Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo và một số dự án luật
(Haiphong.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày làm việc thứ 2 (6/5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo; thảo luận ở tổ về một số dự án luật.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng ngày 6/5.Sáng 6/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các nội dung: tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tham gia góp ý dự án Luật Nhà giáo, phần lớn đại biểu tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục. Lý giải điều này, các đại biểu cho rằng, ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo. Hiện, dự thảo luật đang giao thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng chủ trì thảo luận Tổ 4 chiều 6/5.Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Chủ trì thảo luận Tổ 4, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đề nghị các đại biểu tập trung tham gia ý kiến vào những nội dung còn nhiều ý kiến tranh luận và chưa có thống nhất cao trong quá trình xây dựng các dự án luật kể trên.
Đại biểu Lã Thanh Tân tham gia ý kiến tại thảo luận tổ. Tham gia ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) tán thành với sự cần thiết, quan điểm sửa đổi bổ sung một số điều, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Về một số nội dung cụ thể, như ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được quy định tại Khoản 7, Điều 1 của dự thảo luật, đại biểu cho rằng quy định còn chung chung, chưa có tính quy phạm cao, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý; làm rõ mức độ, phạm vi loại hàng hóa nào phải bắt buộc ứng dụng công nghệ, loại hàng hóa nào khuyến khích ứng dụng công nghệ và loại hàng hóa nào tự nguyện ứng dụng công nghệ; quy định cụ thể các nhóm sản phẩm hàng hóa nào áp dụng nhãn điện tử, truy suất nguồn gốc, hộ chiếu; quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý sản phẩm hàng hóa, phát triển sản phẩm số dùng chung, giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp... Về chấp nhận rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Lã Thanh Tân tán thành nội dung Điều 9 của dự thảo, tuy nhiên đề nghị xem xét, cân nhắc, mở rộng hơn về phạm vi chấp nhận rủi ro, thậm chí miễn trách nhiệm hình sự trong hoạt động này nếu không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí, từ đó tạo động lực để các tổ chức, cá nhân mạnh dạn nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi tham gia ý kiến tại thảo luận tổ.Góp ý vào dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa lại Điều 7 của dự thảo luật để bảo đảm sự chặt chẽ, cụ thể tập trung nói rõ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu bổ sung một số nội dung, như: Điều 4 của dự thảo cần tách rõ thành 2 khoản gồm nguyên tắc và chính sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu; đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc “các hoạt động khoa học sử dụng tiền của ngân sách bắt buộc phải dựa trên căn cứ có đơn đặt hàng và rõ địa chỉ”. Điều 5 hiện chỉ quy định “Ngày Khoa học công nghệ”, đại biểu đề nghị chỉ nên đưa vào trong một mục của điều nào đó trong dự thảo luật. Điều 19 liên quan đến Tạp chí khoa học công nghệ, đại biểu đề nghị nên bỏ nội dung này bởi sắp tới có quy định về báo chí chặt chẽ hơn.../.