Xác định chiến lược tổng thể cho giáo dục nghề nghiệp cho giai đoạn 2021-2030
Đối với Việt Nam chúng ta, trong bối cảnh xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và hội nhập quốc tế, yêu cầu đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao để tranh thủ thời cơ dân số vàng góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, cần thiết phải có một chiến lược tổng thể cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển trong giai đoạn tới. Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng.

Ông cũng cho biết ở phạm vi toàn cầu, mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc đã xác định phát triển con người, giáo dục - đào tạo là trung tâm, trong đó trọng tâm là phát triển kỹ năng nghề và GDNN. Nhằm đạt được mục tiêu thiên niên kỷ.
UNESCO cũng có một chiến lược riêng về GDNN, nhóm các nước G20, OECD và nhiều quốc gia phát triển gần đây tập trung phát triển chiến lược GDNN, chiến lược kỹ năng.
Với Việt Nam, dựa trên chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay và đặc biệt là Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng cục GDNN đã đưa ra 5 quan điểm phát triển GDNN.
Một là, phát triển GDNN phải được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo đồng bộ với đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, bảo đảm tính ổn định của hệ thống nhưng cần tầm nhìn dài hạn.
Ba là, phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận và công bằng, với nhiều phương thức và trình độ đào tạo…
Bốn là, đào tạo nghề nghiệp phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp.
Năm là, GDNN là dịch vụ công cơ bản, thiết yếu được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo. Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho trường chất lượng cao, các cơ sở GDNN chuyên biệt tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, các ngành, nghề đặc thù và các đối tượng chính sách.

Ông Trương Anh Dũng cũng cho biết mục tiêu chung, cần phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng và bền vững. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN. Phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN - 4. Trong đó, một số mục tiêu cụ thể chiến lược hướng tới là:
Về quy mô tuyển sinh, năm 2025 phấn đấu tăng gấp 2 lần hiện nay, đến năm 2030 tăng gấp 3 lần hiện nay với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp, không chỉ cho thị trường lao động hiện tại và trong ngắn hạn, mà cần tập trung chuẩn bị cho 5 - 10 năm tới, thậm chí dài hơi hơn. Chất lượng và hiệu quả đào tạo phải nâng lên, phấn đấu ít nhất 90% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Về mạng lưới, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng. Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN - 4; đến năm 2030 có khoảng 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.