Những quy định với về khám, chữa bệnh BHYT: Người bệnh có được hưởng lợi?
Những quy định với về khám, chữa bệnh BHYT: Người bệnh có được hưởng lợi?
Bắt đầu từ tháng 3/2016, gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế được điều
chỉnh giá với mức tăng trung bình 30%-50%. Đáng nói là mức giá này trước hết
được áp dụng với đối tượng là người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Cơ
quan Bảo hiểm xã hội Hải Phòng thì mức điều chỉnh này đã được nghiên cứu rất
kỹ, vừa với khả năng chi trả của ngành bảo hiểm cũng như người bệnh. Quan trọng
hơn, người bệnh được hưởng sự chăm sóc tốt hơn cả phương tiện, thuốc men và
thái độ phục vụ. Cũng trong năm 2016 này, Luật BHYT có những sửa đổi liên quan
chặt chẽ với quyền lợi của người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ
y tế. Người bệnh không bị giới hạn nơi khám chữa bệnh và được thông tuyến khám
chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn...
Thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT
Bà Phùng Thị Kim Quế, Trưởng phòng giám định BHYT, Cơ quan BHXH Hải
Phòng cho biết, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ ngày
1/1/2016 sẽ thực hiện việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở
khám chữa bệnh tuyến xã (phường, thị trấn), tuyến huyện (quận, thị xã, thành
phố) trong phạm vi tỉnh (thành phố) và từ 1/1/2021 sẽ thông tuyến khám chữa
bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước. Cơ
sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu được xác định theo các tuyến trong hệ
thống cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước và tương đương. Người có thẻ BHYT được
chuyển tuyến khám chữa bệnh theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật
giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh ban đầu tuyến xã và tương
đương, gồm: trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá, trạm y tế, phòng y tế của
cơ quan, đơn vị, tổ chức; phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập; trạm y tế
quân - dân y, phòng khám quân - dân y, quân y đơn vị cấp tiểu đoàn và các cơ sở
khám chữa bệnh khác (theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/old/2020/04/bhxh1976447.jpg)
Thông tuyến khám chữa bệnh rất có lợi cho người tham gia BHYT
Còn tuyến huyện và tương đương bao gồm: bệnh viện đa khoa (BVĐK)
huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh (thành phố); phòng khám đa khoa, phòng
khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế (TTYT) huyện có chức năng KCB; BVĐK hạng
III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các bộ, ngành hoặc trực thuộc đơn vị trực
thuộc bộ, ngành; BVĐK tư nhân và BV y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng
III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương; phòng y tế, bệnh xá trực
thuộc Bộ Công an, bệnh xá công an tỉnh; TTYT quân - dân y, bệnh xá quân y, quân
- dân y, BV quân y và BV quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp
hạng, các cơ sở khám chữa bệnh khác. Việc khám chữa bệnh BHYT được thực hiện
theo nguyên tắc, người có bảo hiểm được quyền đăng ký ban đầu tại một trong số
các cơ sở quy định trên, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi
làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.
“Người tham gia BHYT trên địa bàn Hải Phòng được quyền chọn đăng ký
khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã và tuyến huyện. Đối với các cơ
sở y tế tuyến tỉnh và tuyến trung ương cần theo sự hướng dẫn của Sở Y tế và
BHXH thành phố theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, người tham gia BHYT có
quyền thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Nếu muốn thay đổi nơi đăng
ký khám chữa bệnh ban đầu, đề nghị đến cơ quan BHXH huyện, quận để được hướng
dẫn”- bà Quế chia sẻ.
Cũng theo bà Quế thì trước đây, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh BHYT tại
bệnh viện tuyến huyện đều phải xin giấy chuyển viện với thủ tục rườm rà, mất
nhiều thời gian nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo
quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ 1/1/2016,
người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã,
phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh
BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện
trong cùng địa thành phố thì đều được coi là đúng tuyến. Việc thông tuyến khám,
chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham
gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố để thúc
đẩy các bệnh viện, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tăng cường chất lượng
dịch vụ. Cuối cùng, bệnh nhân vẫn là người được hưởng lợi khi chất lượng dịch
vụ tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của chính họ. Ngay trước
khi quy định trên chính thức có hiệu lực, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành
phố đã được nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân
lực, thay đổi phong cách phục vụ theo hướng làm người bệnh hài lòng...
Tăng viện phí từ 30-50%
Ngoài việc được thông tuyến khám chữa bệnh, điều mà người dân quan tâm
đó chính là từ ngày 1/3, gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá
với mức tăng trung bình 30%-50% và trước hết được áp dụng với người bệnh có thẻ
BHYT. Viện phí sẽ tính thêm phụ cấp đặc thù ngoài các chi phí trực tiếp hiện
nay là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng
thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch
vụ...
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/old/2020/04/bhxh2980046.jpg)
Tăng viện phí để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh?
Theo quy định thì người có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám
chữa bệnh thì tất nhiên là việc tăng giá này sẽ có ảnh hưởng, song theo cơ quan
chuyên môn thì mức độ ảnh hưởng không nhiều, ngược lại sẽ được nhiều cái lợi.
Trước hết, chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng lên do các cơ sở y tế cạnh tranh
nhau, chỉ có cơ sở nào có chất lượng thì mới thu hút được người dân đến khám,
chữa bệnh. Đặc biệt, giá dịch vụ tăng không có nghĩa là lương các bác sỹ tăng.
Giá dịch vụ tăng là để giúp bệnh viện có thêm khoản kinh phí phục vụ cho bệnh
nhân như đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh
viện, đào tạo nâng cao chuyên môn cho các y, bác sỹ... Như vậy, bệnh nhân là
người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế...
“Bình thường, tôi đi khám chỉ phải trả thêm khoảng hai ba chục nghìn,
có khi còn ít hơn, nay dù tăng thêm 50% thì tôi nghĩ mình vẫn lo được. Quan
trọng chất lượng khám chữa bệnh hiện tốt hơn rất nhiều, thái độ nhân viên y tế
cũng niềm nở hơn nhưng vì quá đông bệnh nhân nên phải chờ hơi lâu"-ông
Bách (63 tuổi) một hưu trí đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Hồng Bàng bộc bạch
như vậy.
Còn theo Sở Y tế thành phố, việc điều chỉnh giá về cơ bản không làm ảnh
hưởng đến người nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã
hội vì chi phí khám chữa bệnh của các đối tượng này đã được BHYT thanh toán và
ngân sách hỗ trợ. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, các bệnh viện trên
địa bàn đã có nhiều động thái tích cực. Ngoài việc bố trí đội ngũ hướng dẫn,
nhiều bệnh viện đã nâng cấp và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục
tiếp nhận bệnh nhân diện BHYT, giảm thiểu thời gian khám chữa bệnh so với
trước. Bệnh nhân chỉ cần đăng ký, nộp thẻ BHYT rồi nhận số thứ tự, đi khám, làm
các xét nghiệm cận lâm sàng..., đến khi lãnh thuốc mới phải thanh toán một lần,
gọn gàng và nhanh chóng. Mọi hoạt động tại các khoa của các bệnh viện được kết
nối, liên thông qua mạng, giảm được thời gian ghi chép hồ sơ cũng như chờ đợi
thực hiện các thủ tục rườm rà, bảo đảm phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.
Đức Tùng