Tuyên truyền pháp luật tới người lao động: Chú trọng những vấn đề cụ thể

Tuyên truyền pháp luật tới người lao động: Chú trọng những vấn đề cụ thể

Thời gian qua, các cấp công đoàn thành phố quan tâm đổi mới nội dung, hình thức hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tới cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Trong đó, chú trọng giải đáp những thắc mắc cụ thể của người lao động về việc thực thi pháp luật lao động tại đơn vị, doanh nghiệp.

Cán bộ tuyên truyền “toát mồ hôi”

Là người có “thâm niên cao” trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tới công nhân, Trưởng Ban Chính sách và pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố) Vũ Đức Cường chia sẻ: nếu như trước đây, đi tuyên truyền chủ yếu là cán bộ nói – người lao động nghe, thì nay cán bộ tuyên truyền có thể bị người lao động “vây” bằng hàng loạt các câu hỏi khác nhau.

Như trong buổi tuyên truyền pháp luật lao động cho công nhân khu nhà trọ tại thôn Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương diễn ra giữa tháng 11 vừa qua, ông Cường được các công nhân “chăm sóc” tận tình với hàng loạt câu hỏi: “Doanh nghiệp ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm nhiều lần liên tiếp với người lao động có sai luật?”,  “Người lao động đăng ký nghỉ phép vào thời gian này, doanh nghiệp không chấp nhận mà yêu cầu nghỉ phép vào khoảng thời gian khác, như thế có đúng hay không?”, “Người lao động không nghỉ phép năm thì có được cộng dồn ngày phép sang năm tiếp theo hay không”?... Đáng nhớ nhất là câu hỏi của một nam công nhân: “Theo quy định của pháp luật, tôi được nghỉ 12 ngày phép năm nhưng tôi không có nhu cầu nghỉ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn yêu cầu tôi nghỉ phép để không phải trả tiền. Doanh nghiệp làm như vậy đúng hay sai?”.

Dự buổi tuyên truyền pháp luật lao động cho công nhân nhà trọ do Công đoàn Khu Kinh tế tổ chức hồi giữa tháng 11 vừa qua, chị Nguyễn Thị Vy, nhân viên bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS), Công ty TNHH Toyoda Gosei Hải Phòng được cán bộ Ban Chính sách – Pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố) giải đáp thỏa đáng thắc mắc về áp dụng chính sách thai sản đối với lao động nữ tại công ty. Chị cũng được biết thêm, khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ khi được sắp xếp làm công việc nhẹ nhàng thì vẫn được hưởng mức lương như trước, không thay đổi. Theo chị Vy, nhiều lúc công nhân thắc mắc về các chính sách tại công ty nhưng không biết hỏi ai. Những buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp như thế này thực sự thiết thực với người lao động. 

Chú trọng giải đáp những tình huống cụ thể

Từ những buổi tuyên truyền cho thấy, công nhân, lao động, nhất là công nhân làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài thuộc các khu công nghiệp hiện nay quan tâm tìm hiểu và nắm  các luật khá chắc. Vì thế, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nếu chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các điều luật, quy định… sẽ không được người lao động quan tâm. Điều họ cần ở người cán bộ tuyên truyền, chính là cho họ những lời khuyên, tư vấn phù hợp trước những tình huống thực tế xảy ra tại doanh nghiệp. Việc giới thiệu luật và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động muốn hiệu quả thì cần phải đa dạng cách thức thông tin: sử dụng các hình thức sân khấu hóa, tiểu phẩm, trò chơi hỏi đáp pháp luật…

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nông Kim Nguyệt cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật lao động tới công nhân, lao động được triển khai bằng nhiều hình thức sinh động. Trong 6 năm (từ 2008 đến nay), các cấp công đoàn tổ chức 158 cuộc tuyên truyền pháp luật lao động cho hơn 60.000 lượt công nhân, viên chức, lao động. Các cuộc tuyên truyền không chỉ được tổ chức tại doanh nghiệp mà còn diễn ra tại các buổi sinh hoạt câu lạc bộ công nhân nhà trọ, tổ công nhân tự quản… với các hình thức sân khấu hóa, trò chơi, hỏi đáp pháp luật đồng thời tăng cường tư vấn trực tiếp các thắc mắc trong áp dụng pháp luật lao động tại doanh nghiệp, đơn vị.

Để có được những buổi tư vấn như vậy, đòi hỏi người cán bộ tuyên truyền phải có đủ năng lực, trình độ và kiến thức thực tiễn để giải đáp thắc mắc của người lao động. Tuy nhiên, theo bà Nông Kim Nguyệt, số cán bộ công đoàn đáp ứng được yêu cầu đó hiện không nhiều. Đó chính là khó khăn lớn nhất trong công tác tuyên truyền pháp luật lao động của các cấp công đoàn hiện nay. Để giải quyết được khó khăn, vướng mắc này, thời gian tới, các cấp công đoàn tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn. Trong đó, chú trọng công tác luân chuyển cán bộ, tăng cường đưa cán bộ công đoàn nhất là những cán bộ trẻ làm việc tại các đơn vị công đoàn cơ sở, gắn bó với người lao động. Có như vậy, cán bộ công đoàn mới trang bị được những kiến thức kinh nghiệm thực tiễn, tìm ra những biện pháp tiếp cận phù hợp giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người lao động.

(Thành Lê, Báo Hải Phòng)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố