Hội nghị tập huấn, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho các huyện trên địa bàn thành phố
06/04/2020 11:09
Hội nghị tập huấn, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho các huyện trên địa bàn thành phố
Sáng 22/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Tôn giáo thành phố tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo thuộc 7 huyện trên địa bàn thành phố.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/old/2020/04/22.9.2017.2021771.jpg)
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị được tổ chức nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; đưa hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo đi vào nề nếp, ổn định, theo đúng quy định của pháp luật và thực tiễn tại địa phương.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/old/2020/04/22.9.2017.1024470.jpg)
Đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra trình bày tại Hội nghị
Tại hội nghị tập huấn, đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, trên cơ sở kế thừa, phát huy những ưu điểm của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, thể chế hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 với 9 chương, 68 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, là một bước tiến mới có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng có những điểm mới cơ bản như: mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; giảm thời gian công nhận tổ chức tôn giáo; bổ sung nội dung phong phẩm cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; được tập trung sinh hoạt tôn giáo riêng tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam; được mời chức sắc, nhà tu hành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài giảng đạo.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được đánh giá là một bước tiến mới, đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tuân thủ pháp luật, phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện nay.
Đỗ Hoàn