I. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 thế giới:
Có 22.334.752 người mắc, 784.876 người tử vong, trên 215 quốc gia, lãnh thổ.
- Hoa Kỳ: 5.656.204 người mắc; 175.092 người tử vong.
- Brazil: 3.411.872 người mắc; 110.019 người tử vong.
- Ấn Độ: 2.771.958 người mắc; 53.046 người tử vong.
- Nga: 937.321 người mắc; 15.989 người tử vong.
- Nam Phi: 592.144 người mắc; 12.264 người tử vong.
1. Theo thống kê, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi cứ 100.000 người dân thì lại có 86 người không qua khỏi do Covid-19; tiếp đó là Peru (với 80 người), Tây Ban Nha (61 người), Anh (61 người) và Italy (59 người).
Tại Mỹ, diễn biến dịch COVID-19 thời gian qua là số ca mắc bệnh tăng vọt ở các nhà dưỡng lão. Số ca bệnh tại các cơ sở này tăng gần 80% đầu mùa hè khi virus lan nhanh khắp miền nam và phần lớn miền tây. Các cơ sở dưỡng lão chiếm chưa tới 1% dân số Mỹ nhưng chiếm tới 40% ca tử vong vì COVID-19.
Tại Brazil, tình hình lây nhiễm đáng lo ngại ở các nhà máy thịt. Cứ 5 công nhân làm trong nhà máy thịt ở Brazil thì có một người nhiễm virus SARS-CoV-2. Môi trường làm việc đông đúc trong các nhà máy chế biến lạnh là điều kiện lý tưởng để virus lây lan. Nhân viên ngành thịt có vai trò quan trọng trong bối cảnh các công ty tìm cách đáp ứng nhu cầu thịt của người tiêu dùng, nhưng môi trường làm việc lại thuận lợi cho lây truyền bệnh.
2. TS. Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, châu Á-Thái Bình Dương đã bước vào giai đoạn mới của đại dịch. Sau 7 tháng rưỡi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới, số ca mắc toàn cầu hiện đã vượt 22,3 triệu; hơn 784 nghìn người tử vong. Ở khu vực Tây Thái Bình Dương (WPRO), số ca mắc thấp hơn nhiều so với những nơi khác trên thế giới với 409.589 ca, tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 2,3% (9.293 ca tử vong), thấp hơn tỷ lệ tử vong của thế giới (3,6%). Ảnh hưởng của đại dịch lên khu vực thấp hơn thế giới do khu vực Tây Thái Bình Dương đã tiến hành các biện pháp bảo vệ phòng ngừa từ sớm.
Dịch COVID-19 hiện đang thay đổi, thêm nhiều người mắc ở độ tuổi 20, 30, 40 tuổi. Các quốc gia cần tiến hành các biện pháp phát hiện sớm ổ dịch, truy vết để giảm thiểu nguy cơ của dịch COVID-19 lên nền kinh tế.
3. Tại Trung Quốc, cơ quan chức năng đã cấp bằng độc quyền sáng chế đầu tiên cho vaccine ngừa COVID-19 có tên Ad5-nCoV, được công ty dược phẩm CanSino phối hợp với một nhóm chuyên gia bệnh truyền nhiễm của quân đội Trung Quốc nghiên cứu, phát triển. Vaccine Ad5-nCoV đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại Trung Quốc và chuẩn bị bước vào giai đoạn 3. Giai đoạn cuối cùng này sẽ được thử nghiệm ở nhiều trung tâm nghiên cứu y học tại một số nước. Việc cấp bằng sáng chế này giúp khẳng định thêm một bước về tính hiệu quả và độ an toàn của vaccine.
4. Các chuyên gia y tế của Malaysia đã tìm thấy D614G, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, trong cụm dịch gồm 45 bệnh nhân Covid-19 mới. Cụm dịch này có nguồn gốc từ một người đàn ông trở về từ Ấn Độ. Sau khi nhập cảnh vào Malaysia, người này có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Sau đó, người đàn ông đã vi phạm quy định cách ly và lan truyền mầm bệnh trong cộng đồng.
Theo nhận định, Chủng virus mới được phát hiện có khả năng lây nhiễm sang các cá thể khác cao gấp 10 lần loại virus gây ra đợt bùng phát dịch đầu tiên, đồng thời dễ bị phát tán hơn bởi các nguồn siêu lây nhiễm.
II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam:
Bệnh đã xuất hiện bệnh tại 40 tỉnh thành: tổng số 989 ca (bản tin 18h 19/8/2020 ghi nhận 4 ca mắc mới trong 12h qua (Đà Nẵng 2 ca, Quảng Nam 1 ca, Hải Dương 1 ca).
(từ 25/7/2020 đến nay có 513 ca bệnh phát hiện liên quan đến Đà Nẵng, lây lan ra 15 tỉnh thành phố)
340 ca nhiễm khi nhập cảnh được cách ly; 653 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
535 người khỏi bệnh; 433 người đang điều trị; Tử vong 25 người;
1. Bộ Y tế vừa có công văn số 4393/BYT- KCB gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện thuộc trường đại học về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Tổ chức rà soát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch đã ban hành. Thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện giữa các khoa, phòng và các nhóm nhân viên y tế. Bảo đảm mọi người khi vào bệnh viện, khi vào các tòa nhà và các khoa phải mang khẩu trang và vệ sinh tay.
Mọi khoa lâm sàng phải có buồng cách ly để cách ly tạm thời người bệnh nghi nhiễm trong quá trình điều trị cho tới khi có kết quả xét nghiệm loại trừ. Tăng cường các biện pháp thông khí, vệ sinh bề mặt (đặc biệt là các bề mặt thường xuyên có tiếp xúc bàn tay), quản lý chất thải đúng quy định tại các khoa phòng đặc biệt khu khám sàng lọc, khu cách ly, khu vệ sinh, khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm. Bảo đảm giãn cách giường bệnh theo quy định.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải bố trí đủ nhân lực chăm sóc toàn diện người bệnh tại các khoa khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm, khoa bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp I tại các khoa lâm sàng khác. Tuyệt đối không để người nhà, người chăm sóc dịch vụ chăm sóc đối tượng người bệnh này trong giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay
Các cơ sở khám chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh. Yêu cầu và hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc, người cung cấp dịch vụ phải đeo khẩu trang, vệ sinh tay, thực hiện giãn cách ngay khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong suốt thời gian lưu lại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Ngày 19-8, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hãng hàng không Vietjet đã phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc đưa hơn 230 công dân Việt Nam về nước an toàn. Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, lao động hết hạn hợp đồng, không có nơi cư trú, sinh viên không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
III. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Phòng:
- Số trường hợp mắc: 0
- Nghi ngờ mắc: 548 ca. Đã loại trừ 547 ca âm tính (Ngày 18/8, 01mẫu ca nghi ngờ chưa có kết quả)
+ 8.656 mẫu sàng lọc cho các trường hợp cách ly: 8.580 mẫu âm tính, 04 mẫu dương tính lại, 01 mẫu nghi ngờ sau khi đã được điều trị khỏi ra viện (BN 300, BN 303); 03 mẫu dương tính là các trường hợp ca bệnh số 864, 865, 866 đã chuyển lên BV Nhiệt đới TW cách ly điều trị. (68 mẫu chờ kết quả trong ngày 18/8 đã có kết quả âm tính, Ngày 19/8, 88/156 mẫu sàng lọc âm tính, còn 68 mẫu sàng lọc đang chờ kết quả).
- Số cách ly tại cơ sở tập trung: 421 người; Bao gồm
+ BV Việt Tiệp 2: 92 người;
+ BV Trẻ em: 5 người;
+ Trường quân sự Thủy Nguyên 162 người;
+ Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng 162 người,
- Tại khách sạn, lưu trú dịch vụ (khách sạn, khu nghỉ dưỡng theo yêu cầu): 172 người. Bao gồm
+ Khách sạn thuộc khu nghỉ dưỡng Sông Giá: 59 người.
+ Khách sạn Cảnh Hưng (Số 32 khu đô thị Quán Toan, quận Hồng Bàng) 112 người.
+ Khu cách ly cho chuyên gia nước ngoài tại Cơ sở 2 BV Việt Tiệp 01 người.
- Đang cách ly tại nhà: 771 người.
* Các hoạt động phòng chống dịch:
1. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố vừa ban hành văn bản số 5220/UBND-VX ngày 18/8/2020 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới:
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Ủy ban nhân dân các quận huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là phòng chống dịch với quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào thành phố cho đến khi Hải Dương công bố hết dịch. Thành lập lại các tổ công tác tại thôn, tổ dân phố để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh; báo cáo ngay chính quyền địa phương nếu phát hiện ra người đến từ vùng dịch, người nhập cảnh trái phép tại nơi cư trú. Thực hiện giao ban hàng ngày về công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố theo quy định.
Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố nếu để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn hoặc để người đến/về từ vùng dịch tại địa phương không khai báo y tế và không thực hiện cách ly theo đúng quy định.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố yêu cầu; từ ngày 19/8/2020, người dân không ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi tiếp xúc; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học và bệnh viện.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán bia, quán ăn, quán giải khát phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh: đảm bảo chỗ ngồi cách nhau tối thiểu 01m, nhân viên phải đeo khẩu trang, có biển hướng dẫn phòng chống dịch, bố trí dung dịch sát khuẩn và đo thân nhiệt cho khách hàng.
Người dân, công nhân, người lao động đến từ vùng có dịch của tỉnh Hải Dương không được vào thành phố Hải Phòng, nếu vào phải đi cách ly y tế tập trung theo quy định. Những người đang làm việc tại Hải Phòng đề nghị ở lại...
2. Lãnh đạo Thành phố, Sở ngành, Quân huyện thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tại các Chốt kiểm soát dịch, khu công nghiệp, một số doanh nghiệp, cơ quan đơn vị… trên địa bàn thành phố. Chia sẻ động viên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh vì dịch bệnh.
3. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế người về từ Đà Nẵng, từ thành phố Hải Dương, các ca F1, F2 tiếp xúc với người bệnh Covid 19, các trường hợp từ các vùng dịch, vùng có bệnh nhân về.
4. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh... phun hóa chất tại các Chợ, Bến Xe, trên tuyến đường chính của thành phố, việc kiểm tra xử phạt vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng./.