Đảm bảo hiệu quả và sức lan tỏa của Đề án “Tăng
cường phổ biến GDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo giai đoạn 2013
– 2016”
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/old/2020/04/DaitaDaoQuangThuc518025.jpg)
(Đại tá Đào Quang Thức - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng)
Đề án “Tăng cường phổ biến,
giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013
– 2016” trên địa bàn thành phố Hải Phòng có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng
nhằm tạo sự thay đổi về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho
đội ngũ cán bộ, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang khu vực biên giới
biển, hải cảng và 2 xã Lập Lễ, Phả Lễ - huyện Thủy Nguyên. Với vai trò là cơ
quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án của Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
thành phố Hải Phòng đã nhanh chóng triển khai một số kế hoạch, chương trình với
mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng
dân cư ven biển. Cổng Thông tin điện tử thành phố vừa có cuộc phỏng vấn Đại tá
Đào Quang Thức – Chính ủy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng về những thông tin liên quan trong việc triển
khai thực hiện Đề án.
PV:
Thưa đồng chí, với mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức chấp
hành pháp luật cho cộng đồng dân cư ven biển, vậy yêu cầu đặt ra của Đề án là
gì?
Đại
tá Đào Quang Thức: Đề án được triển khai nhằm nâng cao kiến thức,
kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ Bộ đội Biên phòng, các
đơn vị quân đội, công an và cán bộ ở địa bàn, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước và thành phố. Mục
tiêu tăng cường tuyên truyền về vị trí, vai trò tầm quan trọng của biển, đảo Việt
Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thông qua đó giáo dục tinh thần
yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển
đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân.
Do đó phấn đấu đến hết năm
2016, 100% cán bộ cơ quan đảng, chính quyền các xã, phường, thị trấn khu vực
biên giới biển, hải cảng và 2 xã Lập Lễ, Phả Lễ huyện Thủy Nguyên được phổ biến
giáo dục pháp luật; 100% cán bộ, chiến sĩ BĐBP được tập huấn nghiệp vụ phổ biến
giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; 100% các xã, phường, thị trấn
ở khu vực biên giới biển, các Đồn Biên phòng, Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội
2, các đơn vị quân đội phải có tủ sách pháp luật; mỗi quận, huyện khu vực biên
giới biển và huyện Thủy Nguyên có ít nhất 1 Đội tuyên truyền phổ biến, giáo dục
pháp luật. Và đa số cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan,
đơn vị liên quan đến nhân dân các địa phương ven biển được trang bị thêm kiến
thức pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình, được phổ biến các
quy định của pháp luật về biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật khác có
liên quan…
PV:
Đồng chí cho biết về đối tượng và phạm vi triển khai Đề án tại Hải Phòng?
Đại
tá Đào Quang Thức: Theo Kế hoạch số 6541/KH-UBND và Kế hoạch số
6542/KH-UBND của UBND thành phố, đề án được triển khai tại 29 xã, phường, thị trấn
ven biển thuộc 7 quận, huyện và 2 xã thuộc huyện Thủy Nguyên và địa bàn cảng
Hải Phòng gồm: xã Đông Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang, Tây Hưng (huyện Tiên Lãng);
xã Đoàn Xá, Đại Hợp (huyện Kiến Thụy); xã Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Văn Phong, Đồng
Bài, Phù Long, Gia Luận, Hiền Hào, Xuân Đám, Việt Hải, Trân Châu, thị trấn Cát
Hải, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải); huyện đảo Bạch Long Vĩ (bao gồm 4 khu:
khu dân cư số 1, số 2, số 3 và khu dân cư Thanh niên xung phong Bạch Long Vĩ);
phường Tân Thành, Hải Thành (quận Dương Kinh); phường Bàng La, Ngọc Hải, Ngọc
Xuyên, Vạn Sơn, Vạn Hương (quận Đồ Sơn); phường Nam Hải, Tràng Cát, Đông Hải 1,
Đông Hải 2 (quận Hải An); xã Lập Lễ, Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên); và địa bàn Cảng
Hải Phòng.
Trong đó sẽ lựa chọn 6 xã,
phường, thị trấn khu vực biên giới vùng biển, đảo gồm: xã Vinh Quang (huyện
Tiên Lãng), xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), phường
Nam Hải (quận Hải An), xã Hoàng Châu, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải) để xây dựng
mô hình làm điểm về phổ biến giáo dục pháp luật.
Đối tượng thực hiện của đề
án là cán bộ, nhân dân và tất cả cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng dân quân
tự vệ, ở khu vực biên giới biển, hải cảng và 2 xã Lập Lễ, Phả Lễ huyện Thủy
Nguyên; các thuyền viên và ngư dân hoạt động trên vùng biển của thành phố.
PV:
Với vai trò là cơ quan Thường trực của thành phố trong triển khai thực hiện đề
án, xin đồng chí cho biết rõ một số nhiệm vụ trọng tâm của BĐBP Hải Phòng trong
khâu tổ chức thực hiện?
Đại
tá Đào Quang Thức: Để Đề án đảm bảo hiệu quả và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, về phía
Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với các đơn vị
quân đội, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong công tác phổ biến
giáo dục pháp luật. Cụ thể:
Một là: BĐBP thành phố đã chủ trì phối hợp với các địa
phương khu vực biên giới biển và địa phương liên quan ký kết, ban hành các
chương trình, kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và từng
giai đoạn. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm bổ sung
ban hành các văn bản tăng cường quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi
giải trí, tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh gắn với phổ biến giáo dục
pháp luật cho người dân vùng này.
Hai là: Xây dựng kế hoạch,
phiếu khảo sát, tổ chức khảo sát đánh giá công tác phổ biến giáo dục pháp luật
và nhu cầu phổ biến giáo dục pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng này. Bên cạnh
đó xác định đối tượng, nội dung, hình thức triển khai phổ biến, giáo dục pháp
luật phù hợp ở từng địa phương để đánh giá đúng thực trạng, xây dựng nội dung,
biện pháp tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với nhiệm vụ của địa
phương và nhu cầu của nhân dân.
Ba là: Các hình thức phổ biến
giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng này phải được triển khai thực hiện
một cách đa dạng, phù hợp và hiệu quả thông qua công tác xây dựng biên soạn, in
ấn, phát hành các loại tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, hỏi đáp pháp luật về biển, đảo
cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở, cho cán bộ và nhân
dân. Lồng ghép phổ biến pháp luật qua các buổi sinh hoạt tập trung của các cơ
quan, đơn vị, địa phương, qua các hoạt động văn hóa văn nghệ… Phân công cán bộ,
báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên trực tiếp tuyên truyền, tư vấn
cho từng nhóm, từng đối tượng cụ thể. Đặc biệt thông qua hoạt động của cán bộ,
chiến sỹ các đơn vị quân đội, công an, chủ yếu là BĐBP, phát huy vai trò của
các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong nhân dân tham gia phổ biến. Sử dụng
hệ thống loa truyền thanh, tăng thời lượng phát thanh, truyền hình để phổ biến,
phát huy vai trò của tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn, điểm bưu
điện văn hóa… Mặt khác có thể tổ chức thêm việc xét xử lưu động một số vụ án điểm
(nếu có) và thông qua các loại hình câu lạc bộ để tổ chức pháp luật.
Bốn là: Cần phải chú trọng
nâng cao năng lực cho người thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tổ
chức tập huấn về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật
theo từng quy mô, cấp độ phù hợp cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, cán
bộ chính quyền, đoàn thể và đội ngũ những người làm công tác này. Song song với
đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật
phải được quan tâm đảm bảo.
PV:
Đại tá có thể cho biết thêm một số hạn chế, khó khăn và thuận lợi trong
triển khai và thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố?
Đại
tá Đào Quang Thức: Có
thể nói, trong thời gian qua công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật ở
khu vực biên giới biển đã được thực hiện tương đối bài bản, có hiệu quả. Do vậy
khi triển khai thực hiện Đề án đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của lãnh đạo
UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, ngay sau khi Kế hoạch
của thành phố vừa ban hành có những địa phương đã triển khai thành lập, kiện
toàn Ban chỉ đạo thực hiện ở cấp mình.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn
còn một số cơ quan và địa phương vẫn
chưa vào cuộc một cách quyết liệt, chưa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện ở cấp
mình, bộ phận cán bộ làm công tác tham mưu nhiều lúc chưa kịp thời. Mặt khác
trong quá trình triển khai tại một số địa phương trình độ nhận thức của nhân
dân chưa đồng đều, đặc biệt là ngư dân thường xuyên sản xuất trên biển, việc đầu
tư cơ sở vật chất cho công tác này còn chưa kịp thời, mức độ còn hạn chế…
PV:
Xin cám ơn đồng chí
Minh Hảo