Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế mạnh làm đầu tàu lôi kéo kinh tế vùng phát triển

Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế mạnh làm đầu tàu lôi kéo kinh tế vùng phát triển

 Hải Phòng là thành phố cảng biển, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đầu mối giao thông quan trọng  về đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển quan trọng của cả nước và quốc tế, gắn kết Hải Phòng với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế. Lợi thế so sánh đã tạo cho Hải Phòng phát triển kinh tế biển, chủ yếu là ngành cảng -hàng hải, du lịch biển, thủy sản, dầu khí và các dịch vụ kinh tế biển...

 

Phát huy vai trò là hạt nhân trong vùng kinh tế.

 

Với tiềm năng lợi thế và vai trò cầu nối quan trọng, thành phố Hải Phòng có điều kiện rất thuận lợi để giao lưu liên kết, hội nhập và hợp tác kinh tế với thế giới bên ngoài, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (khu vực có nền kinh tế năng động và có một số trung tâm kinh tế lớn của thế giới); trong hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời là cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vị trí hỗ trợ đắc lực cho Thủ đô Hà Nội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, trong giai đoạn 2006 - 2010, kinh tế thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 2006- 2008 (bình quân tăng 12,76%/năm); từ năm 2009 đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, bình quân trong 5 năm đạt 11,15%; tuy không đạt mục tiêu Đại hội đề ra (12-13%/năm), song vẫn gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Nhiều chỉ tiêu đạt cao, về trước kế hoạch từ 1 đến 3 năm, như sản lượng hàng hoá thông qua cảng, thu ngân sách trên địa bàn, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GDP năm 2010 gấp 1,7 lần so với năm 2005, GDP bình quân đầu người tăng 63,4% (năm 2010 đạt 1.742USD/người); tỷ trọng GDP trong GDP cả nước chiếm khoảng 4,3% (năm 2005 là 3,6%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng GDP của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 87% năm 2005 lên 90% năm 2010 (trong đó dịch vụ tăng từ 50,8% lên 53%). Một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực, nhiều lợi thế phát triển nhanh, có thêm sản phẩm mới.

Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm 31% trong GDP của thành phố, góp phần quan trọng hàng đầu vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, thu hút lao động; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển dịch vụ, đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các sản phẩm mũi nhọn, quan trọng được tập trung đầu tư phát triển, làm nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá như: cơ khí, phôi thép, thép tấm, xi măng, nhiệt điện, phân bón DAP, sơ sợi tổng hợp… Đã từng bước hình thành trung tâm công nghiệp đóng tầu, sản xuất kim loại, vật liệu xây dựng lớn của vùng và cả nước. Một số ngành  kỹ thuật cao được hình thành như sản xuất máy móc thiết bị điện, điện tử; dụng cụ y tế, dụng cụ chính xác; thiết bị văn phòng và máy tính...Công tác quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp có chuyển biến căn bản, trở thành phương thức chủ yếu để tổ chức không gian phát triển công nghiệp một cách bền vững. 

Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo đảm an ninh lương thực. Tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 40-42% giá trị của toàn ngành nông nghiệp (năm 2005 chiếm gần 35%). Phát triển khá nhanh các mô hình trang trại và vùng sản xuất tập trung chuyên canh; đồng thời quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp (giá trị sản xuất nông nghiệp trên đất canh tác đạt bình quân 75 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm). Từng bước thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nuôi trồng thủy sản được đầu tư, nâng cấp, tu bổ. Đẩy mạnh nuôi thâm canh, bán thâm canh, phát triển nuôi trên biển, nuôi nước ngọt, khuyến khích khai thác đánh bắt hải sản xa bờ; phát triển nhanh đội tàu với kỹ thuật, thiết bị được đầu tư mới, đủ năng lực vươn khơi và mang lại hiệu quả.

Kinh tế dịch vụ phát triển đa dạng, đúng định hướng, chất lượng và hiệu quả được nâng lên, tạo sức tác động lan tỏa bước đầu đối với vùng, miền và vươn ra quốc tế, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; góp phần tích cực, trực tiếp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, từng bước trở thành một trong các trung tâm dịch vụ lớn của vùng Duyên hải Bắc bộ. GDP ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng GDP của thành phố. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ theo hướng hiện đại, nhất là hạ tầng cảng, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, du lịch. Thương mại phát triển khá toàn diện; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ tăng 23,7%/năm. Quan tâm đầu tư thêm nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu để Hải Phòng giữ vai trò trung tâm phát luồng hàng hoá của vùng và cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng bình quân 18,76%/năm, đạt kế hoạch. Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng nhanh; cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có chuyển biến tích cực; sản phẩm công nghiệp chế biến tăng khá. Du lịch phát triển trên nhiều lĩnh vực, thu hút khoảng 4,2 triệu lượt khách vào năm 2010 . Nhiều cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư mới, số lượng khách sạn, nhà hàng mới tăng nhanh, tôn tạo nhiều công trình văn hoá lịch sử. Chú trọng khai thác lợi thế về du lịch biển. Đảo Cát Bà và Đồ Sơn được tập trung đầu tư cùng với khu du lịch vịnh Hạ Long trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế của cả nước. Bưu chính, viễn thông phát triển mạnh, số doanh nghiệp tăng hơn 2 lần so với năm 2005; thuê bao điện thoại và internet tăng nhanh; mạng viễn thông đã phủ khắp thành phố, kể cả huyện đảo Bạch Long Vỹ.

Cơ sở hạ tầng và các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin phát triển khá nhanh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính và doanh nghiệp. Các dịch vụ mới như kinh doanh bất động sản, tư vấn, bảo hiểm, cho thuê tài chính, ngân hàng, chứng khoán... phát triển khá. Hoạt động dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, công ích, tư vấn… được đẩy mạnh, mở rộng theo hướng xã hội hoá và đạt được kết quả tích cực. Dịch vụ tư vấn đầu tư sản xuất- kinh doanh, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, pháp lý, xây dựng và quản lý đô thị phát triển đa dạng, theo hướng chuyên nghiệp, từng bước đồng bộ, chất lượng được nâng lên. Các dịch vụ khuyến nông, khuyến ngư có nhiều tiến bộ, hỗ trợ tốt cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học-công nghệ.

Huy động nguồn lực đạt kết quả tích cực, phát huy được lợi thế của thành phố cho đầu tư phát triển tăng nhanh. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá, tăng 30,1% so với mục tiêu Đại hội và gấp 2,5 lần giai đoạn 2001-2005; nguồn vốn chủ yếu từ nội lực (chiếm khoảng 85%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh. Ưu tiên khuyến khích dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao; kiên quyết loại bỏ dự án có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường.

Kinh tế biển, khai thác khá toàn diện lợi thế biển và cảng biển; các ngành kinh tế biển truyền thống tiếp tục được đầu tư, nâng cao năng lực, có tốc độ phát triển nhanh, cải thiện sức cạnh tranh; vai trò là một trong những trọng điểm kinh tế biển của cả nước được khẳng định rõ hơn. Quy hoạch phát triển kinh tế biển Hải Phòng đến năm 2020 được xây dựng, triển khai phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và của vùng. Xây dựng quy hoạch chung Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đến năm 2025 theo hướng là một trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực của vùng Duyên hải Bắc bộ và cả nước. Hệ thống cảng biển được đầu tư nâng cấp, đồng thời đầu tư xây dựng thêm một số cảng chuyên dùng khác như cảng PTSC Đình Vũ, cảng xăng dầu VIPCO, thực hiện tốt vai trò cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, tạo đà tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng. Hoạt động dịch vụ cảng biển phát triển khá mạnh. Sản lượng hàng hoá thông qua các cảng trên địa bàn tăng nhanh, đạt trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội đề ra. Dịch vụ kho bãi phát triển mạnh, đa dạng; năng lực vận tải (đường bộ, đường biển) được nâng lên; vận tải biển tiếp tục củng cố vai trò là một trung tâm của cả nước. Tỷ trọng cung cấp các dịch vụ hàng hải so với nhu cầu phục vụ (khối lượng hàng hóa và lượng tàu đến cảng) tương đối cao so với các địa phương khác trong cả nước.

Những giải pháp cơ bản để Hải Phòng tiếp tục phát triển xứng đáng vai trò cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phí Bắc.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV đã xác định mục tiêu phát triển của thành phố đến năm 2015, đó là: “Phát huy toàn diện, đồng bộ tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, tập trung cao mọi nguồn lực đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển đột phá, để đến năm 2015 Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại; có kinh tế phát triển nhanh, bền vững; đô thị phát triển xứng tầm là đô thị loại I-đô thị trung tâm cấp quốc gia; phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng-an ninh được tăng cường và củng cố vững chắc; năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị tiếp tục được nâng cao; đảm bảo tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội; tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Để thực hiện được vai trò đối với vùng và mục tiêu phát triển của thành phố, trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau:

Một là, những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá:

a) Đổi mới cách thức tăng trưởng theo hướng hài hòa giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu;  nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đảm bảo đến năm 2015 công nghiệp, dịch vụ chiếm 94% GDP. Tái cấu trúc tất cả các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trọng tâm là ưu tiên phát triển các ngành có thế mạnh và tạo ra giá trị gia tăng lớn, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng phục vụ nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng chiến lược xuất khẩu trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế, năng lực của các ngành sản xuất chủ lực, các hoạt động xúc tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu.

b) Tập trung xây dựng, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng cảng biển, giao thông: Đẩy nhanh quá trình thực hiện các công trình đầu mối trên địa bàn thành phố như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường cao tốc ven biển, cảng hàng không Cát Bi, các tuyến đường sắt nối với cảng biển, cảng bốc dỡ nội địa; Khẩn trương xây dựng và triển khai các dự án giao thông, hạ tầng quan trọng như: cầu Bính 2 qua sông Cấm, cầu Niệm 2... Đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình hạ tầng giao thông: cầu Rào 2, đường vành đai 3, tuyến đường trục 100m, đường Tân Vũ – Lạch Huyện và một số trục đường Bắc - Nam, dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng; cải tạo các nút giao giữa đường sắt và các tuyến đường trong đô thị Hải Phòng trên đoạn từ cầu quay đến ngã 6, nghiên cứu xây dựng một số cửa ô vào thành phố để giảm ùn tắc giao thông đô thị.

c) Ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao: Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2008/NQ-HĐND ngày 22/4/2008 của Hội đồng nhân dân thành phố về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố đến năm 2010, định hướng 2020, Đề án đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài giai đoạn 2008 - 2015, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có cơ chế, chính sách ưu tiên, tập trung phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, cán bộ khoa học và công nghệ đầu đàn có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt; đội ngũ doanh nhân và lao động có tay nghề cao cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng tâm của thành phố. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là ở các vùng đô thị hóa; triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội.

d) Tăng cường cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở; phòng chống tham nhũng lãng phí: Sắp xếp, tinh giảm bộ máy, thực hiện cải cách hành chính sâu rộng và đồng bộ, đảm bảo tính thông suốt, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả và tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của hệ thống các cơ quan hành chính, quản lý Nhà nước; trọng tâm là tạo sự chuyển biến thật sự có chiều sâu, hiệu quả vững chắc công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho các tổ chức, công dân, tích cực góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hai là, một số  nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

a) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững

Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, chế tác, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, thân thiện môi trường. Điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp một cách đồng bộ, cả về sản phẩm, thị trường và nguồn lực đầu tư theo hướng phát triển mạnh các ngành, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm xuất khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hoá, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, có giá trị gia tăng cao và khả năng đóng góp lớn vào GDP của thành phố. Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực. Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, gắn với vùng nguyên liệu và thị trường nông thôn. Đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy hoạch.

Phát triển nông nghiệp, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá phục vụ đô thị và xuất khẩu: Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; sản xuất hàng hoá với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Tập trung xây dựng các khu nông nghiệp sinh thái và công nghệ cao; đổi mới công nghệ sau thu hoạch. Phát triển các lĩnh vực nhiều lợi thế để Hải Phòng thực sự trở thành trung tâm sản xuất giống, thức ăn, khoa học công nghệ, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Bắc bộ. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng đồng bộ.

Tập trung phát triển mạnh kinh tế dịch vụ: Tập trung nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ chủ lực, có lợi thế và tầm ảnh hưởng cao trong nước như vận tải biển, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế... đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01/2009/NQ-HĐND về phát triển kinh tế biển thành phố đến 2015 định hướng đến 2020; Phát triển mạnh kinh tế biển, thực hiện vai trò là trọng điểm về phát triển kinh tế biển, đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế; tăng lượng lao động và dân cư hoạt động và sinh sống nhờ các hoạt động kinh tế biển.

Tập trung huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, đồng bộ, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Nâng cấp, hiện đại hóa khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Đồ Sơn, Cát Bà khai thác có hiệu quả tổ hợp du lịch sông Giá; hình thành sàn giao dịch hàng hoá xuất nhập khẩu, phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Từng bước chủ động về nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm thay thế nhập khẩu. Tăng cường công tác giám sát, quản lý trong lưu thông, phân phối, kiểm tra chất lượng hàng hoá. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, tư vấn, nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ và một số loại hình dịch vụ trong giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Đẩy mạnh công tác tài chính, ngân hàng: Thực hiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính hợp lý, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng vốn ngân sách đúng mục tiêu, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh các khoản thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh, chống thất thu, thất thoát, đặc biệt là thu từ khu vực ngoài quốc doanh; chú ý nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, đáp ứng được các nhu cầu chi thường xuyên, đột xuất của thành phố, đồng thời tăng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển.

Phát triển nhanh kinh tế đối ngoại gắn với tăng cường các hoạt động đối ngoại; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế đạt hiệu quả cao: Mở rộng, phát triển các hoạt động đối ngoại; chủ động, tích cực tham gia, thúc đẩy quá trình xây dựng các tuyến hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và với các địa phương trong cả nước, trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh; trước hết là với Thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.

Phát triển các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp: Tiếp tục cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển đồng bộ các loại thị trường. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách của thành phố trong cụ thể hóa thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao vai trò quản lý nhà nước các hoạt động kinh tế. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và thương mại, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm trên cơ sở phát huy nội lực. Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chú trọng thu hút các tập đoàn lớn.

Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá. Đạt trình độ công nghệ trung bình tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực chủ yếu. Tăng cường đầu tư từ ngân sách, đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các nguồn lực đầu tư. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Vận dụng và xây dựng các cơ chế , chính sách khuyến khích hoạt động, đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về khoa học và công nghệ.

Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên nhất là tài nguyên đất, tài nguyên biển. Giải quyết một bước cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, cảng, các khu dân cư đô thị, các khu xử lý chất thải tập trung. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động của thiên tai, chủ động thực hiện và đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

b) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và quản lý đô thị theo hướng đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại

Tập trung cao các nguồn lực, trong đó ưu tiên dành vốn ngân sách và huy động các nguồn lực khác để đẩy nhanh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội thành phố xứng đáng là đô thị loại I - đô thị trung tâm cấp quốc gia theo hướng đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại. Tạo bước chuyển biến trong công tác quy hoạch; thực hiện việc thuê tư vấn nước ngoài để lập và thẩm định quy hoạch một số dự án lớn, quan trọng. Nghiên cứu quy hoạch phát triển Hải Phòng trở thành thành phố sinh thái – thành phố kinh tế.

Phát triển đô thị nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, kết hợp với đào tạo, phát triển nghề cùng với chuyển đổi các khu vực làng xóm, dân cư nông nghiệp thành dân cư phi nông nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đầu tư xây dựng các lĩnh vực cấp điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế xã phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn theo đúng tinh thần Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

(PGS. TS Đan Đức Hiệp – PCT UBND TP Hải Phòng)

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố