Kết quả sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện
Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Tài nguyên-Môi
trường và tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
giai đoạn 2016-2020 cho thấy, nhận thức của nhân dân nói chung, đồng bào có đạo
nói riêng được nâng cao; qua những mô hình điểm bước đầu có những hoạt động
thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Mỗi năm triển khai 1 đến 2 mô hình điểm
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam
thành phố, huyện An Dương, tháng 5-2018, MTTQ xã Đặng Cương xây dựng mô hình
điểm “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư vùng
đồng bào có đạo”. Chủ tịch MTTQ xã Đặng Cương Đỗ Văn Khởi cho biết, ô nhiễm môi
trường trên địa bàn xã, nhất là ô nhiễm nguồn nước mặt đang diễn ra và ngày
càng gia tăng mức độ do tình trạng xả nước thải sinh hoạt của các hộ dân chưa
qua xử lý, ô nhiễm từ nghĩa trang nhân dân, ảnh hưởng do dùng thuốc bảo vệ thực
vật từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trực tiếp thải ra môi trường. Trong khi
đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường chưa được chú trọng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ
chức, cá nhân, khu dân cư trong việc tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường còn
hạn chế. Việc xây dựng mô hình điểm nhằm phát huy sức mạnh toàn dân, trong đó
có vai trò quan trọng của đồng bào công giáo tích cực tham gia bảo vệ môi
trường. Qua hơn 3 tháng triển khai, nhận thức của người dân được nâng cao rõ
rệt, nhiều hộ dân chủ động tham gia các hoạt động, các buổi sinh hoạt khu dân
cư, cam kết hạn chế dùng hóa chất trong sinh hoạt, thuốc kháng sinh trong chăn
nuôi; phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý đối với rác dễ tiêu hủy ngay tại nhà;
tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; trồng cây xanh ở các trục đường chính…

Tuổi trẻ xã Đặng Cương (huyện An Dương) tích cực tham gia bảo vệ môi trường.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành
phố Đỗ Tràng Thành, nhằm phát huy vai trò của hệ thống Mặt trận các cấp trong
công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từ năm 2016, Ủy ban
MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường, các địa phương
lựa chọn triển khai 1 đến 2 mô hình điểm mỗi năm. Việc chỉ đạo xây dựng mô hình
điểm được các cấp, các ngành liên quan triển khai bài bản. Tại các đơn vị làm
điểm, với sự chủ trì của MTTQ, nhiều địa phương chủ động khảo sát, đánh giá
thực trạng về công tác vệ sinh môi trường, thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng các
tiêu chí đánh giá; củng cố vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo
và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Tính từ năm 2016 đến nay,
nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được chỉ
đạo triển khai, đạt kết quả tốt và nhân rộng toàn thành phố, như: mô hình “Tự
quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư” tại thôn Đốc Hậu, xã Toàn Thắng
(huyện Tiên Lãng); mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với
biến đổi khí hậu vùng ven biển hải đảo” tại xã Văn Phong (huyện Cát Hải) và xã
Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy); mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường tại
cộng đồng dân cư” tại thị trấn An Dương (huyện An Dương)…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành
phố, qua 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam thành
phố, Sở Tài nguyên-Môi trường và tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường,
ứng phó biến đổi khí hậu, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công
tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu từng bước được nâng lên, có
những hoạt động thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, công tác
tuyên truyền của các bên liên quan trong chương trình phối hợp chưa được quan
tâm thường xuyên. Sự phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức thành viên, ngành Tài
nguyên-Môi trường và các tổ chức tôn giáo ở các cấp có lúc, có nơi chưa chặt
chẽ dẫn đến tình trạng lúng túng khi triển khai các hoạt động sau khi ra mắt mô
hình điểm, nhất là lựa chọn những nội dung cụ thể phù hợp với đặc thù các tổ
chức tôn giáo và địa bàn khu dân cư. Hoạt động hội thảo, bồi dưỡng nâng cao
nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cho các đội nòng cốt và tổ chức
hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu còn ít (trừ hoạt động của
Caritas Hải Phòng), thiếu kinh phí tổ chức, tài liệu hướng dẫn...
Vì thế, để triển khai có hiệu quả cao chương
trình phối hợp trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị
thành phố chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý về thu
gom rác tại khu vực nông thôn; ngành Tài nguyên-Môi trường hỗ trợ kinh phí cho
các hoạt động cụ thể. Ủy ban MTTQ Việt
Nam thành phố cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố như Phật
giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp
chặt chẽ với chính quyền các địa phương phát huy hiệu quả hoạt động của các mô
hình điểm. Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đưa những nội dung
trong chương trình phối hợp vào chương trình hoạt động Phật sự hằng năm; vận
động Phật tử tham gia công tác từ thiện nhân đạo hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai,
bão lũ; hạn chế việc đốt hương, không đốt vàng mã gây ảnh hưởng đến môi
trường…Giáo phận Hải Phòng ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình phối hợp
gắn với thực hiện thông điệp Ladatosi của Giáo hoàng Phanxicô với đường hướng
“Người tín hữu Công giáo có ý thức và có hành vi tích cực để bảo vệ môi trường
và làm giảm biến đổi khí hậu”. Theo linh mục Vũ Văn Kiện, quản lý Tòa Giám mục,
Giám đốc Caritas Hải Phòng, việc phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
hằng năm không chỉ là dịp để treo băng giôn, khẩu hiệu mà phải đi vào những
công việc cụ thể mà mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cùng hưởng ứng và bắt
tay thực hiện.