THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn
việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận
chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo
__________________________________
Để việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng và thống nhất đối với các
hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và
thuốc pháo, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối
cao hướng dẫn như sau:
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Giải thích từ ngữ
a) “Pháo nổ” (không phân biệt xuất xứ hoặc
nơi sản xuất) là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo và khi có yếu tố
ngoại lực tác động thì gây tiếng nổ;
b) “Thuốc pháo” (không phân biệt xuất xứ
hoặc nơi sản xuất) là chất có khả năng gây ra một phản ứng hóa học nhanh, mạnh,
tỏa nhiệt, sinh khí và tạo ra tiếng nổ;
c) “Trọng lượng pháo nổ” bao gồm: vỏ pháo,
thuốc pháo, dây cháy chậm, ống phóng pháo và các bộ phận khác gắn liền với
pháo thành phẩm;
d) “Sử dụng trái phép pháo nổ” được hướng
dẫn trong Thông tư này bao gồm: đốt, ném, đập, phóng, phụt hoặc dùng bất cứ
hình thức nào khác gây nổ pháo (sau đây gọi chung là “đốt pháo nổ”).
2. Nguyên tắc xử lý
a) Những hành vi phạm
tội liên quan đến sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép
pháo nổ và thuốc pháo hoặc chiếm đoạt pháo nổ và thuốc pháo phải được phát hiện
kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau
đây gọi tắt là BLHS);
b) Trong mọi trường hợp,
pháo nổ, thuốc pháo và nguyên liệu, dụng cụ dùng để sản xuất pháo nổ, thuốc
pháo phải bị tịch thu. Việc phát hiện, thu giữ vật chứng, xử lý vật chứng là
pháo nổ, thuốc pháo phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 75 và Điều 76
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;
c) Đối với các hành vi
sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo khác
(không phân biệt xuất xứ hoặc nơi sản xuất nhưng thuộc danh mục hàng hóa, dịch
vụ cấm kinh doanh theo quy định của Chính phủ) thì cũng được xử lý như đối với
các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ
được hướng dẫn trong Thông tư này.
II. VIỆC TRUY CỨU TRÁCH
NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI ĐỐT PHÁO NỔ
1. Người nào đốt pháo
nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự
về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 BLHS:
a) Đốt pháo nổ ở nơi
công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;
b) Đốt pháo nổ ném ra
đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ
trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;
c) Đốt pháo nổ gây thiệt
hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải
truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;
d) Đốt pháo nổ với số
lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương
đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;
e) Đốt pháo nổ với số
lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị
xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được
xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Người nào đốt pháo
nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự
theo khoản 2 Điều 245 BLHS:
a) Đã bị kết án về tội
“gây rối trật tự công cộng” theo mục 1 phần II Thông tư này;
b) Lôi kéo, kích động
trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;
c) Cản trở, hành hung
người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc
người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);
d) Đốt pháo nổ với số
lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ
0,5 kg thuốc pháo trở lên.
3. Người nào đốt pháo
nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác
thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng”
theo Điều 245 BLHS, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về
các tội danh khác quy định trong Bộ luật này, tương xứng với hậu quả nghiêm
trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây
ra. Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người
khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội
“gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 245 BLHS, vừa bị truy cứu trách
nhiệm hình sự về Tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người
khác” quy định tại Điều 104 BLHS.
III. VIỆC TRUY CỨU
TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI SẢN XUẤT, MUA BÁN, VẬN CHUYỂN, TÀNG
TRỮ PHÁO NỔ, THUỐC PHÁO
1. Về tội danh
a) Người nào sản xuất
hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái
phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội
“chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật
liệu nổ” quy định tại Điều 232 BLHS;
b) Người nào mua bán
trái phép qua biên giới pháo nổ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội
“buôn lậu” quy định tại Điều 153 BLHS;
c) Người nào vận chuyển
trái phép qua biên giới pháo nổ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội
“vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” quy định tại Điều 154 BLHS;
d) Người nào có hành
vi mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở
trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “buôn bán hàng cấm” quy
định tại Điều 155 BLHS.
2. Về số lượng vật phạm
pháp để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự
2.1. Người nào sản xuất
hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 2 kg đến dưới 30 kg; chế tạo, tàng trữ,
vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng
từ 1 kg đến dưới 15 kg hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc
gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều
232 BLHS; nếu vận chuyển, mua bán trái phép qua biên giới thì bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 232 BLHS.
2.2. Người nào sản xuất
hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái
phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng dưới đây thì bị truy cứu trách
nhiệm hình sự theo các khoản 2, 3 và 4 tương ứng của Điều 232 BLHS:
a) Pháo nổ có số lượng
từ 30 kg đến dưới 90 kg; thuốc pháo có số lượng từ 15 kg đến dưới 75 kg (khoản
2 Điều 232 BLHS);
b) Pháo nổ có số lượng
từ 90 kg đến dưới 300 kg; thuốc pháo có số lượng từ 75 kg đến dưới 200 kg
(khoản 3 Điều 232 BLHS);
c) Pháo nổ có số lượng
từ 300 kg trở lên; thuốc pháo có số lượng từ 200 kg trở lên (khoản 4 Điều 232
BLHS).
2.3. Người nào mua
bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 10 kg đến dưới 50
kg (được coi là số lượng lớn) hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành
chính, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo
khoản 1 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS.
2.4. Người nào mua
bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 50 kg đến dưới 150
kg (được coi là số lượng rất lớn) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo
khoản 2 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS.
2.5. Người nào mua
bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 150 kg trở lên (được
coi là số lượng đặc biệt lớn) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản
3 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS.
2.6. Một người cùng
lúc phạm nhiều tội quy định tại một trong các điều 153, 154, 155 và 232 BLHS
hoặc cùng một lúc phạm nhiều tội quy định tại nhiều điều luật khác nhau (ví dụ:
vừa phạm tội quy định tại Điều 232, vừa phạm tội quy định tại Điều 153 hoặc
phạm cả 4 tội quy định tại các Điều 153, 154, 155 và 232 BLHS), thì phải bị
xét xử với mức hình phạt cao của khung hình phạt quy định cho mỗi tội.
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu
lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; các hướng dẫn trước đây của Bộ
Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trái với
Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Các cơ quan Công
an, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp phải phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy
tố, xét xử để xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi phạm tội liên quan đến
sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc
pháo hoặc chiếm đoạt pháo nổ, thuốc pháo theo quy định của BLHS và quy định
hướng dẫn trong Thông tư này.
3. Đối với các trường
hợp đang điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất,
mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc pháo, hoặc
chiếm đoạt pháo nổ, thuốc pháo thì được thực hiện theo Thông tư này.
4. Đối với các trường
hợp bị kết án đúng theo các văn bản hướng dẫn trước đây về các hành vi phạm tội
liên quan đến sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo
nổ, thuốc pháo hoặc chiếm đoạt pháo nổ, thuốc pháo đã có hiệu lực pháp luật
thì không căn cứ vào hướng dẫn trong Thông tư này để kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm, tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác.
5. Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, đề nghị
báo cáo cho Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối
cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
|