Tăng cường phổ biến, giáo
dục kiến thức pháp luật lao động nâng cao hiểu biết cho công nhân là việc làm
quan trọng góp phần xây dựng mối quan hệ lao động bình đẳng, hài hòa, tiến bộ.
Thực tế cho thấy, để quá trình tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức
pháp luật thực sự hiệu quả, các báo cáo viên nên quan tâm tới tính chất ngắn gọn,
dễ hiểu, dễ nhớ của thông tin.
“Bao giờ mỏi thì nghỉ”
Đó là câu trả lời của một
công nhân khi nhận được câu hỏi “nữ công nhân lao động trong quá trình mang
thai được nghỉ khám thai bao nhiêu lần?” trong một buổi liên hoan văn nghệ lồng
ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới và chính sách
lao động nữ tại Công ty TNHH Đỉnh Vàng. Nhiều công nhân nữ (trẻ tuổi có, lớn tuổi
có) cũng khá mơ hồ trước câu hỏi này khi đưa ra con số 3 lần ứng với các giai
đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Khi báo cáo viên
đưa câu hỏi liên quan tới chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ theo Bộ Luật Lao
động (sửa đổi), gần 300 công nhân của Công ty Đỉnh Vàng tham gia chương trình
không đưa ra được đáp án đúng.
Thực tế trên cho thấy, sự
hiểu biết của người lao động về các vấn đề liên quan tới pháp luật lao động còn
khá mơ hồ, nhất là ở những doanh nghiệp sản xuất gia công mặt hàng da giày, dệt
may thu hút đông lao động giản đơn, trình độ nhận thức của công nhân về pháp luật
lao động thấp. Vì vậy, có những chế độ, quyền lợi sát sườn của người lao động
được pháp luật quy định rất rõ ràng như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất
nghiệp… nhưng họ cũng không mấy quan tâm. Như trường hợp chị V.T.B - công nhân
nhà máy giày Liên Dinh (Công ty TNHH Đỉnh Vàng) khi được hỏi về việc đóng bảo
hiểm xã hội tại doanh nghiệp đã không ngần ngại cho biết, vì không xác định sẽ
gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nên chị không để ý tới việc doanh nghiệp có đóng
bảo hiểm cho người lao động hay không.
Thời gian qua, công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động tới công nhân, lao động rất
được các cấp công đoàn thành phố quan tâm. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên
đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Huệ, trong khuôn khổ Chương trình dự án
Oxfarm Đoàn kết Bỉ, năm 2012, các cấp Công đoàn thành phố tổ chức 31 buổi tuyên
truyền, 17 lớp tập huấn về pháp luật lao động… cho gần 6.000 lượt cán bộ Công
đoàn và công nhân, lao động.
Trung tâm Vì người lao động
nghèo của Liên đoàn Lao động thành phố cũng tiến hành tuyên truyền tại 20 doanh
nghiệp với sự tham gia của hơn 5.000 công nhân về pháp luật lao động. Trung tâm
Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố) tập huấn, tuyên truyền, tư vấn
pháp luật 14 cuộc ở cơ sở với sự tham gia của gần 1.000 công nhân, lao động.
Cùng với đó, các Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, tổ chức
công đoàn cơ sở cũng thường xuyên tổ chức những buổi tuyên truyền, phổ biến
pháp luật lao động tới công nhân ở các đơn vị trực thuộc.
Tuy nhiên, việc tuyên
truyền, phổ biến pháp luật lao động chủ yếu được thực hiện bằng các hình thức:
Giới thiệu, phổ biến, nói chuyện, đưa tình huống và giải quyết tình huống… Hình
thức trình diễn các tiểu phẩm ngắn, hài hước cũng được sử dụng nhưng lượng kiến
thức pháp luật được lồng ghép chưa nhiều, dẫn tới hiệu quả tuyên truyền, phổ biến
các kiến thức pháp luật trong lĩnh vực lao động còn hạn chế. Bên cạnh đó, trình
độ nhận thức của người lao động ở nhiều doanh nghiệp thấp nên khó tiếp thu, ghi
nhớ những kiến thức pháp luật lao động được phổ biến.
Hiện nay, phần đông công
nhân lao động ở các doanh nghiệp ít có cơ hội tham gia các hoạt động sinh hoạt
văn hóa, giải trí nên rất hào hứng với các tiết mục văn nghệ, kịch, sân khấu…
Thiết nghĩ, các báo cáo
viên và các tổ chức Công đoàn cần quan tâm hơn tới thực tế này khi tuyên truyền
về pháp luật lao động. Nên chăng, lồng ghép việc tuyên truyền dưới hình thức
các ca khúc, tiểu phẩm hài hước, hấp dẫn, trong đó, thông điệp, kiến thức pháp
luật đưa vào chương trình tuyên truyền cần thực sự rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu,
dễ nhớ. Có như vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật lao động mới
thực sự phát huy hiệu quả, nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động góp
phần xây dựng môi trường làm việc và mối quan hệ hài hòa, bình đẳng, tiến bộ giữa
công nhân và chủ sử dụng lao động.
(Báo Hải Phòng)