Hướng tới mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030
(Haiphong.gov.vn) – Sáng 28/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021; góp ý Dự thảo Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030; và Mít tinh nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại.
Dự, chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có 59.000 người tử vong vì bệnh dại ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm virus dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong ở châu Á và châu Phi.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Phòng.
Triển khai chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021, các cơ quan Trung ương, địa phương đã tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung, giải pháp của chương trình. Nhờ đó, mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể của chương trình cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, đạt được các kết quả nổi bật như: không xuất hiện ổ dịch bệnh Dại nghiêm trọng ở động vật; năng lực giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh Dại được tăng cường rõ rệt; tỷ lệ đàn chó được tiêm vắc xin phòng Dại tăng; đã có 14 vùng an toàn bệnh Dại…
Giai đoạn 2017 - 8/2021, cả nước có 35 tỉnh, thành phố tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm 2.068 mẫu bệnh Dại; trong đó có 227 (chiếm 10,98%) mẫu dương tính với vi rút Dại.
Về tình hình bệnh Dại ở người, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại tại 52/63 tỉnh, thành phố. Số người bị chó, mèo cắn trên 500.000 người mỗi năm, buộc phải điều trị dự phòng, gây tổn thất lớn về sức khỏe, tính mạng và kinh tế khoảng hơn 3.800 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016.
Theo thống kê của ngành chức năng, tại Hải Phòng, tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn thành phố giảm qua các năm. Từ năm 1999 - 2021, đã qua 22 năm trên địa bàn thành phố không phát hiện chó, mèo mắc bệnh dại. Tuy nhiên có 1 người tử vong có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh Dại (vào tháng 5-2017 tại thôn 13, xã Thủy Sơn (Thủy Nguyên)...
Hội nghị đã được nghe đại diện của FAO/WHO/CDC tại Việt Nam trình bày chiến lược phòng chống bệnh Dại trên thế giới, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, thông qua Dự thảo Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 để làm cơ sở tổ chức thực hiện trong thời gian tới cho phù hợp với chiến lược kiểm soát bệnh Dại đến năm 2030 của thế giới và các nước Đông Nam Á.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại 2021, tại Hội nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức, thực hành phòng, chống bệnh dại để cứu sống con người; tăng cường phối hợp liên ngành trong giám sát, báo cáo dịch bệnh, hợp tác có hiệu quả để chung tay đẩy lùi bệnh dại, tiến tới mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Trâm Bầu