Cụm Di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy) - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt

(Haiphong.gov.vn) – Ngày 17/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 152/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 Di tích; trong đó, Hải Phòng có 2 Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt là: Cụm Di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (quận Hải An) và Cụm Di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy). Đây là hai địa điểm mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương.

Quần thể  Di tích Vương Triều Mạc.

Cụm Di tích liên quan đến nhà Mạc ở Hải Phòng

Cụm Di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy) gồm 5 Di tích: Từ đường họ Mạc được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia năm 2002; Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố năm 2016; chùa Trà Phương được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2007; chùa Nhân Trai được xếp hạng Di tích cấp thành phố năm 2003; Đền - chùa Hòa Liễu được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1993. Cụm Di tích không chỉ là nơi lưu giữ những di sản văn hóa quý báu của dân tộc mà còn là nơi để du khách tìm hiểu rõ nét hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc ta xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Quần thể di tích Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được xây dựng trên nền móng của Điện Tường Quang, nơi phát tích triều Mạc, rộng 2,5ha trong tổng diện tích quy hoạch 10,5ha gồm các hạng mục: Nghi môn ngoại, cầu đá, hồ cá, nghi môn nội, nhà văn bia, nhà giải vũ và nhà chính điện.

Trọng tâm của Khu Tưởng niệm là nhà chính điện (diện tích 586,19m2) được xây dựng theo kiến trúc văn hóa thời Mạc với bố cục mặt bằng hình chữ “Công," nâng đỡ bởi 100 cây cột gỗ lim, gồm ba phần: 7 gian tiền đường, 5 gian hậu cung...

Gian tiền đường là nơi thờ linh vị 5 vị vua thời Mạc. Tượng bằng gỗ dát vàng, chính giữa là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và các đồ thờ quý.

Khu Tưởng niệm đang lưu giữ thanh Định Nam Đao (dài 2m55, nặng 25,6kg) gắn với công lao sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, cùng ngài xông pha chiến trận, bách chiến bách thắng.

Vương triều Mạc.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Mạc là một trong những triều đại nắm triều chính ngắn chỉ với 66 năm (1527 – 1592) nhưng đã để lại cho đời sau nhiều dấu ấn, bí ẩn và hàng loạt chứng tích lịch sử trên dải đất duyên hải Bắc Bộ. Nổi bật hơn cả là vùng đất Dương Kinh xưa tức Kiến Thụy ngày nay (Hải Phòng) được xem là kinh đô đầu tiên của người dân vùng biển do nhà Mạc dựng lên.

Theo Toàn thư và Đại việt thông sử, Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Sinh ra ở vùng biển, thuở thiếu thời, Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người. Trong cuộc thi tuyển dũng sĩ đời vua Lê Uy Mục tại Giảng võ đường Thăng Long, ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ. Trong giai đoạn này, triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn, uy hiếp. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công...

Năm 1527, ông được triều Lê phong làm thái sư An Hưng Vương. Tháng 6 năm 1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Học theo nhà Trần, trị vì được 2 năm, đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng Dương Kinh tiểu kinh đô thứ 2 của nhà Mạc đồng thời là đô thị ven biển đầu tiên của nước ta lúc bấy giờ.

Dưới triều Mạc, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam có nhiều thành tựu được lịch sử ghi nhận. Đó là thời thịnh trị của chợ búa, cảng thị sầm uất, văn hóa dân gian nở rộ. An ninh trật tự, kỷ cương nghiêm minh. Về kinh tế, nhà Mạc đã có chính sách khuyến nông, ưu tiên cấp ruộng đất cho binh lính, chú trọng khẩn hoang, lập làng, đắp đê. Nhà Mạc không theo chính sách “trọng nông, ức thương” như thời Lê sơ, mà có chính sách rất cởi mở với nội thương và ngoại thương, phát triển sản xuất hàng hóa, thông thương thị trường nội địa với nước ngoài. Sản phẩm gốm hoa lam của nhà Mạc ở Bát Tràng, ở Nam Sách độc đáo, tinh xảo, xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Một số nghề thủ công mỹ nghệ như tạc tượng, đúc chuông được khuyến khích phát triển.

Về văn hóa, nhà Mạc luôn chú trọng chính sách thi cử, đào tạo nhân tài cho đất nước (kể cả đối với phụ nữ). Cứ 3 năm mở một kỳ thi Hội. Tổng cộng tổ chức được 22 khoa thi, lấy đậu 485 tiến sĩ, 11 trạng nguyên, 12 bảng nhãn, 19 thám hoa (chỉ đứng sau thời vua Lê Thánh Tông). Tiêu biểu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, “ngôi sao Khuê” của thế kỷ XVI. Thời đó, Mạc Đăng Dung cho xây dựng Dương Kinh ở Cổ Trai, quê hương ông một hệ thống cung điện, lầu các, trường học như: Các Dương tự; điện Tường Quang, Phúc Huy; phủ Quốc Hưng; mả Lăng, đồn binh, kho lương… với quy mô đồ sộ. Để Dương Kinh trở thành “đô thị ven bến xứ Đông”, nhà Mạc cho xây dựng một số thương cảng trên bến dưới thuyền làm nơi giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước như: Lỗ Minh Thị, An Quý, Do Nha… gắn với việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, nhất là chùa chiền ở Cổ Trai và vùng lân cận.

Vương triều Mạc tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị lực lượng phong kiến nhà Trịnh với danh nghĩa phù Lê đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592. Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592).

Ngoài những thành tựu về kinh tế, văn hóa xã hội nhà Mạc còn nổi tiếng với thanh “Định Nam Đao” – vũ khí liền thân của Thái tổ Mạc Đăng Dung khi người còn làm quan võ dưới triều vua Lê. Thanh đao khi xưa nặng 32 cân dài 2.55m nhưng do thời gian bị chôn vùi dưới lòng đất hơn 100 năm. Thanh đao giờ nặng 25.6 cân. Hiện nay Định Nam Đao được thờ làm linh khí tại Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc. 

Phương Mai
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố