Phối hợp chặt chẽ, có sự liên kết, liên thông tạo hiệu quả cao nhất trong quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn thành phố

Phối hợp chặt chẽ, có sự liên kết, liên thông tạo hiệu quả cao nhất trong quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn thành phố

Tính đến ngày 1-7-2019, gần 7 nghìn người nước ngoài (NNN) đang làm việc trên địa bàn thành phố, tăng gấp 2,1 lần so với thời điểm năm 2015. Bên cạnh lợi ích mà lao động nước ngoài mang lại, công tác quản lý NNN bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm tháo gỡ, nhất là công tác phối hợp chặt chẽ  giữa các sở, ban, ngành.

Tại các buổi giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật  trong công tác quản lý, sử dụng lao động là NNN  của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đầu tháng 8 vừa qua, đại diện 2 đơn vị đều cho rằng, một số quy định về quản lý lao động NNN trong văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, “vênh” nhau. Theo Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Văn Huy, Bộ luật Lao động quy định giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động có thời hạn không quá 2 năm, nhưng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của NNN quy định: Nhà đầu tư được cấp thẻ tạm trú thời hạn đến 5 năm. Quy định này dẫn đến mâu thuẫn trong giải quyết thủ tục hành chính, xảy ra việc NNN sử dụng chứng nhận tạm trú quá thời hạn mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Một số NNN khai không đúng sự thật để được cấp thị thực Việt Nam. Tính từ 1-1-2015 đến 1-7-2019, Công an thành phố phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 758 vụ NNN lao động, học tập trên địa bàn vi phạm pháp luật Việt Nam.

Hay như việc cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài vào Việt Nam. Theo đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cách xác định NNN trên lãnh thổ Việt Nam giữa Bộ Công an và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khác nhau. Bộ Công an cho rằng NNN khi đến Việt Nam làm việc chỉ cần có giấy bảo lãnh của đơn vị, doanh nghiệp sẽ được xác định là lao động nước ngoài. Trong khi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định xác nhận NNN làm việc ở Việt Nam được xem là hợp pháp khi có hợp đồng lao động giữa người lao động và đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động.

Ngoài ra có một số văn bản pháp luật chưa thống nhất, tạo điều kiện để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, đưa số lượng lao động NNN lớn vào nước ta làm việc nhưng không khai báo, dễ dẫn đến mất trật tự an ninh. Điển hình trường hợp hàng trăm NNN tập trung tại khu đô thị Our City (quận Dương Kinh) để tổ chức đánh bạc qua mạng internet, vi phạm pháp luật Việt Nam. Vụ việc trên có trách nhiệm của nhiều ngành, địa phương trong công tác phối hợp quản lý NNN trên địa bàn thành phố.

Từ thực tế công tác quản lý lao động NNN và hậu quả của sự chồng chéo, vướng mắc về văn bản, quy định pháp luật, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Theo đó, tập trung sửa đổi, bổ sung văn bản bảo đảm sự thống nhất và xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để cùng làm tốt công tác quản lý lao động NNN. Đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội, thành phố sớm tháo gỡ sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản các cấp. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách linh hoạt phù hợp, bảo đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước-doanh nghiệp- lao động nước ngoài.

Để công tác quản lý NNN có hiệu lực, hiệu quả cao, ngày 9-8, UBND thành phố có Quyết định số 28 ban hành quy chế phối hợp quản lý lao động là NNN làm việc trên trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Theo đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan trong việc quản lý lao động là NNN trên địa bàn thành phố; tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động nước ngoài về quy định của pháp luật liên quan đến lao động NNN; tổ chức thẩm định chặt chẽ nhu cầu sử dụng lao động NNN theo quy định của pháp luật đối với từng vị trí, công việc mà lao động người Việt Nam chưa đáp ứng được... Công an thành phố tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN; không cấp thị thực, thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú đối với lao động NNN làm việc trên địa bàn thành phố khi chưa được cấp giấy phép lao động, hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực, hoặc vô hiệu hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động... UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý lao động NNN trên nguyên tắc bảo đảm thống nhất, hiệu quả. Trong lúc chờ các bộ, ngành trung ương sửa đổi, bổ sung văn bản về quản lý lao động NNN bảo đảm sự thống nhất, với Quyết định số 28, hy vọng các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ, có sự liên kết, liên thông tạo hiệu quả cao nhất trong quản lý lao động NNN trên địa bàn thành phố.

Trong số 6.974 NNN làm việc tại Hải Phòng, lao động mang quốc tịch Trung Quốc nhiều nhất với 3.100 người; tiếp đó là Hàn Quốc với 1.346 người; Nhật Bản 735 người. Phân tích theo vị trí công việc thì hơn 50% là lao động kỹ thuật, tiếp đó là đội ngũ chuyên gia và giám đốc điều hành (mỗi vị trí đều hơn 1.000 người). Lực lượng lao động người nước ngoài chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp như: Đình Vũ, VSIP, Nô-mu-ra, Tràng Duệ.

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố