Đình Xích Thổ - căn cứ địa cách mạng năm xưa

Đình Xích Thổ - căn cứ địa cách mạng năm xưa

Dưới mái đình cong vút như một mảnh trăng treo trên nền trời trong veo của buổi chiều đầu thu ở làng Xích Thổ, Hồng Thái, An Dương, chúng tôi được nghe các già làng kể chuyện về lớp lớp người con quê hương đã theo cụ Hồ, theo Việt Minh đi làm cách mạng, thấy mình như đang được sống trong không khí hào hùng của mùa thu năm ấy…

Tìm lại nét xưa, dáng cũ

Theo cụ Nguyễn Xuân Giớ - một cao niên của làng cho biết, đình làng Xích Thổ được xây cùng với thời lập làng cách đây khoảng 300 năm, vào cuối thời Lê Trung Hưng. Do thời gian mai một, đình làng cũ bị đổ nát, không còn giữ được thần tích. Khoảng cuối thế kỷ 18, đình, chùa Xích Thổ được xây dựng lại đồng bộ trên nền đất như hiện nay.

Qua  nhiều lần tu bổ, nay đình làng có khuôn viên rộng 1.200m2, mái cong lợp ngói mũi, xây theo lối chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Giữa gian tiền đường là ban thờ thành hoàng làng Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi. Theo thần tích, ngài sinh vào niên hiệu vua Hồng Thuận, thời Lê, khoảng năm 1509-1516, tại Nghĩa Xá, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân ngày nay. Là người có sức khỏe phi thường, học ít hiểu nhiều, văn võ tinh thông, ngài đã có công đánh giặc Minh, phò tá nhà Mạc.

Đình Xích Thổ nay còn giữ 5 đạo sắc phong thần của ngài qua các triều vua: Duy Tân, Thành Thái, Đồng Khánh, Tự Đức, Khải Định. Năm 1924, vua Khải Định sắc phong ngài là Phúc thần, ghi vào điểm lễ triều đình, truyền cho các nơi thờ phụng lâu dài. Vì thế ngoài Xích Thổ, hiện nay ở các làng ven sông Lạch Tray đều có đình, đền thờ hoặc thờ vọng bài vị ngài. Đặc biệt đình làng Xích Thổ còn lưu giữ được 3 pho tượng cổ làm bằng gỗ, có niên đại khoảng 200 năm của thành hoàng Phạm Tử Nghi (thời Mạc), Bạch Xích Đại Vương (thời tiền Lý), Bộ Quốc (Triều Trần). Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ được bia đá hậu thần (thần bia phả ký) đầu thế kỷ 19, thời vua Thành Thái ghi công những người đã có nhiều đóng góp vào việc tu bổ đình, chùa, đảo hồ đình.

Bên cạnh đình làng là chùa Hưng Khánh. Nếu ai có dịp đến vãn cảnh chùa, được nghe tiếng chuông chùa ngân nga bên những cánh đồng quê bát ngát và dòng Lạch Tray lộng gió, sẽ thấy tâm hồn mình thật yên ả, thư thái. Đây là một ngôi chùa mang vẻ đẹp cổ kính, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử của Xích Thổ. Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng gỗ quý hiếm gần 200 tuổi và 1 pho tượng phật bằng đá có từ 500 năm trước. Chiếc chuông lớn (đại hồng chung) của chùa Hưng Khánh được đúc bằng đồng tại tổng Kiều Yêu từ thế kỷ 19 đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Trên thân chuông có khắc bài phú sinh động, giàu ý nghĩa văn hóa.

Xích Thổ là “tổ Việt Minh”

Không chỉ đẹp ở nét cổ kính rêu phong, bởi phong cảnh hữu tình, nên thơ nơi làng quê hồn hậu, mà đình, chùa Xích Thổ còn là chứng nhân lịch sử, là niềm tự hào của người làng qua bao thế hệ.

Xích Thổ xưa là một vùng đầm lầy, nhiều lau sậy, như 1 bán đảo xa đường cái nên nơi đây đã sớm trở thành căn cứ địa vững chắc cho các chiến sĩ cách mạng hoạt động ngay trong lòng địch. Đình, chùa Xích Thổ đã được chọn là nơi căn cứ chính để nuôi giấu cán bộ. Năm 1946-1947, dưới gốc bàng sân đình, tiểu đội du kích nữ bán vũ trang được thành lập với lời thề chiến đấu quyết giữ làng, giữ nước, do các đồng chí Bùi Thị Thái, Nguyễn Thị Di, Bùi Thị Mầu chỉ huy.

Hai tiểu đội du kích nam có vũ trang cũng được thành lập do đồng chí Nguyễn Bá Ga, Nguyễn Bá Lệ, Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Khắc Trào phụ trách. Đình, chùa và một số nhà dân ở làng đã được chọn để làm căn cứ địa cho các tiểu đội hội họp, luyện tập. Các hầm bí mật cũng được đào ở khu vườn của đình, chùa để đón các đồng chí cán bộ về hoạt động, chỉ đạo phong trào, không cho địch đóng bốt, lập tề. Ngày đó làng đã được phong danh “Xích Thổ là tổ Việt Minh”, làm cho quân thù nghe thấy đã khiếp sợ.

Để đàn áp phong trào Việt Minh ở Xích Thổ, lính ngụy và một số sỹ quan Pháp chỉ huy bao vây làng cả một ngày ròng. Nhưng bộ đội ta và dân làng đã chặn đánh kiểu du kích, cộng với địa thế hiểm trở, lực lượng đã bí mật rút khỏi căn cứ an toàn. Tức tối, quân Pháp lại càng tăng cường càn quét cơ sở. Chúng bắt giữ, tra khảo, chém, thiêu, bắn hay hành hạ cho đến chết nhiều cán bộ chiến sỹ cách mạng ngay tại nơi cửa đình. Sự tàn ác của kẻ thù đã làm bùng lên ngọn lửa quyết chiến, quyết thắng, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của người dân Xích Thổ.

Năm 1950-1954, đình, chùa Xích Thổ lại được chọn là đầu mối đặt trạm giao liên bí mật (Bưu điện khu 2 huyện An Dương) để chuyển tải cán bộ, công văn bí mật từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do và ngược lại: Năm 1950, đồng chí Nguyễn Dần - nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã lấy Xích Thổ là cơ sở hoạt động, trực tiếp chỉ đạo trạm giao liên. Năm 1953, đồng chí Đoàn Duy Thành - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cùng nhiều đồng chí trong Quận đội Ngô Quyền cũng đã được đưa về hoạt động cách mạng tại đây.

Bên cạnh đó còn rất nhiều cán bộ, chiến sỹ cách mạng về hoạt động tại Xích Thổ như các đồng chí: Nguyễn Bát, Phạm Nhu, Lê Văn Thành,Vũ Văn Đăng, Nguyễn Đức Lân… Năm 2010, khi đồng chí Đoàn Duy Thành trở lại thăm Xích Thổ đã để lại những dòng đầy xúc động: “Những năm 1951 và 1954, tôi và các đồng chí của tôi đã được bà con nhân dân thôn Xích Thổ đùm bọc, nuôi dưỡng, đào hầm trú ẩn khi giặc Pháp đến càn quét, phá cơ sở cách mạng của ta. Nơi đây biết bao đồng bào, đồng chí đã hi sinh cho sự nghiệp bảo vệ đất nước…”.

Sau năm 1954, hòa bình được lập lại, đình và chùa Xích Thổ lại là nơi học tập của con em Xích Thổ. Từ 1965-1975, đình, chùa Xích Thổ là nơi hội họp, tập trung đưa tiễn con em của làng lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây còn là điểm sơ tán của nhiều đơn vị trong thời kỳ đó như: Bộ đội thông tin Quân khu 3, Công ty Xây lắp Hải Phòng, Trường dạy nghề xí nghiệp sửa chữa ô tô Đồng Tâm quốc tế…

Qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước, đình, chùa làng Xích Thổ thực sự là căn cứ địa cách mạng của vùng An Dương, đã trở thành một chứng nhân lịch sử, nơi ghi dấu, nhắc nhớ nhiều thế hệ con người quê hương về những năm tháng hào hùng, đáng tự hào. Năm 2013, quần thể đình, chùa, bia tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sỹ làng Xích Thổ đã được thành phố công nhận là Di tích lịch sử kháng chiến.

(Du lịch Hải Phòng)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố