Tuyên truyền phòng chống tội phạm và TNXH trong công nhân: Cần nhiều hơn nữa!
Tuyên truyền phòng chống tội phạm và TNXH trong công nhân: Cần nhiều hơn nữa!
Theo các cơ quan chức năng, thanh niên từ nông thôn ra thành phố làm lao động tự do, lao động ở các khu công nghiệp đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức và góp phần ngăn ngừa, phòng chống tội phạm, TNXH trong công nhân lao động là điều hết sức quan trọng...
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/PortalFolders/ImageUploads/UBNDTP/2506/DVH 2016/tháng 12/1-10/hieu_3422.jpg)
Buổi tuyên truyền phòng chống ma túy, tội phạm cho công nhân của LĐLĐ TP tại Cty giày Aurora (Thủy Nguyên)
Khi “thủ phạm” là... công nhân
Từng là một công nhân cần mẫn trong công việc, có thu nhập ổn định nhưng Lê Anh Tuấn, sinh 1985, ở phường Phù Liễn, Kiến An lại vướng vòng lao lý. Trong quá trình làm việc tại xưởng may của Cty TNHH Sao Vàng (ở khu Văn Tràng 1, thị trấn Trường Sơn, An Lão), Tuấn đã móc nối với một số đối tượng cùng là công nhân, lái xe của công ty trộm cắp các mũ giày tại xưởng may đem bán lấy tiền ăn tiêu. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Tuấn đã không thể “qua mắt” được cơ quan công an. Phải ra đứng trước vành móng ngựa với bản án 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội “trộm cắp tài sản”, Tuấn rất hối hận.
Còn nhớ năm 2015, CAQ Dương Kinh đã triệt phá một đường dây môi giới mại dâm, trong đó đối tượng bán dâm là những nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Kẻ cầm đầu đường dây này là Lê Thị Uyn, sinh 1965, ở phường Hưng Đạo, Dương Kinh. Ban đầu, Uyn mở quán bán nước và đồ ăn nhưng món lời từ việc kinh doanh hàng “tươi mát” khiến thị bất chấp vi phạm pháp luật. Trong thời gian bán hàng nước và đồ ăn sáng, Uyn có điều kiện tiếp xúc với khách hàng và nắm được nhu cầu mua dâm.
Đồng thời, thị cũng biết hầu hết nữ công nhân làm việc tại đây có mức lương thấp, nhiều người có hoàn cảnh nên đã chèo kéo họ “làm thêm” để tăng “thu nhập”. Đang lúc khó khăn, một số người đành “nhắm mắt đưa chân” nghe theo lời của Uyn, trong đó có 2 nữ công nhân là Vũ Thị T và Nguyễn Kim L. Mỗi khi có khách đặt vấn đề mua dâm, Uyn sẽ nhận tiền trước với giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/người/lượt, trong đó thị hưởng từ 50.000 đến 100.000đồng, còn lại trả cho người bán dâm. Nếu vào thời gian công nhân đang phải lao động tại các doanh nghiệp thì Uyn hẹn với khách chờ đến giờ họ tan ca sẽ thực hiện “hợp đồng”.
Trên đây là một số ví dụ trong rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật mà “thủ phạm” là lao động ở các KCN trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của các ngành chức năng, tính đến hết năm 2015, thanh niên toàn thành phố có trên 535.000 người (chiếm khoảng 30% dân số). Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế kéo theo chuyển dịch lao động, cơ cấu xã hội, nghề nghiệp của thanh niên. Số thanh niên từ nông thôn ra thành phố làm lao động tự do, thanh niên lao động ở các khu công nghiệp đang có chiều hướng gia tăng.
Ý kiến nhiều chuyên gia phân tích, bên cạnh những mặt thuận lợi nhất định, một bộ phận thanh niên cũng dễ tiếp cận với những mặt trái của đời sống xã hội. Do đó công tác tuyên truyền phổ biến để nâng cao nhận thức pháp luật, ngăn ngừa, phòng chống tội phạm và các TNXH trong công nhân, lao động tự do là điều rất quan trọng.
Cần được quan tâm đúng mức
Buổi giao lưu tuyên truyền phòng chống ma túy mới đây tại Xí nghiệp giầy Hàng Kênh (thuộc Cty CP Hàng Kênh) thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia. Những tác hại, ảnh hưởng khôn lường của các loại ma túy tới sức khỏe con người; cuộc đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy được cán bộ của Phòng CSĐT TP về ma túy - CATP thông tin, truyền tải trực tiếp đến người lao động. Tuy nhiên trên thực tế, những buổi tuyên truyền hữu ích như thế chưa phải là nhiều và phổ biến ở các doanh nghiệp.
Đại diện LĐLĐ thành phố cho biết, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động tới công nhân, lao động đã đạt được một số kết quả. Ví dụ như trong khuôn khổ chương trình dự án Oxfarm, các cấp công đoàn thành phố tổ chức hàng chục lớp tập huấn về pháp luật lao động… cho gần 6.000 lượt cán bộ công đoàn và công nhân, lao động. Trung tâm Vì người lao động nghèo, Trung tâm tư vấn pháp luật (LĐLĐTP) đã tổ chức hàng chục buổi tập huấn, tuyên truyền, tư vấn pháp luật ở cơ sở với sự tham gia của hàng nghìn công nhân, lao động.
Song thẳng thắn nhìn nhận so với yêu cầu, công tác này chưa được nhiều nơi quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật còn mỏng. Ngoài ra, khó khăn đến chính từ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc phối hợp, bố trí thời gian để công nhân lao động tham gia các buổi tuyên truyền.
Được biết, để nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động, UBND thành phố đã ban hành quyết định về phê duyệt đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh niên lao động tự do và thanh niên lao động ở các khu công nghiệp và tư vấn pháp luật cho thanh niên nông thôn giai đoạn 2015-2020”.
Theo đó, hàng năm thực hiện tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho 70% thanh niên lao động tự do và thanh niên lao động ở các KCN và thanh niên nông thôn về các chính sách pháp luật liên quan đến đời sống, học tập và việc làm của thanh niên; bảo đảm 100% thanh niên trước khi đi lao động ở nước ngoài được phổ biến các quy định của pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm cha, làm mẹ, sức khỏe sinh sản vị thanh niên, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của pháp luật về phòng chống tội phạm và TNXH…
Đỗ Hiếu (ANHP)