Tuyên truyền pháp luật theo hình thức hỏi – đáp: Hướng mở trong tiếp nhận thông tin
Tuyên truyền pháp luật
theo hình thức hỏi – đáp: Hướng mở trong tiếp nhận thông tin
Tổ chức hội nghị là một trong những
cách tập trung đông người, nhưng nếu chỉ tuyên truyền pháp luật theo một chiều
từ báo cáo viên sẽ dễ nhàm chán. Tuyên truyền và giải đáp pháp luật ngay tại
chỗ là cách làm hiệu quả đang được Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) thực
hiện.
Thêm hiểu pháp luật, lại được...
nhận quà
Không khí của buổi tuyên truyền pháp
luật tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hải An) chiều một ngày tháng 11-2013 như
"nóng" lên từng giờ khi cả báo cáo viên và học sinh cùng hào hứng
tham gia. Với chủ đề "Tìm hiểu về tội phạm và bạo lực học đường",
chuyên viên Trần Minh Nghĩa của Trung tâm TGPL không chỉ tuyên truyền theo cách
truyền thống, mà đưa vào buổi tuyên truyền nhiều câu hỏi, nhiều tình huống pháp
luật để học sinh suy nghĩ, trả lời. Trong khoảng 2 giờ cho một chuyên đề với
khoảng 20 câu hỏi từ khái niệm, định nghĩa đến nêu tình huống, phân tích bản
chất sự việc cũng như áp dụng các quy định của pháp luật, có hơn 30 học sinh
tham gia trả lời câu hỏi. Báo cáo viên đưa ra những câu hỏi như bạo lực học
đường là gì? Nguyên nhân? Thực trạng bạo lực học đường ở nước ta và ở Hải
Phòng? Tác hại và hậu quả của bạo lực học đường đối với học sinh? Có học sinh
trả lời đúng, cũng có những học sinh trả lời đúng 1 phần, nhưng sự giao lưu,
trao đổi giữa báo cáo viên và người nghe gần gũi hơn, tạo lên không khí thân
thiện, cởi mở.
Chuyên viên pháp lý Trần Minh Nghĩa
cho biết: "Để soạn được 1 bài tuyên truyền pháp luật theo chủ đề nêu trên
khá mất thời gian. Ngoài các kiến thức chung về pháp luật còn cần các ví dụ cụ
thể thật gần gũi, sinh động. Các ví dụ, vụ việc mới xảy ra trên địa bàn thành
phố được khai thác triệt để, giúp các em thấy pháp luật gần hơn, dễ hiểu và
cũng dễ tiếp thu hơn. Đồng chí Đào Thị Mai, giám đốc Trung tâm TGPL cho biết,
trên cơ sở đối tượng tuyên truyền là học sinh THPT, cán bộ, trợ giúp viên,
chuyên viên trung tâm chú ý đến đặc điểm lứa tuổi, tâm, sinh lý để tuyên truyền
cho phù hợp. Trung tâm dành một phần kinh phí mua hơn 20 cuốn sách hay trong tủ
sách "hạt giống tâm hồn" làm quà tặng cho các bạn học sinh tham gia
trả lời. Đây vừa là sự động viên khích lệ các em, nhưng cũng thêm một cách giao
lưu khi thực hiện tuyên truyền pháp luật.
Hòa giải viên đặt câu hỏi với báo cáo
viên pháp luật tại buổi giới thiệu về Luật xử lý vi phạm hành chính
Giải đáp pháp luật ngay tại chỗ
Tại hội nghị tập huấn Luật xử lý vi
phạm hành chính vừa được Trung tâm TGPL phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Vĩnh
Bảo tổ chức sáng 6-12 vừa qua, có đến gần 20 câu hỏi của các hòa giải viên đặt
ra sau khi nghe báo cáo viên giới thiệu về luật. Bác Nguyễn Thị Ghi, hòa giải
viên thôn Cự Lai, xã Dũng Tiến (huyện Vĩnh Bảo) cho biết: Hằng năm, đều được
tham dự tập huấn về pháp luật. Lần này, Luật xử lý vi phạm hành chính là luật
lớn, liên quan nhiều đến công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa
phương, cơ quan chức năng và người dân. Báo cáo viên giới thiệu luật có hình
ảnh minh họa qua máy chiếu tương đối dễ hiểu. Những gì thiết thực tôi ghi vào
giấy. Ngay sau khi kết thúc phần giới thiệu các nội dung chính của luật, các
hòa giải viên sôi nổi đặt câu hỏi về xử lý vi phạm hành chính khi xây dựng nhà
trái phép trên đất nông nghiệp; xử lý vi phạm quy hoạch nghĩa trang? Việc chôn
cất tại đất thổ cư của gia đình có vi phạm gì không? Về khu dân cư văn hóa,
nhưng cứ 1-2 giờ sáng có xe chở vật liệu xây dựng vào gây ồn ào, có xử lý vi
phạm được không? Tất cả các câu hỏi đều được trợ giúp viên pháp lý của Trung
tâm TGPL giải đáp cụ thể. Phần lớn các đại biểu hài lòng với việc trao đổi,
giải thích, hướng dẫn về pháp luật của báo cáo viên, trợ giúp viên. Ông Hoa Văn
Tải, hòa giải viên xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo) nhận xét, tuyên truyền pháp
luật theo hướng mở, có sự trao đổi giữa người nói và người nghe, thực sự dễ
tiếp thu hơn, hiệu quả hơn, do người nghe chủ động tìm hiểu việc mình quan tâm,
muốn hỏi. Đây cũng là cách tuyên truyền phổ biến pháp luật mới được áp dụng đạt
hiệu quả bước đầu với sự chuẩn bị tài liệu chu đáo, cẩn trọng của mỗi báo cáo
viên pháp luật đang được Trung tâm TGPL đánh giá những mặt được, chưa được, từ
đó rút kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao ý thức
pháp luật người dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương,
từng bước giảm dần tranh chấp, khiếu nại ở địa bàn dân cư.
Nâng cao chất lượng công tác hòa
giải cơ sơ
Phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng vừa tổ
chức tọa đàm thực trạng công tác hòa giải cơ sở. Tại buổi tọa đàm, có gần 20 ý
kiến trao đổi của các hòa giải viên về thực trạng công tác hòa giải cơ sở hiện
nay, một số biện pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở.
Ông Vũ Đăng Dung, chủ tịch Hội Cựu
chiến binh xã Kiến Thiết:
Theo tôi không nhất thiết phải bỏ
phiếu kín để bầu hòa giải viên mà chỉ cần biểu quyết thông qua danh sách tại
hội nghị của thôn theo quy định. Sau khi biểu quyết thông báo rộng rãi qua hệ
thống loa truyền thanh để nhân dân được biết. Nếu không ai có ý kiến gì, đề
nghị chủ tịch UBND xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Nhiệm kỳ của hòa
giải viên nên tương ứng với nhiệm kỳ của tổ chức Đảng, đoàn thể cấp tương
đương.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, trưởng thôn
Trâm Khê, xã Đại Thắng:
Từ trước đến nay, các hòa giải viên
cơ sở làm hầu như làm ngoài giờ hành chính, mất thời gian, công sức. Tuy nhiên
không có bất kỳ chế độ gì cho hòa giải viên để động viên, khuyến khích họ. Nay
Luật hòa giải cơ sở quy định có phần kinh phí chi cho công tác này, các cấp,
địa phương nên nghiên cứu, xem xét, sớm áp dụng nhằm động viên những người làm
công tác "vác tù và" góp phần giữ bình yên thôn
xóm.
Ông Phạm Huy Cầu, thôn Phong Trại 1,
xã Nam Hưng:
Hiện nay, tất cả các thôn đều có tổ
hòa giải cơ sở hoạt động nhưng việc sơ kết, tổng kết công tác này của các xã
không được thường xuyên. Để nâng cao kiến thức, hòa giải viên cần thường xuyên
tập huấn các quy định của pháp luật, cấp phát tài liệu mới cho hòa giải viên
tìm hiểu, nghiên cứu. Có thể thành lập câu lạc bộ hòa giải viên ở cấp xã để 6
tháng hoặc 1 năm sinh hoạt một lần để các hòa giải viên trao đổi kinh nghiệm,
cách làm hay thông qua những vụ việc hòa giải cụ
thể.
Ông Phạm Hùng Ngọc, Bí thư chi bộ 7,
xã Hùng Thắng:
Từ trước đến nay, rất nhiều thôn
không tổ chức bầu mà chỉ cử ra hòa giải viên, thường là thành viên của các tổ
chức đoàn thể. Theo tôi rất cần bầu hòa giải viên để nâng cao tinh thần trách
nhiệm mà không phải là "cử", tránh tâm lý làm được đến đâu thì làm.
Mỗi tổ hòa giải cần khoảng 3 người, khi hòa giải nhất thiết phải mời thêm
trưởng họ để có vai trò của gia đình, dòng tộc. Mỗi vụ việc hòa giải thành, địa
phương nên có cơ chế động viên tổ hòa giải.
(Báo Hải Phòng)