Tuyên truyền pháp luật lao động tại các doanh nghiệp - Góp phần giải quyết mối quan hệ lao động hài hòa
Tuyên truyền pháp luật
lao động tại các doanh nghiệp - Góp phần giải quyết mối quan hệ lao động hài hòa
Đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và khu vực, Quốc hội khóa 13 thông
qua Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ tháng 5-2013. Cùng với các văn bản hướng dẫn
thi hành, nhiều điểm mới quy định điều chỉnh các quan hệ lao động đặt ra yêu cầu
tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật lao động sâu rộng, nhất là tại các
doanh nghiệp.
Công nhân Tổng công ty Công nghiệp tàu
thủy Phà Rừng trong giờ sản xuất.
Kế hoạch tuyên truyền pháp luật lao
động đạt kết quả bước đầu
Trong nhiều năm qua, Sở Lao
động-Thương binh và Xã hội luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền pháp luật lao
động thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, từng bước đáp ứng nhu cầu của chính
doanh nghiệp. Năm 2013, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành lập Phòng pháp
chế với nhiệm vụ là chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật lao động trên địa bàn thành phố. Ngay sau khi
thành lập, Phòng pháp chế xây dựng dự thảo để lãnh đạo Sở tham mưu UBND thành
phố ban hành Kế hoạch số 4266/KH-UBND thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến
pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh
nghiệp giai đoạn 2 (từ năm 2013 đến năm 2016). Việc triển khai kế hoạch nhằm
tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao
động, người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh
nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng thời, đề cao tính chủ động,
sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về việc chấp hành pháp luật lao
động. Trong đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện,
xây dựng chương trình, chuẩn bị tài liệu và tổ chức tuyên truyền đến người lao
động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp về các quy định của Bộ luật
Lao động và các văn bản pháp luật liên quan. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai kế hoạch, tiếp tục rà soát thực
trạng của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; qua đó từng bước
củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,
nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên…
Mở rộng tuyên truyền các loại
hình doanh nghiệp
Tuy mới thành lập, số lượng lao động
biên chế ít, nhưng trong năm 2013, Phòng pháp chế thực hiện tuyên truyền pháp
luật lao động tại hơn 200 doanh nghiệp, như: Chi nhánh Công ty cổ phần đại lý
hàng hải (VOSA Hải Phòng); Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty
sản xuất thép Úc SSE, Công ty cổ phần nước mắm Cát Hải, Công ty cổ phần xếp dỡ
vận tải An Hải… với hơn 500 lượt người tham gia. Phòng pháp chế cũng tập trung
tuyên truyền tại nhiều doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực da giày, may mặc có
số lượng lao động lớn từ 5.000 đến 7.000 người như Công ty TNHH Tân Vĩnh Hưng
(huyện An Lão), Công ty TNHH giày Aurora (huyện Thủy Nguyên)…; tại một số nhà
hàng, khách sạn ở thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải), lĩnh vực kinh doanh có đặc
thù về lao động. Việc tuyên truyền trực tiếp tới ban lãnh đạo, những người làm
công tác quản lý nhân sự và người lao động tại doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, tư
vấn để doanh nghiệp thực hiện, tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật. Ngoài
ra, phòng còn phối hợp với huyện Thủy Nguyên mở một lớp phổ biến các kiến thức
pháp luật về lao động, việc làm cho các cán bộ làm công tác lao động tại các
xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nội dung tuyên truyền tập trung giới thiệu về
những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2012 và một số Nghị định của Chính phủ,
Thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao
động.
Thông qua công tác tuyên truyền,
giao lưu, đối thoại trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động giúp
họ nắm được các chính sách, pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách, từ đó
chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia quan hệ lao
động. Người lao động cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc
thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, nhất là trong công tác an
toàn, vệ sinh lao động và tham gia bảo hiểm xã hội. Trong quá trình tuyên
truyền, những thắc mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý lao động cũng
được giải đáp kịp thời. Từ đó, doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp hành nghiêm
các quy định pháp luật, giảm thiểu tranh chấp lao động, hạn chế tình trạng
ngừng việc tập thể tự phát, bảo đảm quyền, lợi ích của cả hai bên và sự phát
triển bền vững của doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền pháp luật lao
động phần nào giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và
người lao động; là cầu nối 3 bên giữa người sử dụng lao động, người lao động và
cơ quan quản lý. Bởi, qua công tác tuyên truyền pháp luật, cơ quan quản lý lắng
nghe ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp, người lao động về những bất hợp lý,
vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực tiền
lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ chính sách khác của
người lao động. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý tập hợp, kiến nghị với Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản pháp luật lao động
ngày càng phù hợp sát thực tiễn hơn, phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp
hóa-hiện đại hóa đất nước và thành phố.
(Báo Hải Phòng)