Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trong Quý 1/2025 giảm sâu cả 3 tiêu chí
(Haiphong.gov.vn) – Chiều 16/5, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) Quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ Quý II năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng.Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong Quý I/2025 toàn quốc xảy ra 4.760 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.615 người, bị thương 3.186 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm gần 28% về số vụ, giảm 7,6% số người chết và giảm gần 39% số người bị thương. Có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ. Các lực lượng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chủ động giải quyết những vấn đề nóng, phức tạp theo 6 nhóm chuyên đề với kết quả xử lý vi phạm trên 800.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 1.700 tỷ đồng…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân phát biểu tại Hội nghị.Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết: ngay từ đầu năm 2025, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhờ đó, TNGT trên địa bàn đã giảm sâu cả 3 tiêu chí. Cụ thể, trong Quý I/2025, toàn thành phố xảy ra 78 vụ tai nạn giao thông, làm 48 người tử vong và 44 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, số vụ tai nạn giảm 113 vụ, số người chết giảm 21 người và số người bị thương giảm 102 người. Kết quả này đạt được nhờ thành phố tập trung triển khai quyết liệt 4 nhóm giải pháp trọng tâm: phân tích, đánh giá nguyên nhân tai nạn và chỉ đạo khắc phục triệt để các tồn tại; khẩn trương xử lý các “điểm đen”, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; tổ chức giao thông hợp lý, khoa học; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp chủ yếu, đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông, đặc biệt trong giới trẻ; Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; Rà soát, khắc phục các điểm mất an toàn giao thông trên đường bộ và đường sắt; Ứng dụng công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong tổ chức giao thông và xử lý vi phạm; Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tải trọng phương tiện, trật tự vỉa hè và hành lang an toàn giao thông.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu kết luận Hội nghị.Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP... nhằm lập lại trật tự, xây dựng thói quen và văn hóa tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần duy trì sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao đối với công tác bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt đối với người điều khiển xe máy và học sinh – nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng, Bộ Công an phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các bất cập trong hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, các “điểm đen” giao thông và những tồn tại khác trên hệ thống đường bộ, đường sắt. Các lực lượng chức năng cần bám sát địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm nâng cao tính răn đe; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải, giám sát hành trình và xử phạt nguội, góp phần xây dựng ý thức giao thông văn minh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành sớm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vận tải công cộng, qua đó giảm phương tiện cá nhân, bảo vệ môi trường – nhất là tại các đô thị lớn. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền pháp luật về TTATGT theo hướng đa dạng, thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng./.