Vẫn
là “những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất…” hay làng hoa Đằng Hải,
những đồi thông, bãi tắm của Khu du lịch Đồ Sơn, thiên nhiên kỳ thú của
Đảo Cát Bà, vẫn là cảnh yên bình cây đa, bến nước, sân đình của làng văn
hóa, của những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát ở vùng ngoại thành Hải
Phòng, những hình ảnh quen thuộc ấy đều trở thành những góc chụp đẹp để
giới trẻ Hải Phòng hôm nay tạo nên một bộ ảnh kỷ niệm độc và lạ. Không
chỉ là những bức ảnh lưu giữ khoảnh khắc hiện tại của một góc Hải Phòng
mà còn là 1 tình yêu hiện hữu trao gửi cho Hải Phòng, thành phố thân
yêu…
1.
Cuối năm Giáp Ngọ, trong lúc cả nhà còn đang bận bịu cúng ông Công, ông
Táo bạn tôi rủ đi làng hoa Đằng Hải để… chụp ảnh ngoài trời. Cô hào
hững, “đi ngay đi chị, mọi người đang ùn ùn kéo nhau xuống chụp suốt từ
mấy ngày nay rồi. Vài ngày nữa thì các nhà vườn sẽ hái hoa bán Tết,
không còn cảnh nữa mà chụp”. Tôi nhận lời. Hiền bật mí, chị em mình
không có máy xịn, lại không biết chọn góc chụp đẹp nên em sẽ thuê người
chụp. Thợ này chuyên chụp “mẫu” chị ạ. Máy chụp hơn trăm triệu, nét căng
luôn, “đạo diễn” hết cả tạo dáng. Nếu cần “đạo cụ” áo the khăn xếp,
chít khăn mỏ quạ cầm quang gánh… người chụp cũng thuê luôn cho. Chụp về,
anh ấy còn photoshop sao cho ảnh của mình đẹp tự nhiên, không nhòe,
không giả…”. Chúng tôi thống nhất thuê người chụp nửa ngày với giá
500.000 đồng, trang phục… tự chọn. Sáng sớm trời vừa hửng nắng, cái rét
căm căm của ngày đông cắt vào da thịt, chúng tôi người thì mặc áo dài
áo đen quần trắng, người thì mặc váy dài thướt tha, vì đẹp mà ráng chịu
lạnh… Sau một hồi hết đứng rồi ngồi, rồi cả nằm chống tay trên đất lạnh,
loay hoay chúi mặt vào hoa, hay lấp ló sau những bụi hoa dơn, hoa cúc…
chúng tôi cũng hoàn thành được bộ ảnh. Bõ công chịu rét, đứng tạo dáng
vất vả nửa ngày trời, mỗi đứa có 10 kiểu ảnh làng hoa Đằng Hải đẹp như
mong muốn, rạo rực không khí Tết…
Thấy
chúng tôi mãn nguyện với bộ ảnh đẹp, Hiền tiếp tục “hẹn hò”: “Các chị
ơi, khoảng tháng 6, tháng 7 mùa sen nở, nhà mình lại làm một chuyến ra
Kiến Thụy chụp sen nhé…”.
2.
Nếu như ngày Tết xuống làng hoa chụp ảnh thì mùa hè giới trẻ lại đổ ra
đầm chụp ảnh với sen… Chỉ cần lướt qua một số trang mạng chuyên về ảnh,
hay thậm chí một số trang cá nhân trên facebook cũng có thể tìm thấy
không ít những bộ ảnh chụp khá kỳ công. Đường Hồ Xuân Hương (quận Hồng
Bàng) là một con đường ngang, nhỏ và ngắn. Nhưng một điểm đặc biệt là
đường Hồ Xuân Hương khi lên hình lại rất “ăn hình” bởi sự yên bình của
con phố nhỏ, hai bên đường là hàng cây cổ thụ che mát, các hàng rào nhà
dân, công sở đẹp và trang trí cây xanh mát mắt. Một trưa hè, tôi phát
hiện có một nhóm “người lạ”. Một đôi bạn trẻ chừng 18, đôi mươi trang
phục nam thì áo the, khăn xếp gánh theo quang gánh đựng sách, nữ thì áo
dài trắng thướt tha ôm cặp đang loay hoay tạo dáng cho một tay máy đang
lựa góc chụp. Ban đầu tưởng là đoàn làm phim cổ trang nào đang bấm máy,
tôi hỏi ra thì mới biết hai cô cậu học trò một trường cấp ba đang chụp
ảnh kỷ niệm trước khi chia tay một bạn ra nước ngoài.
Bạn
trai chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Hàng ngày, em đi học
qua những con phố dài, rợp mát bóng cây xanh, bừng nở màu hoa phượng đỏ,
ghi dấu những kỷ niệm thân thương của em về tuổi học trò, về thành phố
quê hương. Nay em đi học xa nhà, dù có thể chỉ vài năm em sẽ lại về,
nhưng cũng có thể là em sẽ không sống ở Hải Phòng nữa. Em mong muốn được
ghi lại kỷ niệm bằng những bộ ảnh đẹp về Hải Phòng. Hơn nữa, em cũng
muốn mặc trang phục cổ trang để tìm một cảm giác về Hải Phòng xưa, về
nét đẹp kiến trúc và con người đô thị Hải Phòng, một trong ba đô thị có
sớm nhất tại Việt Nam...”.
Khó
nhất để chụp ảnh với thiên nhiên đẹp không phải là chụp công phu với
máy tốt, với trang phục và đạo cụ cầu kỳ, được dàn dựng chu đáo mà lại
chính là những bộ ảnh khoảng khắc đời thường. Đó là cảnh đẹp thiên nhiên
nông thôn với cánh đồng lúa chín vàng, với những bé trai bé gái chân
trần chạy trên những con đê thả những cánh diều no gió. Hay một chiếc xe
chở những bông loa kèn đi trên phố những ngày đầu tháng Tư… Chỉ có một
khoảng khắc thôi, chúng ta có mặt trong những “shot” hình “lạ” mà thân
quen về thành phố chúng ta, con người sống quanh ta ấy cũng làm cho bức
hình chúng ta có trở nên… “vô giá”.
3.
Lâm “tặc”, một tay máy có tiếng của HPG (Hải Phòng Photography Group)
chia sẻ, để có một bộ ảnh hiếm lạ thì chỉ có duy nhất một cách là những
tay máy phải bỏ nhiều công lang thang hàng giờ trên những con phố thân
quen để tìm ra “điểm lạ” của nó để chuẩn bị cho phút bấm máy. Lâm cho
biết, ngoài chi hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh (trực thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hải
Phòng) thì Hải Phòng còn có nhiều hội nhiếp ảnh trẻ, điển hình như: HPG
(Hải Phòng Photography Group) chuyên chụp ảnh phong cảnh và ảnh đời
thường; HPP chuyên chụp ảnh mẫu và chân dung; HPY (Hải Phòng Photography
Young) tập hợp những người mới chụp và trẻ tuổi…
Những
tay máy chuyên nghiệp của những hội trẻ này đều bỏ nhiều công sức ra để
đi tìm những góc chụp “lạ”. Rút máy điện thoại ra, Lâm chỉ cho tôi xem
một số ảnh “lạ” trong album ảnh “Nhà xưa” của mình. Lâm cho biết, sau
rất nhiều lần rà qua soát lại… mái nhà của những dãy nhà cổ bên bờ sông
Tam Bạc, Lâm đã phát hiện ra một mái nhà “đẹp”. Khác với những nhà mái
lợp vát chéo lại có một ngôi nhà mái bằng (hoặc đã bị bóc đi phần tấm
lợp), trên đó trang trí những mảng miếng màu vàng, trắng đỏ đan xen mà
khi nhìn xa trông như một bức tranh ghép gốm.
 |
Ảnh mái nhà “tranh ghép gốm” tại dãy nhà cổ Tam Bạc |
Lâm
kể, lúc mới đầu, mọi người chỉ có thú đi chụp ngoài trời, cây xanh,
cảnh đẹp. Nhưng đến nay thì những ý tưởng chụp ảnh dường như ngày càng
mới… Rất nhiều người cảm thấy những ngôi nhà hoang lại “tiềm ẩn” một vẻ
đẹp “lạ”. Hay cũng có những người thích chụp ảnh trong những ngôi nhà cổ
tường, mái rêu phong…
4.
Tôi đã đi qua con phố Hồ Xuân Hương cả trăm lần để hàng ngày đến cơ
quan làm việc. Bỗng có một ngày, tôi được chụp cho một kiểu ảnh khi đang
ngẩn ngơ đi bộ trên đường này vào một buổi trưa hè. Tôi chợt nhận ra,
thì ra con phố nhỏ này đẹp như thế, mát như thế, vậy mà bao ngày qua tôi
chỉ vội vàng đi qua, chưa có lúc nào dừng lại để ngắm phố, để mà thưởng
thức sự giải nhiệt của những tán cây buổi trưa hè. Và, bức ảnh “bước
ngoặt” đó đã được tôi lưu giữ lại để “làm kỷ niệm”.
Tôi
được biết, bác Phạm Tuệ, người lưu giữ một bộ ảnh quý gồm 1.500 bức ảnh
về Hải Phòng xưa và nay cũng có một thói quen là luôn chụp ảnh những
địa điểm hôm nay của những bức ảnh xưa mà bác sưu tầm được. Bác Tuệ chia
sẻ: “Hải Phòng đổi thay từng ngày, xây dựng nhiều hơn, mở rộng và hiện
đại hơn. Tôi mong được ghi lại thật nhiều những bức ảnh xưa và nay để
chúng ta có một sự so sánh, đối chiếu, đồng thời cũng biết được xưa kia
chỗ này như thế nào. Có rất nhiều điều lạ và đáng học hỏi từ Hải Phòng
xưa, đó là kiến trúc Pháp, đó là cách xây dựng đô thị, những dấu tích
lịch sử hào hùng của người Hải Phòng…”.
Rất
nhiều người ghi lại những hình ảnh tự nhiên về thành phố với những góc
chụp lạ, tạo nên những vẻ đẹp tươi mới hơn cho thành phố. Mong rằng thú
chụp ảnh với đời thường, với thiên nhiên Hải Phòng sẽ ngày càng sáng tạo
hơn, có sức lan tỏa hơn để chúng ta có hình ảnh đẹp về thành phố, về
con người và cũng là trao gửi một tình yêu vẹn nguyên cùng năm tháng đến
thành phố quê hương…
(Nhật Lam - ANHP)