I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:
Có 133.136.691 ca mắc, 2.889.245 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.
Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:
- Mỹ: 31.560.438 người mắc; 570.260 người tử vong.
- Brazil: 13.106.058 người mắc; 337.364 người tử vong.
- Ấn Độ: 12.801.785 người mắc; 166.208 người tử vong.
1. Brazil lần đầu có trên 4.000 ca tử vong vào hôm 6/4, các nhà khoa học dự báo số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này sẽ sớm vượt con số trong làn sóng dịch bệnh kỷ lục hồi tháng 1 tại Mỹ. Bộ Y tế Brazil cho biết tổng số người tử vong do COVID-19 đã lên đến gần 337.000 ca, chỉ thấp hơn con số 550.000 người tử vong ở Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của Brazil đang quá tải, các chuyên gia cảnh báo số ca tử vong tại quốc gia này có thể vượt tổng số ca tử vong của Mỹ, mặc dù Brazil có dân số bằng 2/3 dân số Mỹ.
2. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, chỉ trong ngày 7/4, quốc gia này ghi nhận 115.736 nghìn ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 12,8 triệu ca. Hiện Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil.
Từ ngày 6/4, thủ đô New Delhi đã áp lệnh giới nghiêm toàn thủ đô từ 22h – 5h đến ngày 30/4, chỉ cho phép những dịch vụ thiết yếu được hoạt động và người dân đến và đi từ các cơ sở tiêm chủng.
3. Ngày 7/4, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã phê chuẩn việc lưu hành vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do hãng Johnson & Johnson sản xuất.
4. Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, việc thử nghiệm, sản xuất, vận chuyển và bắt đầu triển khai tiêm những loại vắc-xin COVID-19 một cách an toàn trong một thời gian kỷ lục. Điều này thật sự đáng kinh ngạc. Nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Các biến thể đã xuất hiện trên toàn thế giới, và với mỗi biến thể lại nảy sinh nguy cơ đẩy lùi sự tiến bộ trên toàn cầu.
Với tốc độ hiện tại thì nguồn cung vắc xin không đủ để đáp ứng nhu cầu. Và nguồn cung thì lại tập trung trong tay một số ít quốc gia. Một số quốc gia đã có đủ vắc-xin để tiêm cho toàn bộ dân số của mình nhiều lần, trong khi đó, một số quốc gia khác vẫn chưa nhận được những liều vắc-xin đầu tiên. Điều này đe dọa tất cả chúng ta: Virus và các biến thể sẽ giành chiến thắng. Do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, đơn giản hóa thủ tục trong việc mua, sản xuất và phân phối vắc-xin COVID-19
II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam:
- Bản tin 18h ngày 7/4, Việt Nam ghi nhận 11 ca mắc mới COVID-19 tại 5 tỉnh thành phố.
- Việt Nam đã có 2.659 ca mắc COVID-19; đang điều trị 218 ca, điều trị khỏi 2.429 ca, tử vong 35 ca.
- Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca.
1. Với mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vắc xin tại Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu vắc xin bán thành phẩm về đóng ống, sản xuất tại Việt Nam. Huy động các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn xã hội hóa để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vắc xin để có đủ vắc xin đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho nhân dân.
Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đề xuất mục tiêu có vắc xin để phòng COVID-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2021; bảo đảm có đủ vắc xin từ năm 2022 trở đi.
2. Ngày 7/4, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã công bố quyết định giải thể Cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (Bệnh viện dã chiến số 3) thu dung, điều trị, cách ly người mắc COVID-19. Bệnh viện dã chiến số 3 được cải tạo từ khu nhà xưởng thực hành của Trung tâm Dạy nghề thuộc Trường Đại học Sao Đỏ cơ sở 2, thành phố Chí Linh. Bệnh viện dã chiến số 3 do Tập đoàn Sun Group và Công ty Cổ phần Huy Hoàng Eco làm các nhà tài trợ chính. Được khởi công ngày 31/1/2021, hoạt động từ ngày 26/2, Bệnh viện dã chiến số 3 tính đến ngày 6/4 đã tiếp nhận, điều trị cho 193 bệnh nhân COVID-19, đến nay chỉ còn 21 bệnh nhân đang được điều trị. Những bệnh nhân này sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương để tiếp tục điều trị.
III. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:
- Tổng số ca mắc: 06 ca; số khỏi bệnh: 01 ca
- Tổng số ca đang theo dõi, điều trị: 5 ca;
+ BN 2385; 2392 đang theo dõi cách ly tại nhà, tình trạng sức khỏe ổn định;
+ BN 2391; tình trạng sức khỏe ổn định, đang theo dõi tại BV Việt Tiệp 2;
+ BN 2582, BN 2586 BV đang theo dõi, điều trị tại BV nhiệt đới TƯ 2;
- Số ca nhiễm mới đến 18h ngày 7/4/2021: 0 ca
* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:
1. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với người bệnh (F1, F2), các ca bệnh nghi ngờ, người về từ vùng dịch, hoặc có đi qua địa điểm theo các Thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế.
2. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh, truyền thông tại cộng đồng về cài đặt Bluezone, Khai báo y tế bằng QR Code, sử dụng Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 qua covidmaps.haiphong.gov.vn.
Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)