Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tập trung rà soát hệ thống trường học, chuẩn bị tốt năm học mới
(Haiphong.gov.vn) – Chiều 17/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Minh Hùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố sau khi thực hiện hợp nhất; xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025; đồng thời xem xét các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của ngành. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố; Ban Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo và chuyên viên các phòng chức năng thuộc Sở GD&ĐT.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng - Lương Văn Việt phát biểu báo cáo tại cuộc họp.Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, quy mô giáo dục trên địa bàn thành phố tiếp tục được mở rộng theo hướng đa cấp học, đa lĩnh vực. Toàn thành phố hiện có 1.608 cơ sở giáo dục (gồm 1.430 công lập và 178 tư thục), 8 trường đại học, 77 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hơn 1 triệu học sinh và gần 120.000 sinh viên, học viên theo học tại các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp. Ngành hiện có trên 66.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên; riêng 8 trường đại học có 3.302 giảng viên; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 4.353 giảng viên, giáo viên.
Sau hợp nhất tổ chức bộ máy, cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT đã được kiện toàn, đảm bảo vận hành thông suốt, ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngành đã chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm do UBND thành phố giao theo từng khu vực địa lý.
Tại khu vực phía Đông thành phố, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị toàn ngành tại 726 điểm cầu với hơn 34.000 người tham dự, thực hiện quán triệt Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, ngành đang nghiên cứu mô hình “Trường học xã hội chủ nghĩa” tích hợp vào Đề án phát triển con người xã hội chủ nghĩa tại Hải Phòng.
Tại khu vực phía Tây, Sở đã xây dựng Đề án sắp xếp, quản lý các trường THCS trọng điểm, chất lượng cao theo hướng UBND cấp xã quản lý hành chính, còn Sở quản lý toàn diện về chuyên môn, nhân sự, tài chính nhằm ổn định mô hình trường trọng điểm và tạo nền tảng phát triển giáo dục mũi nhọn ở cấp THPT. Đồng thời, ngành đang khẩn trương xây dựng Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học giai đoạn 2026–2030, ưu tiên các hạng mục cấp thiết, dự kiến trình UBND thành phố vào tháng 11/2025.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Minh Hùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố sau khi thực hiện hợp nhất.Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc do tác động của việc hợp nhất địa giới hành chính, như: bất cập trong phân cấp quản lý giữa quy định của luật và các nghị định mới; khó khăn trong công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học cấp xã; thiếu giáo viên các môn học đặc thù; chậm xét thăng hạng nghề nghiệp cho giáo viên; nhiều cơ sở vật chất trường học xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT kiến nghị UBND thành phố và các cơ quan liên quan sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về phân cấp quản lý, xét thăng hạng giáo viên, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Đồng thời, đề xuất bố trí khoảng 3.872 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 để xây mới, nâng cấp 35 trường THPT (trong đó, phía Tây 1.229 tỷ đồng, phía Đông 2.643 tỷ đồng); trang bị thiết bị dạy học cho hơn 280 trường Tiểu học, THPT khu vực phía Tây; tổ chức lại hệ thống Trung tâm Giáo dục thường xuyên và tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển các trường THCS trọng điểm, chất lượng cao theo định hướng mở rộng địa giới hành chính, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và phát triển giáo dục mũi nhọn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Minh Hùng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Minh Hùng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT trong triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, đặc biệt là sự chủ động, quyết liệt sau sáp nhập địa giới hành chính. Tuy nhiên, ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn về mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất.
Phó Chủ tịch đề nghị Sở GD&ĐT tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống trường học theo mô hình quản lý mới của chính quyền hai cấp, làm rõ diện tích, số lượng học sinh theo từng bậc học để xác định nhu cầu đầu tư trong giai đoạn tới. Đồng thời, cần tích cực tham gia góp ý hoàn thiện các đề án trọng tâm theo định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa và cập nhật hệ thống văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương.
Liên quan đến mô hình trường THCS chất lượng cao, Phó Chủ tịch yêu cầu ngành đánh giá kỹ quá trình triển khai, bảo đảm điều kiện phát triển trường chuyên cấp THPT. Cần phát huy chất lượng đội ngũ, hoàn thiện đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về hệ thống giáo dục thường xuyên, Phó Chủ tịch yêu cầu xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chú trọng phân luồng học sinh sau THCS. Thành phố cũng đang phối hợp với Sở Nội vụ để tháo gỡ vướng mắc trong công tác tổ chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục.
Phó Chủ tịch giao Sở GD&ĐT phối hợp Sở Tài chính đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn 2026–2030, khẩn trương xây dựng đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho trường học. Trước mắt, ngành cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho năm học mới, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến kế hoạch giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh./.