Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024 trên địa bàn thành phố
(Haiphong.gov.vn) – Sáng 23/5, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường chủ trì Hội nghị triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024 trên địa bàn thành phố.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Vân, Phó Trưởng phòng Quản lý công chứng, chứng thực, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp là các Báo cáo viên Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hoàng Minh Cường phát biểu khai mạc Hội nghị.Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường nhấn mạnh: Luật Công chứng năm 2024 (số 46/2024/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Luật này thay thế Luật Công chứng năm 2014, với nhiều điểm mới quan trọng nhằm hiện đại hóa hoạt động công chứng, tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người dân. Luật Công chứng năm 2024 tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng. Luật cũng kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành; đồng thời tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho một giai đoạn phát triển mới của hoạt động công chứng, phù hợp với yêu cầu xã hội hóa, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm tính ổn định, bền vững của nghề công chứng. Qua đó, góp phần đưa nghề công chứng Việt Nam từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tập trung lĩnh hội đầy đủ các nội dung được báo cáo viên truyền đạt; tích cực thảo luận và trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn qua đó đề xuất các giải pháp khả thi, phù hợp để triển khai Luật Công chứng năm 2024 trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bùi Văn Vi cho biết: Ngay sau khi Luật Công chứng năm 2024 được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 25/3/2025 triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2024 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Thời gian tới, Sở Tư pháp tổ chức quán triệt việc thi hành, phổ biến và tập huấn các nội dung của Luật Công chứng năm 2024 tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc với các hình thức phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động công chứng do HĐND, UBND thành phố ban hành; xây dựng, ban hành Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố; xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu công chứng của thành phố bảo đảm khả năng đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu công chứng của Bộ Tư pháp; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Luật Công chứng năm 2024 định kỳ 05 năm, 10 năm hoặc theo Kế hoạch của Ubnd thành phố, Bộ Tư pháp…
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Trưởng phòng Quản lý công chứng, chứng thực (Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp), giới thiệu nội dung Luật Công chứng năm 2024.Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng năm 2024 (Luật số 46/2024/QH15) ngày 26/11/2024, gồm 8 chương và 76 điều, có hiệu lực từ 1/7/2025.
Luật bổ sung nhiều điểm mới đáng chú ý như: cho phép công chứng hợp đồng, giao dịch điện tử; cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ và tăng trách nhiệm của công chứng viên; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.
Luật cũng cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa Phòng và Văn phòng công chứng; quy định rõ về xử lý vi phạm; đơn giản hóa thủ tục hành chính; và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công chứng./.