Ngày 11/12, Đoàn công tác Tổng
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu làm trưởng đoàn làm việc
với UBND thành phố về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, xử lý
chất thải công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ
tịch UBND thành phố tiếp và làm việc với đoàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành và
lãnh đạo các sở, ngành liên quan thông tin tình hình quản lý, bảo vệ môi trường
trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, hoạt động trong lĩnh
vực này và những chương trình, định hướng phát triển của thành phố thời gian
qua đáp ứng yêu cầu mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2018, khoảng 98% lượng
chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại đều được các cơ sở phân loại,
lưu giữ và ký hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển xử lý. Chương
trình giám sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam là dịp để thành phố nhìn nhận, đánh giá
khách quan công tác quản lý bảo vệ môi trường; qua đó hoàn thiện, nâng cao hiệu
quả quản lý.
Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành
Kết luận cuộc làm việc, Trưởng
đoàn giám sát Ngọ Duy Hiểu đánh giá: Công tác quản lý và việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của
các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt kết quả khá tốt. Thành phố đưa ra
được những chủ trương, chính sách về quản lý, bảo vệ môi trường và tổ chức thực
hiện đạt hiệu quả tốt. Trong thời gian tới, thành phố cần dự báo được nguy cơ ô
nhiễm môi trường và đưa ra những giải pháp phòng ngừa hiệu quả cao; rà soát hệ
thống cơ chế, chính sách, loại bỏ những quy định không phù hợp, bổ sung quy
định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, làm tốt quy hoạch bảo vệ môi
trường, lựa chọn công nghệ tái chế, xử
lý chất thải phù hợp; đa dạng nguồn lực đầu tư xử lý chất thải, bảo vệ môi
trường; quan tâm đào tạo cán bộ quản lý môi trường….
* Cùng ngày, Đoàn công tác của
Tổng LĐLĐ làm việc với Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng. Theo báo cáo của Ban
quản lý Khu Kinh tế, trên địa bàn thành phố hiện có 1 Khu Kinh tế và 10 khu
công nghiệp (KCN) hoạt động. Công tác quản lý môi trường đối với các KCN đi vào
nền nếp, 10 KCN xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, trong đó có 8 KCN
vận hành nhà máy xử lý nước thải; 9 KCN xây dựng và lắp đặt hệ thống quan trắc
tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát theo quy
định. Các doanh nghiệp đầu tư và phát triển hạ tầng KCN đều có bộ phận chuyên
trách quản lý môi trường. Tình hình kiểm soát khí thải, kết quả quan trắc môi
trường không khí chung quanh các KCN đều đạt quy chuẩn cho phép.
Đoàn kiểm tra khu xử lý nước thải thuộc KCN
Đoàn giám sát kiểm tra thực tế
tại KCN Nam Cầu Kiền và cơ sở xử lý chất
thải công nghiệp, chất thải nguy hại của Công ty TNHH Phát triển thương mại và
sản xuất Đại Thắng (tại KCN Nam Cầu Kiền).