Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12-2016

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12-2016

Ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng

Nghị định 142/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng (XĐTTTM), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2016. Nghị định quy định nguyên tắc, nội dung, biện pháp, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động ngăn chặn XĐTTTM tại Việt Nam.

Theo đó, tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu, hành vi gây XĐTTTM hoặc thông tin, hệ thống thông tin bị tổn hại phải có trách nhiệm thông báo và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan nghiệp vụ và chủ quản hệ thống thông tin. Cơ quan nghiệp vụ có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin do các tổ chức, cá nhân thông báo về XĐTTTM và có trách nhiệm thông báo kết quả khắc phục XĐTTTM với tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin khi được yêu cầu.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

Nghị định 145/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị  trường chứng khoán. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2016.

Theo nghị định, hành vi làm giả hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ (mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) bị phạt 400 triệu đồng đến 700 triệu đồng. Hành vi không công bố báo cáo sử dụng vốn hoặc không thuyết minh trong báo cáo tài chính năm về sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ bị phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng. Phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng nếu nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn từ trên 24 tháng đến 36 tháng; phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu không nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn trên 36 tháng…

Trường hợp mức phạt quy định từ 1% đến 5% tổng số tiền huy động trái pháp luật, tối đa sẽ bị phạt 5% nhưng không quá 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Trường hợp mức phạt quy định từ 1 lần đến 5 lần khoản thu trái pháp luật, tối đa sẽ bị phạt là 5 lần nhưng không quá 2 tỷ đồng.

Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập kinh tế

Nghị định 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động- thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-12-2016.

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự. Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng của đơn vị. Hội đồng quản lý quyết định về chiến lược, kế hoạch trung hạn và hàng năm của đơn vị; quyết định chủ trương đầu tư mở rộng hoạt động, thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc. Hội đồng quản lý quyết định chủ trương lớn về tổ chức, nhân sự; thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị để trình cấp có thẩm quyền quyết định; thông qua báo cáo quyết toán tài chính hàng năm, thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, việc triển khai quy chế dân chủ, quyết định các vấn đề quan trọng khác của đơn vị theo quy định của pháp luật.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng

Quyết định 44/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12-2016.

Chủ rừng được thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với yêu cầu về tiêu chuẩn dành cho bảo vệ: có phẩm chất đạo đức tốt, đủ 18 tuổi trở lên và có sức khỏe đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ rừng; ưu tiên đối với người đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống tại địa bàn, người đã được đào tạo nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng.

Bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-12-2016.

Theo thông tư, cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải lập quy hoạch giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, thuận lợi cho phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Bảo đảm diện tích cây xanh ít nhất chiếm 10% diện tích khu công nghiệp. Cụm công nghiệp phải có hệ thống thoát nước mưa, thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn. Khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, phải bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và có hệ thống thoát nước hoạt động đủ công suất, ổn định.

Điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề để được công nhận như sau: có phương án bảo vệ môi trường làng nghề; cơ sở hoạt động trong làng nghề được phê duyệt báo cáo tác động môi trường hoặc thủ tục tương đương, thu gom, xử lý chất thải đúng quy định; có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, có điểm tập kết chất thải rắn; có tổ chức tự quản bảo vệ môi trường. Đồng thời phải tiến hành đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm định kỳ 2 năm/lần.

Bích Hà (Báo Hải Phòng)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố