Những "nhịp cầu" chứng tích lịch sử
Là một trong những đô thị hiện đại phát triển đầu tiên trong cả nước, Hải Phòng còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với quá trình đô thị hóa. Trong đó, phải kể đến những cây cầu mang dấu ấn lịch sử, văn hóa đậm nét.
1. Mỗi khi rảnh rỗi, anh Nguyễn Tiến Trung và nhóm bạn trẻ đam mê chụp ảnh lại hẹn nhau ở cầu Bính. Chiếc cầu dây văng hình hạc có chiều dài gần 1,3 km bắc qua sông Cấm, nối liền trung tâm thành phố và huyện Thủy Nguyên đẹp và hiện đại nhất của thành phố Cảng là địa điểm sáng tác yêu thích của những người đam mê nhiếp ảnh. Công trình thay thế phà Bính đưa vào hoạt động cuối năm 2005, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực Bắc Sông Cấm, nhất là vùng Thủy Nguyên. Từ trên đỉnh cầu Bính, phóng tầm mắt về mỗi hướng có thể cảm nhận đầy đủ hình ảnh thành phố cảng biển xinh đẹp và lộng lẫy. Dải sông Cấm nhấp nhô những chiếc cần cẩu cao thấp, vùng đất Thủy Nguyên phong cảnh hữu tình, đô thị Hồng Bàng đang trên đà phát triển với những tòa nhà cao tầng san sát…
2. Từng có thời thơ ấu gắn liền với cuộc sống ở khu đập Tam Kỳ, đến nay, ở tuổi ngoài 80, bác Trần Đức Lộc (ở phố Lam Sơn, quận Lê Chân) vẫn giữ thói quen thả bộ trên cây cầu Quay bắc qua sông Tam Bạc vào mỗi buổi chiều tà. Nằm trên tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai nối đến Vân Nam (Trung Quốc), cầu Quay được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20 với tên chính thức là cầu Xe hỏa. Khi làm cầu này, người Pháp thiết kế một trục quay giữa sông để khi nước lên, hoặc một số giờ nhất định trong ngày, nhịp cầu giữa sẽ quay ngang 90 độ, tạo một lạch thông thoáng cho tàu thuyền lớn qua lại. Cầu quay không xa lạ gì trên thế giới, song ở Việt Nam là cây cầu độc đáo nhất từ cổ chí kim. Cây cầu chứng kiến nhiều trận ném bom ác liệt của đế quốc Mỹ xuống thành phố Cảng. Sau nhiều lần sửa chữa, cầu được cố định, tính năng quay của cầu chỉ còn là hoài niệm nhưng cái tên cầu Quay vẫn mãi trong lòng người dân thành phố.
3. Mỗi cây cầu đều là một chứng tích lịch sử. Tham quan Hải Phòng qua những cây cầu là một trải nghiệm du lịch mới mẻ đối với những du khách đã quen thuộc với thành phố Cảng nhộn nhịp. Trải qua thời gian, những cây cầu ra đời cách đây cả trăm năm qua nhiều đợt sửa chữa, xây mới song vẫn nằm ở vị trí cũ, gồng gánh trên mình hàng triệu triệu bước chân người qua, chứng kiến bao biến đổi thăng trầm của đô thị Hải Phòng.
Bắc qua dòng Tam Bạc hiền hòa, nối phố Điện Biên Phủ với phố Bạch Đằng, có chiều dài 92m, cầu Lạc Long là một trong số ít cầu được xây dựng đầu tiên của Hải Phòng. Ngày ấy cầu mang tên là cầu Giốp (Pont Joffre), sau Cách mạng Tháng Tám đổi tên là cầu Ngô Quyền. Từ năm 1954 đến nay cầu mang tên Lạc Long. Cây cầu từng là mạch máu giao thông quan trọng của thành phố trong thời kỳ chiến tranh nên trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ, có ngày đến 16 lượt ném bom, khiến cầu có lúc bị hỏng hoàn toàn.
Cách đó không xa là cây cầu Xi-măng gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển hàng trăm năm của nhà máy Xi-măng Hải Phòng. Xuôi về phía đông nam thành phố, cầu Rào được dựng từ cuối thế kỷ 19 trên khu cánh đồng Rào, thuộc xã Đằng Giang, huyện An Hải cũ cũng là mục tiêu đánh phá ác liệt và được xây dựng lại sau khi đất nước giành độc lập.
Bên cạnh đó, có những cây cầu xưa nay không còn nhưng vẫn luôn được người Hải Phòng nhắc đến như: Cầu Đất (bắc qua ngòi Liêm Khê chảy qua 2 xã An Biên, Gia Viên cũ rồi đổ ra sông Cấm) nay là phố Cầu Đất (quận Ngô Quyền); cầu La Nhiên, Pôn Đume và cầu Chợ bắc qua kênh đào Bonnan (nay là dải vườn hoa trung tâm thành phố)…
4. Đi quanh đô thị Hải Phòng không khó bắt gặp những cây cầu uốn mình như những cánh tay vươn dài, tạo vóc dáng khoẻ khoắn, phóng khoáng của mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió. Đó có thể là những những cây cầu cũ còn hiện hữu, vẫn đang được sử dụng hoặc những cây cầu hiện đại mới được dựng lên phục vụ nhu cầu phát triển giao thông của người dân thành phố. Mỗi cây cầu đều là những chứng tích lịch sử gắn liền với quá trình công nghiệp hóa đô thị hóa của thành phố Cảng. Trong tương lai gần, khi cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam Tân Vũ – Lạch Huyện với chiều dài hơn 10 km hoàn thành và đi vào sử dụng, Hải Phòng sẽ có thêm cây cầu đi vào lịch sử, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong giai đoạn hòa bình, đổi mới với nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến với Hải Phòng là đến với thành phố của những cây cầu, du khách sẽ có dịp tìm hiểu thêm lịch sử phát triển thành phố qua những “nhịp cầu” chứng tích lịch sử.