Tủ sách pháp luật - kênh thông tin pháp luật quan trọng của mọi người dân
![](http://www.baohaiphong.com.vn/dataimages/201110/original/images714103_phap_luat_1.jpg)
5
năm thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về
xây dựng, quản lý khai thác tủ sách pháp luật, UBND thành phố Hải Phòng
đã ban hành nhiều Kế hoạch, Quyết định nhằm triển khai xây dựng, quản lý
khai thác hiệu quả các mô hình Tủ sách pháp luật trên địa bàn thành
phố.
Mới đây nhất, ngày 27/4/2015, UBND thành phố ban hành Quyết định số
888/QĐ – UBND phê duyệt Đề án nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của thanh niên đối với
xã hội và đất nước giai đoạn 2015 – 2020 chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ
quan, đơn vị, trường học, UBND các quận, huyện nâng cao hiệu quả quản
lý, khai thác, sử dụng tài liệu từ Tủ sách pháp luật; đa dạng hóa các
loại hình Tủ sách pháp luật, đẩy mạnh việc luân chuyển sách pháp luật
giữa tủ sách pháp luật phường, xã, nhà văn hóa, tủ sách pháp luật của
các cơ quan, doanh nghiệp, trường học bằng việc nối mạng máy tính, mượn
và trao đổi Tủ sách pháp luật.
Xác
định Tủ sách pháp luật là một kênh thông tin pháp luật quan trọng và là
một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả,
những năm qua, thành phố Hải Phòng luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây
dựng hệ thống Tủ sách pháp luật ở cơ sở, góp phần giúp cho cán bộ và
người dân tiếp cận với pháp luật thuận lợi. Đến nay 100% xã, phường, thị
trấn, cơ quan quản lý giáo dục, trường học trên địa bàn thành phố đã
xây dựng Tủ sách pháp luật. Phần lớn các Tủ sách pháp luật đều đảm bảo
có đủ các loại sách, báo, tài liệu pháp luật theo quy định. Các tủ sách
pháp luật thường xuyên được bổ sung sách từ Vụ Phổ biến, giáo dục pháp
luật – Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành
phố.
Hiện
nay Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn đang là nguồn thông tin,
tài lệu phục vụ trực tiếp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán
bộ, nhân dân ở cơ sở, cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, đầy đủ cho
bộ máy chính quyền cấp xã nghiên cứu áp dụng vào hoạt động quản lý, giảm
bớt sự tùy tiện trong thi hành công vụ, góp phần nâng cao dân trí. Từ
nguồn thông tin, tài liệu này, cán bộ, tuyên truyền viên pháp luật, hòa
giải viên cơ sở đã khai thác có hiệu quả đưa pháp luật đến với người
dân.
Tuy
nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, qua mạng
internet việc tra cứu, tìm kiếm văn bản pháp luật có nhiều thuận lợi
hơn, thông tin phong phú hơn, thu hút một lượng lớn nười dân lựa chọn
phương pháp này. Mặt khác, sau mỗi năm lại có rất nhiều văn bản quy phạm
pháp luật được sửa đổi, bổ sung, làm cho việc cập nhật văn bản mới hoặc
thay thế ở cấp xã gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời nhu cầu
tìm đọc của người dân khi cần đến. Nguồn kinh phí dành cho Tủ sách pháp
luật cấp xã chưa có mục chi riêng nên chưa được đầu tư đúng mức, việc bổ
sung sách, báo, tài liệu pháp luật mới còn hạn chế, chưa như mong muốn
của cán bộ, nhân dân.
Để
khắc phục những khó khăn đó, UBND thành phố đã kiến nghị Chính phủ, Bộ
Tư pháp và Bộ Tài chính có cơ chế tạo thuận lợi về kinh phí để UBND các
cấp có điều kiện bổ sung kinh phí hàng năm, phát triển nguồn sách báo
nhằm duy trì và khai thác có hiệu quả Tủ sách pháp luật ở cơ sở; Bộ Tư
pháp phối hợp với các bộ ngành hữu quan nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin trong xây dựng, khai thác và quản lý Tủ sách pháp
luật.
Phạm Hảo