến chết rồi kéo vào bờ. Lột da, xẻ thịt đem cân nặng hơn 10
tấn. Sau lần đó, chuyến nào ra khơi, nhóm ngư dân này cũng chẳng đánh bắt được
tôm cá, phải bỏ nghề đi biển. Ngư dân Đồ Sơn còn truyền nhau câu chuyện, ngày
xưa, do không có chì nên ông cha họ thường lên đảo lấy những hòn đá cuội nặng
từ 2-3 lạng đến 1 kg về buộc làm đòi ở phần đáy lưới. Tuy nhiên, những cheo
lưới buộc loại đá này không những không đánh bắt được gì, mặc dù tôm cá đầy biển,
mà lưới còn bị rối hết. Sau khi thu, gỡ lưới bị rối, mọi người đem đá trả lại
đảo, dùng đá nơi khác thay. Lạ thay, khi ra khơi, lại bắt được tôm cá…
Bao năm qua, vẻ đẹp tự nhiên của đảo Dấu
cùng những câu chuyện huyền thoại, tâm linh về đền thờ và vị Nam Hải Thần Vương
quyến rũ không biết bao thế hệ người dân đất Cảng và du khách phương xa đến với
đảo. Có người đến chỉ để tham quan, du lịch. Ngư dân cầu ra khơi tôm cá đầy
khoang. Người lại cầu ăn nên, làm ra, phát tài, phát lộc. Nhưng chẳng ai dám lấy
một hòn đá, bẻ 1 cành cây mang khỏi hòn đảo linh thiêng, huyền bí này…
Thái Phan