Quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật đối với lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật đối với lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Qua hoạt động giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài tại Hải Phòng, giai đoạn 1/1/2015 - 1/7/2019”, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã ghi nhận được một số kết quả rõ rệt trong công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng giám sát tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng về quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài
Kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH Hải Phòng cho thấy, về tình hình chung, công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố đã từng bước đi vào nền nếp; tỷ lệ người nước ngoài được cấp giấy phép lao động tăng hàng năm; trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động được cắt giảm bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế; công tác tuyên truyền và hướng dẫn các đơn vị có sử dụng lao động là người nước ngoài được tăng cường; nhận thức của người sử dụng lao động và lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố từng bước được nâng lên, cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam như việc cấp, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, nộp thuế thu nhập cá nhân…; công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên; các chế độ chính sách đối với lao động nước ngoài, như BHXH, BHYT, nhà ở, khám chữa bệnh từng bước được quan tâm.
Đối với công tác ban hành văn bản, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật quy định việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, không chỉ góp phần thu hút lao động là người nước ngoài vào làm việc mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp chủ động trong công tác quản lý, sử dụng lao động nước ngoài có chất lượng cao ngày càng hiệu quả, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng, như: Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20/01/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam; Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị định 140/2018/NÐ-CP ngày 8/10/2018 sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Thông tư số 35/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 của Bộ Công thương quy định việc xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới không thuộc diện cấp giấy phép lao động; Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH ngày15/8/2017 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử...
Ảnh minh họa
Với thành phố Hải Phòng, qua giám sát cho thấy, Thành phố luôn quan tâm tới công tác quản lý lao động là người nước ngoài, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, thành phố đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng lao động nước ngoài vào làm việc trên địa bàn thành phố, như: Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 02/4/2010 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Hải Phòng; Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 25/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về lệ phí cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Hải Phòng; Quyết định số 3107/2016/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Hải Phòng; Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 09/5/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc ủy quyền một số nội dung liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố; Công văn số 6529/UBND-NCVX ngày 11/10/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố…
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng làm việc với đoàn giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài
Về quản lý, cấp giấy phép lao động, những năm qua với sự phát triển về kinh tế - xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố tăng nhanh. Cùng với chính sách mở cửa thị trường lao động thông thoáng hơn đã tạo điều kiện cho việc di chuyển lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Hải Phòng tăng lên qua từng năm. Năm 2015, số lao động là người nước ngoài làm việc tại Hải Phòng là 3.322, đến ngày 01/7/2019 là 6.974 người (tăng gần 2,1 lần so với năm 2015). Chỉ tính riêng số lao động là người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế, sau hơn 4 năm đã tăng gấp 4,27 lần từ 710 lao động là người nước ngoài năm 2015 lên 3.035 lao động là người nước ngoài, tính đến ngày 01/7/2019.
Về vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng lao động là người nước trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã thực hiện một cách nghiêm túc một số nội dung công việc, như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cấp phép đối với lao động nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài theo luật định. Năm 2018 tỷ lệ cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử đạt 45%; năm 2019 dự kiến đạt trên 70%. Thực hiện ủy quyền cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố Hải Phòng; ủy quyền cho Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế một số nội dung liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, để đạt được một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực này, Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ động rà soát, ban hành các văn bản nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn; Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài tại các doanh nghiệp, dự án. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra hướng dẫn các doanh nghiệp, dự án, nhà thầu trong việc quản lý, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, nhằm quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật đối với lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố.