Nâng cao năng lực phòng thủ dân sự, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
(Haiphong.gov.vn) – Chiều 24/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức Phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất nhằm đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì phiên họp.
Quang cảnh điểm cầu tại Hải Phòng.Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước. Tham dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương.
Tại điểm cầu Hải Phòng, tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Thiếu tướng Lê Văn Long, Phó Tư lệnh Quân khu 3; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Minh Hùng và Thiếu tướng Lê Văn Long tham gia điểm cầu tại Hải PhòngTại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại ba Ban Chỉ đạo gồm: Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thành một đầu mối thống nhất là Ban Chỉ đạo Ohòng thủ dân sự quốc gia.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 tại Hạ Long và trong cơn bão số 3 vừa qua. Thủ tướng cũng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc trước những mất mát về người và tài sản mà nhân dân các xã miền núi tỉnh Nghệ An đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự phiên họp tập trung đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua; làm rõ những điểm mạnh, hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho những tháng cuối năm và giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phân công nhiệm vụ phải đảm bảo “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả, áp dụng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong năm 2024 và đầu năm 2025, công tác phòng thủ dân sự đã đạt nhiều kết quả tích cực; chuyển từ thế bị động sang chủ động, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự tiếp tục được hoàn thiện, lực lượng chuyên trách được kiện toàn, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp
Các đại biểu dự hội nghịTại Hải Phòng, ngày 19/7/2025, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2917/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố với 28 thành viên. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, đặc khu khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động. Đến nay, 100% các xã, phường, đặc khu trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp cơ sở.
Nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thành phố đã bố trí nguồn lực đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng để bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết, bao gồm: Trung tâm Chỉ huy phòng, chống thiên tai; 3 xe ô tô chuyên dụng; 8 trạm đo mưa/gió tự động; 12 trạm đo mực nước; 3 hệ thống camera quan sát tại các khu vực trọng điểm; cùng các thiết bị quan trắc, đo độ sâu, flycam và nhiều trang thiết bị chuyên dụng khác.
UBND thành phố cũng đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương; đẩy mạnh thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; lồng ghép nội dung an toàn thiên tai vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác quản lý đê điều, dự báo - cảnh báo thiên tai; từng bước nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo tinh thần Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ…./.