Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người lao động: Đa dạng hóa hình thức, gắn với thực tế

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người lao động: Đa dạng hóa hình thức, gắn với thực tế

Sẵn sàng phá bỏ hợp đồng lao động, nghỉ việc không cần bảo hiểm xã hội, không chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động nơi làm việc… là một vài ví dụ cho thấy một bộ phận người lao động thiếu hiểu biết pháp luật lao động. Trước thực trạng đó, các cấp công đoàn tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm trang bị, nâng cao nhận thức cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.

Nhiều cấp tham gia

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Nguyễn Thái Ảnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp công đoàn triển khai khá bài bản, đa dạng. Cán bộ các ban Chính sách và Pháp luật, Nữ công, Tuyên giáo (LĐLĐ thành phố) chủ động phối hợp với các công đoàn cơ sở tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về pháp luật lao động cho công nhân, lao động. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ kinh phí của các dự án phi chính phủ (Oxfarm, Alpheda, Actionaid, ILO), các cấp công đoàn tuyên truyền chính sách pháp luật và hoạt động công đoàn đến hàng vạn lượt người lao động. Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố, các cấp công đoàn tổ chức 118 lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ công đoàn và pháp luật lao động cho 10.000 lao động; phát hành 10.000 sổ tay và 50.000 tờ gấp tuyên truyền về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, an toàn giao thông…

Từ đầu năm 2012 đến nay, Công đoàn ngành Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách đối với lao động nữ tại các doanh nghiệp đông lao động nữ như Công ty TNHH Đỉnh Vàng. LĐLĐ quận Hải An ngoài việc tổ chức tuyên truyền tại cơ sở còn phát tài liệu, tập gấp về pháp luật lao động.

Cuối tháng 8 vừa qua, Ban Chính sách và Pháp luật (LĐLĐ thành phố) phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền về pháp luật lao động cho khoảng 300 công nhân của Nhà máy giày Liên Dinh. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức pháp luật cụ thể, gần gũi, giảng viên còn giải đáp những thắc mắc của người lao động. Công nhân Lê Thị Giang làm việc tại nhà máy được 7 tháng cho biết: “Những kiến thức được cung cấp tại buổi tuyên truyền rất thiết thực, giúp công nhân hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình trong quan hệ lao động”.

Cần đa dạng hình thức tuyên truyền

Dù các cấp công đoàn nỗ lực trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động nhưng trình độ nhận thức của người lao động về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Kết quả làm việc của Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về tình hình thu nộp BHXH cuối tháng 8 vừa qua ghi nhận tình trạng người lao động chủ động viết đơn đề nghị doanh nghiệp không tham gia BHXH. Cá biệt, có trường hợp khi doanh nghiệp tham gia BHXH, người lao động do lương thấp, không muốn trích nộp nên quyết định thôi việc.

Tại Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ thành phố), nơi thường xuyên nhận được yêu cầu tư vấn về pháp luật cũng cho thấy, ngoài những vấn đề liên quan tới tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động, người lao động mong muốn biết rõ hơn về các khái niệm, nội dung luật như: quy định về hợp đồng lao động, thời gian thử việc, cách xác định tai nạn lao động, việc bồi dưỡng cho lao động trong điều kiện nguy hiểm, độc hại…

Theo ông Phạm Văn Oanh, nguyên Trưởng Ban Chính sách và Pháp luật (LĐLĐ thành phố), chuyên gia cao cấp về lao động (Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam) sở dĩ trình độ nhận thức pháp luật của người lao động còn hạn chế một phần do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Thực tế, nhiều giảng viên, báo cáo viên chưa qua thực tiễn nên việc tuyên truyền mang tính một chiều, chung chung, kém hấp dẫn. Điều kiện phục vụ công tác tuyên truyền còn thiếu như: thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí, tài liệu dẫn tới tình trạng học chay, nghe chay, không có kiểm tra, đánh giá kết quả. Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ thành phố Nguyễn Thái Ảnh cho rằng, hiện nay, lực lượng báo cáo viên về pháp luật lao động không nhiều cũng là một khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Thiết nghĩ, để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động phát huy hiệu quả hơn, các cấp công đoàn nên chủ động đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Đội ngũ cán bộ công đoàn đảm trách nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ động sâu sát thực tiễn, tìm tài liệu để giảng bài sinh động, hấp dẫn hơn. Có như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật mới thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho người lao động, qua đó xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, bình đẳng, ổn định vì sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp và thành phố. (Thành Lê, Báo Hải Phòng Online 15/9)

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố