Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật
Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu ý kiến đóng góp ý kiến đối với việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định tại Ðiều 4 của dự thảo, cho rằng dự thảo luật quy định Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là hợp lý, cần thiết nhưng chưa có những quy định về hình thức xử lý những đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt công tác này, như vậy chưa bảo đảm công bằng trong thực thi pháp luật trong thực tế cuộc sống. Ý kiến khác cho rằng, quy định về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong dự thảo còn chung chung, chưa đưa ra được những chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể huy động các nguồn lực xã hội dành cho công tác này...
Về các đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật (Mục 2, Chương II), một số đại biểu cho rằng, việc xác định rõ một số đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết và nhất trí với các quy định như dự thảo luật. Ðồng thời đề nghị, cần quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động tại doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với những nơi không tuân thủ việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Vì hướng tới những đối tượng đặc thù cho nên dự thảo luật cần có những quy định riêng về nguồn lực để có thể triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao.
Một số đại biểu tán thành với quy định của dự thảo luật về Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (Ðiều 8) để tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ðồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn thực hiện cụ thể để tránh hiện tượng hình thức, không hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Về tiêu chuẩn của các báo cáo viên pháp luật, có đại biểu đề nghị bỏ quy định “có thời gian công tác liên quan pháp luật ba năm” do không cần thiết và thiếu rõ ràng. Hơn nữa, nếu quy định như vậy thì các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ khó khăn để có được đội ngũ báo cáo viên pháp luật đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, cần có những quy định phù hợp từng vùng, miền trong cả nước, bảo đảm tính khả thi của Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) phát biểu ý kiến, bày tỏ sự nhất trí với tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày và đề nghị:
Không nên quy định cụ thể, liệt kê và nhấn mạnh nội dung trọng tâm của một số văn bản pháp luật tại Điều 10 vì sẽ tạo nên sự khác biệt về sự quan trọng và cần thiết của các văn bản pháp luật đã ban hành và mất đi sự bình đẳng giữa các văn bản pháp luật khi quy định là nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Do vậy, Điều 10 nên sửa theo hướng nội dung phổ biến giáo dục pháp luật ở Khoản 1 là qui định Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã ban hành; giữ nguyên Khoản 2, Khoản 3; bổ sung Khoản 4 tùy từng lĩnh vực, đối tượng để xác định những văn bản pháp luật trọng tâm để phổ biến giáo dục phù hợp với đối tượng và đảm bảo hiệu quả.
Việc qui định phổ biến giáo dục pháp luật riêng cho đối tượng đặc thù không chỉ có ý nghĩa về tính pháp lý mà mang tính xã hội sâu sắc bởi đó là những người có ít khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận với các văn bản pháp luật, nhưng lại sống, làm việc, hoạt động trong điều kiện môi trường khó khăn và dễ vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc qui định đối tượng đặc thù cần được ưu tiên trong phổ biến, giáo dục pháp luật là rất cần thiết.
Việc quy định trách nhiệm phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong dự án luật không chỉ tạo cơ sở pháp lý trong việc huy động các cơ quan, các tổ chức và địa phương tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật mà còn là cơ sở, điều kiện để góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay. (xem toàn văn phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa).
HN