Có một quê hương trong ký ức

Có một quê hương trong ký ức

Cát Hải ngày nay đang trên đà đổi thay, cuộc sống người dân đã khấm khá hơn nhiều. Tuyến cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện chuẩn bị hoàn thành sẽ đưa Cát Hải gần hơn với đất liền, mang đến cho Cát Hải nhiều cơ hội phát triển. Bâng khuâng trước những thay đổi của quê hương, dù đã xa quê mấy chục năm rồi, nhưng vẫn luôn có một Cát Hải trong ký ức của tôi, một Cát Hải yên bình, đượm đà tình làng nghĩa xóm, với những mùa sứa muối trang, mùa reo phàng kéo lưới đầy tôm cá… Những mặn mòi vị biển ấy sẽ mãi mãi còn trong trái tim, trong nỗi nhớ của những người con xa quê như chúng tôi…

Mùa sứa

Dọc bờ biển đất nước mình ở đâu cũng có sứa .Nhưng tôi vẫn muốn nhắc đến những mùa sứa của quê hương như một hoài niệm về kí ức xưa. Hòn đảo Cát Hải quê tôi, mùa sứa thường bắt đầu từ tháng tư, tháng năm và rộ lên vào giữa mùa hè.

Xa quê đã hơn ba chục năm, tôi không rõ bây giờ sứa còn nhiều không. Chứ những năm thập niên 70 – 80 trở về trước, sứa nhiều vô kể. Sứa giương ô bơi từng đàn. Ban đêm chúng phát sáng như hội lân tinh. Người đi tắm biển húc phải sứa là chuyện thường. Sáng sáng, đi dọc bãi biển ta hay bắt gặp những con sứa to như cái nón bị sóng đánh dạt lên bãi cát nằm chờ người đến bắt. Thuyền đáy hoặc thuyền te đi vớt sứa về bán cho tổ chế biến hải sản cũng được bộn tiền.


Những con sứa to như cái nón bị sóng đánh dạt lên bãi cát nằm chờ người đến bắt - Ảnh minh họa

Người dân quê tôi thường bắt sứa về muối chua với quả vẹt (còn gọi là quả trang) và coi đó là món đặc sản. Sứa có hai loại: Sứa trắng và sứa bìa. Sứa bìa có màu nâu đỏ, ăn ngon hơn sứa trắng. Mùa sứa, bọn trẻ chúng tôi thường lên Cái Tráp đầu làng Ninh Tiếp, xuống rừng sú vẹt hái quả vẹt về muối sứa.

Quả vẹt mình tròn, thân dài, phần cuống nhỏ, phình to dần xuống thân và nhọn hoặt lại ở phần đáy trông như một cái quản bút chấm mực của học trò. Vỏ xanh, khi chín có màu nâu sẫm, vị chát. Chúng lúc lỉu rủ xuống từng chùm trên cây cao, khi chín thì rụng, cắm thẳng xuống bùn và mọc thành cây mới. Cứ thế mà thành rừng, rễ chằng chịt đan nhau nổi lên trên mặt nước. Nước rút, bùn khô, đi trong “rừng” rất thú vị.


"Rừng" trang có rễ chằng chịt đan nhau nổi lên trên mặt nước - Ảnh minh họa

Quả vẹt đem về luộc lên, đổ ra rổ để nguội rồi cho vào cối giã nhừ. Sứa phải được đánh nhớt sạch sẽ bằng cát biển, để nguyên cả gai sứa, sau đó rửa sạch sẽ rồi cắt ra từng miếng vừa phải, cho vào trong vại sành hoặc nồi đất to. Cứ một lớp vẹt một lớp sứa xếp lưng lửng rồi cài đậy chặt chẽ, ủ chừng hai tuần là thành sứa chua. Nhà làm vừa để ăn vừa để bán. Miếng sứa trước khi cho lên đĩa được vớt ra, rửa sạch rồi thái nhỏ, vắt cho thật ráo nước ăn mới giòn sần sật. Khi ăn phải có bát mắm tôm chanh pha ớt, đĩa rau húng, rau kinh giới hoặc rau ghém… còn tùy sở thích mà gia giảm món ăn kèm. Mùa hè nóng nực, bữa cơm có món sứa thì thật mát ruột. Sau này, người dân quê tôi sành ăn hơn còn chế sứa thành món gỏi sứa, nộm sứa cùng với các loại rau quả và tôm thịt, lạc rang… Món sứa bây giờ có mặt trong các siêu thị được nhiều vùng biết đến.


Ăn kèm sứa phải có bát mắm tôm chanh pha ớt, đĩa rau húng, rau kinh giới hoặc rau ghém - Ảnh minh họa

Ngày ấy, mẹ tôi là xã viên trong tổ phụ chế biến hải sản nên tôi ngoài giờ học hay phải đi làm thay để bà có thời gian chạy chợ. Cửa hàng thủy sản do bà Câu béo người Bình Định phụ trách có cơ sở chế biến hải sản cạnh một phân xưởng sản xuất nước mắm của xí nghiệp nước mắm Cát Hải. Đó là một nơi thật tấp nập, sầm uất. Tổ chế biến làm đủ mọi việc: làm nước mắm, cá khô, tôm khô, mắm tôm, mắm chua, sứa… và rau câu nữa.

Vào mùa sứa, các xã viên phải dậy thật sớm từ 4 - 5 h sáng, mang quang gánh xuống bãi biển làng Đôn Lương, có khi là Bến Gót để làm sứa. Xuống đến nơi, sứa được cân từ các thuyền lên úp san sát trên bãi cát. Mọi người hối hả làm việc. Sứa bỏ chân, còn lại cái mình to như cái nong, cái nón lật ngửa ra lấy cát đánh sạch nhớt, bóc bỏ màng. Sau đó lấy cái rổ thưa to úp xuống cát rồi úp mình sứa lên. Dùng con dao cạo làm bằng ống lon sữa bò để bào hết lớp gai sứa. Sứa làm xong đem xuống nước biển rửa sạch rồi gánh về thủy sản. Lúc này mình sứa trong vắt, trắng tinh. Người ta giã nhỏ phèn chua bằng cối giã thóc để ướp với sứa. Sứa được cho vào những cái bồ đan bằng tre to. Cứ một lớp sứa, một lớp phèn, trên cùng dằn đá để ép nước sứa. Những bồ sứa ấy đặt lên giàn dóng tre cứng, ở dưới là hệ thống rãnh thoát để nước sứa chảy ra. Một thời gian sau, sứa khô, mỏng teo lại như những cái bánh đa lớn. Sứa đem đi xuất khẩu, chắc thời ấy đem sang Trung Quốc, Triều Tiên, mấy nước anh em XHCN. Sau này nghề cá bị mất nên tổ chế biến hải sản cũng giải tán. Cảnh làm sứa theo mùa cũng mất từ đó. Cửa hàng hải sản cũng đìu hiu rồi cáo chung theo nghề cá.

Mùa reo phàng

Tháng ba, cuối xuân, nhớ về quê hương Cát Hải là nhớ về một mùa reo phàng rất nhộn nhịp, mùa no ấm của các làng chài trên đảo. Lưới reo là đánh cá theo cách thức truyền thống lâu đời của dân chài lưới vùng Hạ Long, Cát Hải, nghĩa là thả lưới trên biển và gõ phàng đuổi cá, dồn cá vào lưới. Mùa reo phàng quê tôi đã đi vào quá khứ kể từ cuối thập niên 70 của thế kỉ trước. Có lẽ khi phần lớn bà con ngư dân của làng Gia Lộc và Cao Minh chuyển ra đảo Cát Bà định cư theo chủ trương của huyện, rồi HTX đánh cá tan rã. Từ đó, chẳng còn mùa reo phàng, cũng chẳng còn cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền của một thời sầm uất nữa. Bởi vậy, mùa reo đã đi vào kí ức của những thế hệ dân đảo Cát một thời chiến tranh, một thời gian khổ.


Quê hương Cát Hải từng có mùa reo phàng nhộn nhịp - Ảnh minh họa

Mùa lưới reo thường bắt đầu từ tháng giêng, đầu xuân và kết thúc vào dịp tháng ba cuối xuân. Khi Tết đã tàn, mọi nhà làm lễ hóa vàng tiễn ông bà xong thì đã nghe tiếng trống tung... tung... tung rộn rã ở ngoài biển, tiếng ốc tù và thổi tu oa... tu oa... báo hiệu buổi xuất hành khai trương mùa reo mới bắt đầu. Những người đàn ông làng chài hối hả khiêng lưới, vác chèo, khoác nải... xuống thuyền. Trẻ con, phụ nữ tíu tít cùng theo ra kè, ra bãi biển mang phụ đồ nghề và tiễn người đi ra biển, lòng hồi hộp, khấp khởi đợi chờ... Lưới reo đánh cá gần bờ, lại đi về trong ngày nên bọn trẻ chúng tôi tầm từ tám hay mười tuổi trở lên thường được cha cho theo để phụ gõ phàng với người lớn hoặc là đi chơi cho biết. Tôi tuy là con gái nhưng hay bám cha, ông lại rất chiều tôi nên thường được cho đi theo nhiều chuyến. Có năm tôi đang học lớp vỡ lòng, cha cũng xin phép cho tôi nghỉ học đi theo thuyền lưới Nhâm của ông suốt cả tuần, dọc ngang trên vịnh Hạ Long và Cát Bà... đi chỉ để chơi, để mở mang. Đấy là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tuổi thơ tôi. 

Tiết trời mùa xuân ấm áp, mặt biển phẳng lặng như gương. Buổi sớm mù trời, bảng lảng như sương khói, báo hiệu mùa cá sẽ bội thu. Phàng lưới reo thông thường chỉ có một đôi thuyền cái to có nhiệm vụ thả lưới và kéo lưới. Mỗi thuyền dắt theo từ một đến hai chiếc xuồng gỗ. Còn lại thêm một đôi thuyền nữa cũng dắt theo vài ba đôi xuồng để vây lưới, gõ phàng. Đoàn thuyền ra đến giữa biển thì tiếng trống lại tung... tung... tung báo hiệu đã đến lúc thả lưới. Cặp thuyền cái vừa thả lưới vừa từ từ giãn vòng vây lưới thật rộng. Mọi người trên hai thuyền còn lại cũng hối hả xuống xuồng gỗ. Mỗi xuồng có khoảng từ hai đến ba người. Một người chèo lái, hai người còn lại ngồi trong lòng xuồng gõ phàng. Phàng là một thanh gỗ dày bắc ngang lòng xuồng được neo chặt hai đầu bằng dây thừng. Mỗi người cầm hai tay hai thanh gỗ tròn như hai cái chày ra sức gõ nhịp nhàng vào phàng. Từ tám đến mươi cái xuồng như thế thì nhau gõ phàng, vừa gõ vừa tản rộng ra vây lấy cái vòng phao đang lập lờ trên mặt biển. Tiếng gõ phàng rập rình... rập rình... rập rình... rộn rã khắp mặt biển, khí thế gọi cá, dồn cá thật hào hứng. Những tia nắng xuân vàng rượi vạch làn mây trắng mỏng rắc xuống mặt biển lóng lánh như rắc vàng. Từng gợn sóng ì oạp vỗ vào mạn thuyền nhịp nhàng theo tiếng gõ phàng như cũng hòa cùng chúng tôi gõ phàng gọi cá. Cha tôi đứng vững chãi trên xuồng cầm mái chèo quạt nước nhẹ nhàng điều khiển con thuyền nhỏ lúc nhanh lúc chậm, bám theo vòng phao lưới. Tôi và cụ Bảng ra sức gõ phàng. Lúc đầu tôi hào hứng gõ lắm, còn ngầm gõ thi với ông cụ. Nhưng rồi, hai cánh tay bé nhỏ cứ rệu dần vì mỏi, mỏi nhừ, nhịp gõ đuối hẳn, có lúc chỉ gõ bằng một tay, rồi cả hai tay chỉ nắm lấy một chày mà gõ. Hai tay của cụ Bảng vẫn đều đặn dẻo dai, gõ từng nhịp chắc nịch. Cụ bị chột một mắt. Cái miệng móm mém chỉ còn vài cái răng, nước da đen săn chắc, tay chân vẫn gân guốc lắm. Bỗng nhiên cụ hối tôi, giọng oang oang: "Đập mạnh lên! Đập mạnh lên! Đều tay lên..." Tôi giật cả mình. Rõ ràng là tôi thấy cụ đang nhìn nghiêng bên kia, mắt hếch lên như lườm giời, sao cụ biết tôi gõ phàng một tay chứ. Tài thật. Thế là tôi lại ra sức cố gắng...

Vòng vây lưới mỗi lúc một hẹp dần. Tiếng ốc tù và lại tu oa... tu oa... báo hiệu thu lưới. Hai chiếc thuyền cái cũng xích lại gần nhau hơn. Những chiếc xuồng cũng quây lại thành vòng tròn quanh miệng lưới. Đã nhìn thấy cá quẫy cuống cuồng lao qua, lao lại dày đặc trong cái ao lưới rộng. Mọi người ngừng gõ phàng, từ từ áp sát vào lưới. Các bác trên thuyền lớn bắt đầu nhanh tay kéo lưới lên. Những cánh tay vạm vỡ, rắn chắc ra sức kéo từng sải lưới nặng trĩu cá. Họ vừa kéo vừa hò theo nhip rất đều. Chao ôi! những chú cá kìm, cá quái mình xanh, mỏ nhọn hoắt, lao như mũi tên cắm thẳng vào mắt lưới. Những chú cá mòi, cá dớp, cá uốp, cá lanh mình trắng loang loáng, hí hóp trồi lên thở. Những chú cá đé to bè, lưng xanh, bụng phình những trứng quẫy tung lên giữa không trung rồi rơi bạch xuống lưới... rồi tôm, rồi mực nháo nhào hỗn loạn cả lên. Tôi sướng quá, thò tay xuống định rút chú cá kìm đang mắc trong mắt lưới, bỗng bị các bác trên thuyền nạt to: "bỏ tay ra, cá nó chém đứt tay bây giờ". Tôi vội rụt ngay tay lại. Hú vía! Có nhiều chú cá quẫy mạnh quá bắn thẳng vào lòng xuồng xung quanh, nước bắn lên tung tóe ướt cả đầu tóc tôi. Tiếng reo, tiếng hét, tiếng hò nhau kéo lưới náo động cả một vùng. Cả hai thuyền đều đầy ắp cá trong khoang.

Cha con tôi cùng mọi người trở về thuyền của mình. Quang cảnh trên thuyền lúc này thật vui và tất bật. Các bác cười nói, bàn tán về buổi đánh cá vừa diễn ra. Cái khuôn bếp trên thuyền đã đỏ rực than hồng từ lúc nào. Người nấu cơm, người làm cá. Các thuyền nhận phần cá về chia cho mọi người. Mùi cá tươi nướng thơm nức nở. Nồi nước me đã sẵn sàng. Mọi người nhanh tay thái gỏi cá rớp, giã giềng, nhặt rau, nhặt hành... Nồi riêu cá nấu me chua đặc cắm, ngọt lừ. Tôi được các bác thưởng cho hẳn một xiên vừa cá, tôm vừa mực nướng vàng xuộm còn nóng hôi hổi, chấm muối ớt cay sè. Mọi người vây quanh mâm cơm bên bếp lửa hồng trên thuyền cùng thưởng thức thành quả của mùa reo.

Xế chiều, thuyền về bến. Lại tiếng tù và tu...oa… tu... oa... gọi mọi người ra đón cá về sân kho HTX. Tùy theo thủy triều con nước, có lúc thuyền về ngay đầu đá thôn Thượng, có lúc về tít dưới Bến Gót, có lúc lại về ngay kè đá trước làng… Các mẹ, các chị nô nức rủ nhau ra gánh cá về sân kho. Bọn trẻ chúng tôi ríu rít trở về, đứa nào cũng xách tòng teng một xâu cá tươi rói, gọi là thưởng công gõ phàng mỏi tay. Mọi nẻo đường làng vui như đám hội. Bà con í ới gọi nhau đến nhận phần cá được chia ở sân nhà bác trưởng phàng. Khói bếp mọi nhà bay nghi ngút. Mùi cá nướng, cá rán thơm lừng lan tỏa khắp xóm thôn…

Nguyễn Vân (Vũng Tàu)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố