Toàn cầu hoá và hội nhập Quốc
tế đang là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt mà không có quốc gia nào là ngoại lệ
nhưng trung tâm của quá trình này lại đang diễn ra hết sức mạnh mẽ ở các đô
thị, thành phố lớn trên thế giới nhất là các thành phố cảng biển. Các chuyên
gia, nhà nghiên cứu của Tổ chức toàn cầu hoá và các thành phố thế giới (GaWC)
đã đưa ra các tiêu chí để nghiên cứu và phân loại các thành phố của các nước có
tầm ảnh hưởng trong phạm vi toàn cầu.
Đối với Hải Phòng, Nghị
quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu xây dựng và phát triển Hải
Phòng đến năm 2015 cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo
hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ từng bước phấn đấu
trở thành thành phố quốc tế. Đây là cách tiếp cận mới, nhận thức mới, thể hiện
việc đổi mới tư duy về xây dựng và phát triển thành phố trong bối cảnh toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế. Việc vận dụng tư duy hệ thống để thực hiện mục tiêu
trên là vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn đối với Hải Phòng.
Thực hiện Nghị quyết 32 của
Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố, Hải Phòng nỗ lực phấn
đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện
đại hóa Cđất nước. Những năm gần đây, kinh tế thành phố tăng trưởng bình quân
đạt 11%/ năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nâng tỷ trọng
công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thành phố tập trung cao cho mục tiêu nâng cấp
kết cấu hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Đình Vũ -
Cát Hải, Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, nâng cấp Sân bay Cát Bi
thành sân bay Quốc tế; quy hoạch hệ thống các Khu công nghiệp tập trung, Khu
kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; các khu đô thị mới...
Trong tương lai, các công
trình cơ sở hạ tầng này sẽ góp phần tạo ra tầm vóc và diện mạo mới cho Hải
Phòng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng nhanh, năm sau cao hơn
năm trước. Hiện có 25 Quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Hải Phòng
với 350 Dự án, tổng vốn đầu tư gần 6,4 tỷ USD. Hải Phòng tổ chức thành công
nhiều Hội nghị Quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh thành phố.
Với khả năng xây dựng cảng
cửa ngõ và sân bay quốc tế, Hải Phòng có triển vọng phát triển theo hướng là
thành phố Quốc tế theo các tiêu chuẩn mới nhất của Tổ chức GaWC. Việc phát
triển Hải Phòng theo xu thế của các thành phố lớn có hệ thống giao thông kết
nối đồng bộ với các nước bằng đường biển và đường hàng không sẽ tạo sức lôi
cuốn, thu hút các nguồn lực, các Tập đoàn kinh tế lớn, đa Quốc gia, các tổ chức
quốc tế đến với Hải Phòng. Việc nghiên cứu áp dụng tư duy hệ thống đối với sự
phát triển của thành phố theo xu thế trên đòi hỏi nghiên cứu, tìm hiểu về hệ
thống các tiêu chí cũng như cách tính toán các tiêu chí này theo phương pháp
của GaWC.
Việc vận dụng tư duy hệ
thống, nhất là xác định đâu là điểm đòn bẩy để thực hiện mục tiêu phát triển Hải
Phòng theo hướng thành phố Quốc tế, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp
sau:
Một
là,
triển khai hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, nhất là
các dự án lớn đã và đang triển khai tiếp sức cho mục tiêu này như: Cảng cửa ngõ
quốc tế Hải Phòng, Sân bay Cát Bi thành sân bay Quốc tế nhằm kết nối Hải Phòng
với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực, đồng thời hoàn thành đường cao tốc
Hà Nội - Hải Phòng vào năm 2015. Đây không chỉ là động lực cho sự tăng tốc phát
triển đối với Hải Phòng mà còn tác động lan toả cho cả vùng duyên hải Bắc Bộ và
vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời chính là điểm đòn bẩy, là nhân tố quan
trọng nhất để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh tái cấu
trúc nền kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp là chủ đạo, đưa Hải Phòng phát
triển theo mục tiêu thành phố Quốc tế.
Hai
là,
nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội
nhập, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại
hóa, phát huy và nâng cao tiềm năng, vị thế của thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh
hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng không gian kinh tế thành phố, củng cố và mở
rộng quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng như: Nhật Bản, Hàn
Quốc, Nga, Mỹ, EU, các nước trong khu vực, các tổ chức Quốc tế, các Tập đoàn đa
Quốc gia nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ
trợ phát triển chính thức (ODA) thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát
Hải, Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng, nghiên cứu xây dựng khu
công nghiệp chuyên sâu của Nhật Bản.
Ba
là,
chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, văn hóa, xây dựng bệnh viện,
trường học Quốc tế, áp dụng bộ chỉ số đô thị toàn cầu của Liên hợp quốc, xây
dựng đô thị sinh thái, đô thị kinh tế. Tham gia hệ thống Hiệp hội các thành phố
lớn trên thế giới, mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 và khu vực châu
Á-Thái Bình Dương. Mở rộng quan hệ và phát triển các hoạt động liên kết song
phương, đa phương, liên kết khu vực, đưa Hải Phòng thành nơi tổ chức các sự
kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo quốc tế, từ đó thúc đẩy phát triển
mạnh mẽ các quan hệ chính trị gắn với kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch.
Bốn
là,
đẩy mạnh liên kết và hợp tác Quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao
công nghệ trên các lĩnh vực về quy hoạch và phát triển đô thị, khoa học công
nghệ, y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể dục thể thao, tư pháp...
Có điều kiện trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ các hoạt động mang tính toàn cầu giữa
Hải Phòng với các thành phố trên thế giới như: ứng phó với biến đổi khí hậu và
nước biển dâng, các hoạt động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp do thảm họa thiên tai
gây ra, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, các vấn đề về an
ninh lương thực và năng lượng; học tập kinh nghiệm phát triển bền vững và bảo
vệ môi trường.
Năm
là,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đồng
thời với thực hiện cải cách hành chính đồng bộ và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu,
đòi hỏi của hội nhập Quốc tế.
Định hướng xây dựng Hải
Phòng từng bước trở thành thành phố Quốc tế là chặng đường dài, với nhiều thuận
lợi nhưng không ít khó khăn, thách thức song đây là xu thế phát triển chung của
các đô thị cảng biển trên thế giới. Vì vậy, cần nghiên cứu một cách nghiêm túc
và sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của tư duy hệ thống áp dụng cho sự
phát triển của thành phố, giúp cho công tác quy hoạch, hoạch định chính sách,
xây dựng mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng cả trước mắt và lâu dài. Như
Giáo sư - Tiến sĩ Yoshiharu Tsuboi (trường Đại học Wesada, Tokyo, Nhật Bản) - người
có 40 năm nghiên cứu về Việt Nam, khi đến Hải Phòng tham dự hội thảo đã nhấn
mạnh: “Hải Phòng không thể yên phận, phải đặt mục tiêu xây dựng trở thành thành
phố hấp dẫn mang đẳng cấp quốc tế, trong đó có dịch vụ hoàn thiện và hoàn hảo”.