Đình Nam (phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn): Lưu giữ truyền thống quê hương
Đình Nam (phường
Vạn Sơn, quận Đồ Sơn): Lưu giữ truyền thống quê hương
Đình Nam ở phường Vạn Sơn, một
trong những công trình tín ngưỡng quan trọng của người dân vùng đất Đồ Sơn, vừa
được phục dựng. Đây vừa là điểm sinh hoạt tâm linh và điểm đến linh thiêng tại
khu du lịch nổi tiếng của thành phố.
Chủ tịch UBND phường Vạn Sơn, ông Phạm Hoàng Tuấn phấn khởi cho
biết: sau gần 1 năm khẩn trương xây dựng, đình Nam vừa được khánh thành cuối
tháng 9-2015 trong niềm vui lớn của người dân địa phương. Quá trình xây dựng
lại ngôi đình diễn ra khá suôn sẻ nhờ sự phù hộ của thần hoàng, phát tâm công
đức của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và nhất là sự đồng lòng của cán bộ và
người dân trên địa bàn phường. Từ cán bộ phường đến mỗi người dân không quản
vất vả, hồ hởi tham gia đóng góp công sức đào đất, xây móng, vận chuyển nguyên
vật liệu… Nhờ đó, công trình hoàn thành sớm hơn dự kiến và tiết kiệm chi phí.
Nằm giữa khu dân cư đông đúc ở trung tâm quận Đồ Sơn, cách không
xa bãi biển rì rào sóng vỗ quanh năm, đình Nam ngày nay có quy mô vừa phải,
mang dáng dấp của những ngôi đình cổ phong cách thời Lê. Đình có kiến trúc chữ
Đinh, gồm 3 gian, 2 trái, được làm chủ yếu bằng gỗ và đá xanh. Hệ thống mái
cong, đao vượt với những đường nét chạm khắc tứ linh tinh xảo mang dấu ấn thế
kỷ 15. Đặc biệt, toàn bộ 38 cột gỗ trong đình có đường kính từ 34-45 cm được
chọn lựa cẩn thận từ những thân cây kiền kiền- loại gỗ quý, cứng như lim nhưng
dai hơn.
Theo truyền ngôn của người dân địa phương, đình Nam có từ lâu đời,
là một trong những ngôi đình lớn của cả vùng Đồ Sơn xưa. Đây cũng là nơi duy
nhất ở vùng đất Đồ Sơn có hệ thống văn bia, từ chỉ gắn liền với đình. Cũng như
nhiều ngôi đình khác ở Đồ Sơn, đình Nam thờ Thần hoàng làng Điểm tước Đại thần
vương. Truyền thuyết kể rằng, vào năm hạn hán, mất mùa xưa kia, người dân Đồ
Sơn kéo nhau lên đỉnh Mẫu Sơn (nay là núi Chòi Mòng- ngọn núi cao nhất ở Đồ
Sơn) lập đàn cầu mưa. Lễ vật có một mâm bột trắng. Khi hạ lễ, người dân thấy
trên mâm bột có vết chân chim. Cả năm sau đó mưa thuận gió hòa, người Đồ Sơn
yên ổn làm ăn. Từ đó, người dân Đồ Sơn tin rằng họ được thần tiên trên thượng
giới giáng trần chứng giám và phù hộ, liền tôn làm thần hoàng làng và thờ phụng
đến ngày nay. Trong các ngôi đình còn thờ phụng bát bộ tôn thần, gồm nhị vị
phúc thần là Đế thích Thần vương, Nam hải Đại vương và lục vị tiên công (6
người) là ông tổ các dòng họ Hoàng, Lê, Phạm, Nguyễn, Đinh, Lương, có công khai
khẩn ra mảnh đất Đồ Sơn ngày nay.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đình Nam 2 lần bị phá hủy hoàn
toàn. Lần thứ nhất vào khoảng thế kỷ 17, đình Nam là một trong những nơi đóng
quân của Quận He Nguyễn Hữu Cầu ở Đồ Sơn. Khi chúa Trịnh Doanh sai Hoàng Ngũ
Phúc, Phạm Đình Trọng đem quân đánh dẹp cuộc khởi nghĩa, đình bị phá tan tành.
Sau đó, người dân địa phương phục dựng lại đình với 5 gian, 2 trái, trang
nghiêm, bề thế. Đến cuối năm 1953, đình lại bị phá một lần nữa khi thực dân
Pháp cưỡng bức người dân ở đây đi nơi khác, lập “vành đai trắng” ở Đồ Sơn. Năm
1993, Đảng ủy, UBND, MTTQ Việt Nam và người dân phường Vạn Sơn xây dựng lại
đình trên nền cũ. Thời kỳ đó, do kinh tế khó khăn nên chỉ dựng tạm gian nhà cấp
4 và tạo một số pho tượng gỗ để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người
dân. Từ đó đến nay, tuy đã nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, song gian nhà thờ
xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống tượng gỗ bị mối xông hư hại. Năm 2011, nhờ
nguồn kinh phí xã hội hóa, 6 pho tượng thờ được đúc lại bằng đồng dát vàng.
Xuất phát từ nguyện vọng của bà con, lãnh đạo phường quyết tâm phục dựng lại
ngôi đình cũ, khởi công tháng 10-2014.
Ông Lê Bá Đoán, Hội người cao tuổi phường Vạn Sơn cho biết, trong
quá trình xây dựng lại ngôi đình, xuất hiện nhiều điềm lành. Vào ngày hô thần
nhập tượng mồng 4 tháng 8 năm 2011 (âm lịch), khi bắt đầu làm lễ thì đất trời
bỗng vần vũ, nổi cơn gió to kèm theo mưa lớn chưa từng thấy. Đến đúng lúc kết
thúc nghi lễ thì trời đất trở lại bình yên, quang đãng, không một hạt mưa. Mới
đây nhất, vào ngày mồng 4 tháng 8 năm 2015 (âm lịch), sau khi hoàn thiện ngôi
đình, Ban quản lý chuyển tượng thờ vào hậu cung, ban đầu trời lặng, nhưng đến
khi toàn bộ tượng thờ chuyển xong trời bỗng nổi mưa to, người dân ai cũng vui
mừng, cho là các ngài về chứng giám lòng thành con cháu.
Ban Quản lý đình Nam đang hoàn thiện bức đại tự, câu đối và một số
chi tiết bên trong ngôi đình. Mong muốn của chính quyền và người dân địa phương
tiếp tục mở rộng khuôn viên của đình, khôi phục khu vực từ chỉ và thực hiện các
thủ tục công nhận di tích. Trên cơ sở đó, xây dựng nơi đây trở thành di tích
lịch sử, địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của địa phương và là
điểm đến du lịch tâm linh tại khu danh thắng Đồ Sơn.
(Báo Hải Phòng)