UBND thành phố Hải Phòng vừa có quyết định số
2252/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 về việcc phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm
công nghiệp (CCN) thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Ngày 10-10-2018, Bộ Tài nguyên-Môi trường có
văn bản phát động cuộc vận động “Chống rác thải nhựa”, đề nghị các bộ, ngành,
các tỉnh, thành phố…tổ chức chỉ đạo và vận động cộng đồng “nói không với sản
phẩm nhựa sử dụng 1 lần”. Để phong trào này đi vào cuộc sống, các cấp, ngành và
người dân cần chung tay thực hiện.
Sản phẩm nhựa phế thải nơi nào cũng có !
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do việc
lạm dụng túi nilông, từ năm 2011, nhiều tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội
Liên hiệp Phụ nữ thành phố …chỉ đạo các cấp hội vận động cán bộ, hội viên,
người dân hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nilông mà dùng làn nhựa hoặc
túi thân thiện với môi trường khi đi chợ, mua sắm. Nhưng qua nhiều năm, việc sử
dụng túi ni-long chưa giảm. Không dừng ở túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một
lần xuất hiện và được sử dụng ngày càng nhiều.
Rác ngập đường, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sống
Hiện nay, việc sản xuất, cung cấp sản phẩm
nhựa sử dụng một lần diễn ra tràn lan. Tại các chợ Tam Bạc, chợ Ga…. ống hút,
túi ni-lông, màng bọc thực phẩm được bày bán rất nhiều. Những sản phẩm này có
giá khá rẻ, cốc nhựa chỉ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/túi 50 chiếc, ống hút
5-10.000 đồng/túi 100 chiếc. Đồ nhựa
dùng một lần còn được rao bán tràn lan trên các trang mạng internet, chỉ cần cú
điện thoại, người tiêu dùng được cung cấp tận nơi. Rồi tại các siêu thị, sản
phẩm nhựa dùng một lần được bày bán nhiều. Phần lớn các sản phẩm nhựa dùng một
lần này không có thông tin gì về chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn
cách sử dụng an toàn. Bên cạnh đó, việc sản xuất sản phẩm nhựa rất dễ dàng. Tại
làng nghề Tràng Minh (quận Kiến An) nhiều hộ sản xuất túi ni-lông, cốc nhựa
dùng một lần từ phế liệu nhựa. Việc tìm mua loại máy làm cốc nhựa dùng một lần
không khó, chi phí bình quân vào khoảng 200-300 triệu đồng/máy làm cốc, máy sản
xuất ống hút nước hoặc túi ni-lông rẻ hơn chỉ hơn 100 triệu đồng/máy. Các loại
máy này được rao bán rất nhiều trên các trang mạng.
Cùng với đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm nhựa
dùng một lần của người dân rất lớn. Đây là món đồ không thể thiếu tại cửa hàng
đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi party, picnic dã ngoại. Hệ quả là
lượng rác thải nhựa đang gia tăng nhanh, xuất hiện ở khắp nơi, đặc biệt khu vực
du lịch, bãi biển. Quanh khu vực âu tàu đảo Cát Bà, những túi nilon, chai nhựa
trôi nổi khắp mặt vịnh, chung quanh các nhà hàng nổi. Giám đốc Ban quản lý các
vịnh thuộc quần đảo Cát Bà Nguyễn Công Hòa
cho biết: Mỗi ngày lực lượng vệ sinh của ban thu gom 8-10 m3 rác thải
nhựa trên mặt các vịnh. Không chỉ khu vực Cát Bà, hiện nay, lượng chất thải
nhựa và túi nilon ở Hải Phòng ở mức cao, chiếm khoảng 8-12% lượng chất thải rắn
sinh hoạt, tương đương khoảng hơn 100 tấn rác/ngày.
Thực tế trên cho thấy, công tác truyền thông
về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần chưa mạnh mẽ. Đồng thời các chính
sách để kiểm soát, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần chưa hiệu quả. Mức thuế
40.000 đồng/kg túi là thấp, không hạn chế được việc sử dụng sản phẩm này.
Thực hiện đồng bộ quản lý với tuyên truyền
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Trần Minh Tuấn cho biết: Các loại nhựa
được dùng trong những vật dụng thường ngày từ chai nước cho đến bao bì sẽ sản
sinh ra khí metan, etylen… Đây là thủ phạm làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây ra
hiện tượng trái đất ấm lên và mực nước biển dâng cao, đe dọa đến nhiều cộng
đồng sinh sống ven biển. Tuy nhiên, sản phẩm nhựa dùng một lần mang lại rất
nhiều thuận lợi trong sinh hoạt, nên việc hạn chế nó cần phải bắt đầu từ ý thức
của người dân. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp quản lý đối với việc sản xuất
sản phẩm nhựa dùng một lần. Quy định chặt chẽ hơn việc sản xuất, tiêu thụ sản
phẩm dùng một lần, phát triển sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay
thế sản phẩm nhựa dùng một lần…Về chính sách, nhà nước cần đánh thuế môi trường
cao đối với sản phẩm nhựa dùng một lần. Hiện nay trên thế giới có 75 nước có
chính sách quản lý, từ cấm sử dụng túi nhựa, đến đánh thuế người tiêu dùng,
đánh thuế nhà sản xuất, nhà bán lẻ sản phẩm nhựa dùng một lần.

Túi ni - long vứt đầy ở các bãi rác khu vực ngoại thành.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Võ Tuấn
Nhân cho rằng, để hạn chế núi ni-lông không thân thiện với môi trường, cần phải
có sự tham gia của toàn xã hội và phải có các loại túi thay thế. Đồng thời, đẩy mạnh chính sách khuyến khích
các sản phẩm tự tiêu hủy, thân thiện với môi trường, hỗ trợ để sử dụng phổ biến
hơn các sản phẩm túi thân thiện với môi trường.
Thực tế trên cho thấy, để phong trào này đạt
mục tiêu đề ra, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền nhiều hơn những
tác hại của việc dùng sản phẩm nhựa dùng một lần; đồng thời, quản lý chặt chẽ
hơn việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm
này, đánh thuế thật cao. Có như vậy thì mới có thể chống rác thải nhựa,
tiến tới “tẩy chay” sản phẩm nhựa dùng một lần.