Khai trương vở kịch “Lâu đài cát” chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng số tháng 10/2024
(Haiphong.gov.vn) - Sáng 11/9, Đoàn Kịch nói Hải Phòng khai trương vở diễn “Lâu đài cát”, chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng số tháng 10/2024.
Trưởng đoàn Đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu thông tin về vở kịch.Vở diễn “Lâu đài cát” được thực hiện bởi êkip: tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn NSƯT Kiều Minh Hiếu, họa sĩ NSND Doãn Bằng, nhạc sĩ NSND Trọng Đài, biên đạo múa NSƯT Nguyệt Hằng, chịu trách nhiệm chương trình Trưởng đoàn Đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu, với sự tham gia của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng và một số nghệ sĩ, diễn viên đến từ Hà Nội.
Vở kịch hứa hẹn thu hút khán giả ngay từ phút đầu, khi phản ánh một lối sống khá phổ biến đang tồn tại cả trong xã hội lẫn gia đình hiện nay, đó là thói đạo đức giả. Gia đình ông Quân – bà An là một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, luôn tỏ ra coi trọng đạo lý. Mỗi khi họp gia đình, đều phải thắp hương trầm, phải rửa tay sạch sẽ với những lời thưa gửi vô cùng thận trọng. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bên ngoài được che đậy bởi những mặt nạ của các thành viên trong gia đình, mà ông bố là giáo sư danh tiếng, con trai lớn là Tổng cục trưởng và con thứ 2 là Tổng Giám đốc. Họ luôn tỏ ra là những người đạo mạo, coi trọng truyền thống gia đình, rao giảng đạo đức với người khác, nhưng đằng sau, họ lại sống giả dối, buông thả. Sự thật chỉ được lộ ra khi Thiên – người cháu đích tôn đưa người yêu về ra mắt và gia đình ông Quân phải đối diện với sự thật: cô con dâu tương lai chính là người đã từng bị ép buộc quan hệ với ông Bộ, bố của Thiên.
“Lâu đài cát” đã phản ánh chính diện sự thật đen tối của các thành viên trong nhiều gia đình ngày nay. Thói ích kỷ đã khiến nhiều người luôn đeo mặt nạ để che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân. Mặt nạ ấy được vẽ bằng chất liệu của ngôn từ: truyền thống gia đình, nhân cách đạo lý… và thật đáng sợ, khi cái mặt nạ ấy ngày càng dầy lên, dẫn đến hệ lụy và bi kịch khôn lường. Chính sự mục ruỗng trong gia đình đã tạo nên những hậu quả cho xã hội, nhưng nhiều người lại luôn đổ lỗi sự mất nhân cách là do xã hội. Hậu quả mà gia đình ông Quân - bà An phải chịu, là sự cảnh báo mang tính xã hội: gia đình là một tế bào của xã hội, muốn có một xã hội lành mạnh thì trước hết từng tế bào phải lành mạnh.
NSƯT Kiều Minh Hiếu giữ vai trò đạo diễn vở kịch.Êkip thực hiện cho biết, vở kịch được thiết kế mỹ thuật với ý tưởng gợi lên màu sắc thời gian bình dị, xưa cũ, thanh khiết, đặc biệt là hình ảnh mái nhà cổ kính đang nghiêng vẹo, xô lệch, thấp thoáng cho người xem thấy có gì đó sắp sụp đổ nếu như ta không nhận ra để bồi đắp chăm chút nâng niu trân trọng. Âm nhạc được pha lẫn giữa hiện đại và hoài cổ, có sự dữ dội cảnh báo mơ hồ về tan vỡ mất mát nhưng cũng có sự mạnh mẽ khẳng định mình của lớp thanh niên trẻ, dù có chuyện gì xảy ra thì những người trẻ cũng sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông để bước tiếp với thông điệp “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”.