Góp phần
nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành cho cán bộ, nhân dân
khu vực biên giới, hải đảo
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/old/2020/04/PCTThoaitraoBKchocanhancothanhtich432902.jpg)
(Phó Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc)
Sáng
2/6 tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường phổ biến,
giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo Giai đoạn 2013
– 2016” tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá Giai đoạn 1 thực hiện Đề án trên địa
bàn thành phố Hải Phòng. Tới dự có các đồng chí: Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó
Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề
án Bộ Quốc phòng; Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo
thực hiện Đề án.
Qua
gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục
pháp luật tại các địa phương khu vực biên giới, hải đảo trên địa bàn thành phố đã
được tổ chức nề nếp, phù hợp với điều kiện thực tế, bước đầu đạt hiệu quả cao,
góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật cho cán
bộ, nhân dân. Đội ngũ cán bộ cũng thường xuyên được
đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ nên đã tạo thuận lợi cho công tác tuyên
truyền. Hiện nay, các xã, phường, thị trấn biên giới cơ bản đã có CLB tư vấn
pháp luật, các CLB này làm việc 2 buổi/tuần phục vụ nhu cầu tư vấn, giải đáp
thắc mắc cho quần chúng nhân dân trên địa bàn những vấn đề liên quan đến pháp
luật.
Phát
biểu tại hội nghị sơ kết, đồng chí Đỗ Trung Thoại – Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện
Đề án thành phố khẳng định, Đề án đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý
thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ
trang khu vực biên giới biển, hải cảng và 2 xã Lập Lễ, Phả Lễ huyện Thủy
Nguyên. Tình hình an ninh nông thôn ở các xã, phường biên giới biển trở nên ổn
định, quần chúng nhân dân tích cực trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền, an
ninh biên giới và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND
thành phố cũng lưu ý một số cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chưa thực sự
vào cuộc, chưa quan tâm trong việc đảm bảo kinh phí, nguồn lực cần thiết để thực
hiện Đề án…
Phó
Chủ tịch thành phố cho rằng, giai đoạn II là giai đoạn rất quan trọng, quyết định
sự thành công của Đề án, do đó các cấp, ngành, đơn vị và địa phương liên quan cần
phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế, chương trình hành động; tăng cường củng cố
đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các địa phương; chủ động kiện
toàn Ban chỉ đạo các cấp… Đồng chí giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố - Cơ
quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án từ nay đến Quý IV/2015 phải xây dựng kế hoạch
tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trên
địa bàn.
Nhân
dịp này, UBND thành phố tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 14 cá nhân có thành
tích xuất sắc trong công tác này.
Giai
đoạn I thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án cấp thành phố đã nghiên cứu biên soạn,
in ấn phát hành hơn 45.000 tờ rơi; xây dựng đĩa DVD tiểu phẩm pháp luật; cấp
phát 568 tài liệu tập huấn triển khai thực hiện Đề án; 150 đĩa DVD nội dung về
các kỹ năng xử lý sự cố khi đi biển; 12 loại đầu sách với trên 1.600 cuốn cho
31 xã, phường, thị trấn và các cơ sở thuộc Bộ đội Biên phòng thành phố để phục vụ công tác
nghiên cứu và tuyên truyền. Thành phố có 62 báo cáo viên cấp thành phố, 236 báo
cáo viên cấp huyện và gần 1.100 tuyên truyền viên pháp luật cơ sở, trực tiếp
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo tại nhiều hội nghị, lớp tập huấn.
Các tổ tuyên truyền pháp luật của các địa phương và lực lượng vũ trang cũng
tuyên truyền được hơn 750 buổi cho hàng vạn lượt người trên địa bàn các xã, phường,
thị trấn biên giới và ngư dân đi biển dài ngày…
Trâm
Bầu