Ngăn chặn bạo lực học đường: Quan tâm tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên
Ngăn
chặn bạo lực học đường: Quan tâm tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên
Thời gian qua, bạo lực học đường ở Hải Phòng diễn biến phức tạp và
có chiều hướng tăng. Để góp phần ngăn chặn, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp
luật cho học sinh ở các lứa tuổi là một trong các giải pháp đang được các cơ
quan chức năng thành phố quan tâm, triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn
thành phố.
Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi hào hứng tham gia
trả lời các câu hỏi tình huống pháp luật về bạo lực học đường trong buổi tư vấn
pháp lý.
Báo động về bạo lực học đường
Đầu tháng 10-2014, tại thôn Mức, xã Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên) xảy ra vụ
xô xát giữa hai nhóm học sinh cùng Trường THPT Nam Triệu, Trần Xuân Sơn, 16
tuổi, học sinh khối lớp 11 đâm trọng thương Lại Thanh Lâm, 15 tuổi, học sinh
khối 10 và Lâm tử vong tại bệnh viện. Trước đó, trên địa bàn thành phố cũng xảy
ra một số vụ học sinh cố ý gây thương tích do mâu thuẫn. Như cuối tháng 7 –
2014, tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo), em
Phạm Văn Dương, học sinh lớp 11B4 bị Phạm Văn Quang, học sinh lớp 10 cùng
trường đâm trọng thương gây tử vong. Nguyên nhân được xác định từ mâu thuẫn
giữa hai nhóm học sinh cũ và hợc sinh mới nhập trường, dẫn đến hậu quả đau
lòng.
Không chỉ tại Hải Phòng, tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang
diễn ra đáng báo động ở nhiều, tỉnh thành phố trong cả nước, ở những cấp học
khác nhau, không chỉ dừng lại ở những vụ xích mích, bắt nạt đơn thuần giữa học
trò với nhau, mà đang biến tướng với cách hành xử mang tính bạo lực, giang hồ.
Ngày 3-10 vừa qua, trên mạng internet lan truyền clip dài hơn 1 phút ghi lại
cảnh một nữ sinh của một trường THPT tại huyện Ba Vì (Hà Nội) dùng gậy đánh bạn
học vì cho rằng bạn nói xấu mình. Nguyên nhân phát sinh nhiều khi chỉ là những
va chạm, mâu thuẫn lặt vặt trong học tập, sinh hoạt hằng ngày. Theo các chuyên
gia tâm lý giáo dục và tư pháp, tình trạng bạo lực học đường gia tăng cho thấy
sự thiếu hiểu biết pháp luật trong lứa tuổi học sinh, sinh viên, cần thiết phải
đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho lứa tuổi này với những hình thức phù hợp.
Có hình thức tuyên truyền phù hợp
Với mục tiêu trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh, ngăn ngừa những vi
phạm pháp luật trong độ tuổi này. Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) phối
hợp với các trường học triển khai nhiều buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho
học sinh, từ tiểu học đến trung học phổ thông. Đầu tháng 10-2014, Trung
tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp với Trường THPT Mạc Đĩnh Chi tổ chức chương trình
ngoại khóa phổ biến pháp luật về chống bạo lực học đường và an toàn giao thông
cho hơn 1.400 học sinh. Buổi tuyên truyền diễn ra sôi động với phần giao
lưu giữa các học sinh của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi với các trợ giúp viên pháp
lý quanh việc phân tích nguyên nhân bạo lực học đường, hậu quả và các biện pháp
phòng ngừa tội phạm và bạo lực học đường; tuổi chịu trách nhiệm pháp lý…
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Đào Thị Mai cho
biết: từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý, tuyên
truyền pháp luật tại 8 trường ở cả 3 cấp học: tiểu học, trung học cơ sở, trung
học phổ thông, như: trường tiểu học Trần Văn Ơn, Nguyễn Tri Phương; 4 trường
THCS Hồng Bàng, Lê Hồng Phong, Tiên Lãng, Tân Phong và 2 trường THPT Nguyễn
Trãi và Mạc Đĩnh Chi. Tùy theo lứa tuổi và yêu cầu từ thực tế đặt ra của các
trường, các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm bố trí chủ đề phù hợp. Như
tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của trẻ em, phòng, chống việc bắt cóc trẻ em,
xâm hại trẻ em, bạo lực học đường và an toàn giao thông. Các hoạt động này được
các nhà trường đánh giá cao. Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền phong
phú, hấp dẫn, sinh động cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
pháp luật cho học sinh.
Thầy Trịnh Khắc Dũng, Hiệu phó Trường THPT Mạc Đĩnh Chi nhận xét, thông qua
buổi tuyên truyền, học sinh toàn trường nâng cao nhận thức và ý thức tự giác
chấp hành pháp luật, điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia
đình. Đây cũng là mục tiêu ngành giáo dục đang xây dựng “Trường học tích cực,
học sinh thân thiện”, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an
toàn; giảm thiểu tội phạm và những tệ nạn xã hội phát sinh ở độ tuổi vị thành
niên. Môi trường tốt sẽ giúp các học sinh học tập đạt kết quả tốt hơn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo tại hội thảo tập
huấn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học và công tác học sinh, sinh
viên năm 2014-2015 tổ chức vào giữa tháng 8 vừa qua, thì từ năm 2010 đến nay,
có 7735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.
|
(Bích Hà, Báo Hải Phòng)