Cần quan tâm phổ biến pháp luật cho lao động tự do,
lao động KCN
Công nhân công ty gốm Đá Bạc (Thủy Nguyên) trong một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Tính đến
ngày 31-12-2014, thanh niên toàn thành phố có trên 535.000 người (chiếm khoảng
29,5% dân số). Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế kéo theo chuyển dịch lao động, cơ
cấu xã hội, nghề nghiệp của thanh niên. Số thanh niên từ nông thôn ra thành phố
làm lao động tự do, thanh niên lao động ở các khu công nghiệp đang có chiều
hướng gia tăng.
Khi “thủ phạm” là công nhân
Từng là một công nhân cần mẫn, có
thu nhập ổn định nhưng Vũ Văn Núi, sinh 1971, ở xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo,
lại vướng vào vòng lao lý. Vốn làm việc tại lò nấu phôi hợp kim kẽm, phân xưởng
ép thủy lực thuộc Cty TNHH Quốc tế Vĩnh Chân, trụ sở tại cụm công nghiệp Tân
Liên (Vĩnh Bảo), Núi đã lợi dụng sơ hở trong việc quản lý, nhiều lần trộm cắp
thỏi hợp kim kẽm mang về nhà cất giấu. Khi thấy số lượng hợp kim kẽm mà mình
lấy được đã nhiều, Núi gặp một đối tượng chuyên thu mua phế liệu để bán kiếm
tiền.
Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Núi
đã không thể “qua mắt” được cơ quan công an. Phải ra đứng trước vành móng ngựa
và trả giá đắt với bản án 9 tháng tù giam về tội “trộm cắp tài sản”, Núi tỏ ra
hối hận nhưng tất cả đã muộn.
Mới đây nhất, ngày 11-4 vừa qua,
Công an quận Dương Kinh đã triệt phá một đường dây môi giới mại dâm, trong đó
đối tượng bán dâm là những nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên
địa bàn quận. Kẻ cầm đầu đường dây này là Lê Thị Uyn, sinh 1965, ở tổ 6, phường
Hưng Đạo, Dương Kinh. Ban đầu, Uyn mở quán bán nước và đồ ăn nhưng món lời từ việc
kinh doanh hàng “tươi mát” khiến thị bất chấp vi phạm pháp luật. Trong thời
gian bán hàng nước và đồ ăn sáng, Uyn có điều kiện tiếp xúc với khách hàng và
nắm được nhu cầu mua dâm. Đồng thời, thị cũng biết hầu hết nữ công nhân làm
việc tại đây có mức lương thấp, nhiều người có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên
đã chèo kéo họ “làm thêm” để tăng “thu nhập”.
Đang lúc khó khăn, một số người đành
“nhắm mắt đưa chân” nghe theo lời của Uyn, trong đó có 2 nữ công nhân Vũ Thị T
và Nguyễn Kim L. Mỗi khi có khách đặt vấn đề mua dâm, Uyn sẽ nhận tiền trước
với giá từ 300-500 ngàn đồng/người/lượt, trong đó thị hưởng từ 50-100 ngàn
đồng, còn lại trả cho người bán dâm. Sau khi nhận tiền, Uyn gọi điện cho người
bán dâm đến nhận mặt khách rồi đưa nhau đi tìm địa điểm thực hiện. Nếu vào thời
gian công nhân đang phải lao động tại các doanh nghiệp thì Uyn hẹn với khách
chờ đến giờ họ tan ca sẽ thực hiện “hợp đồng”.
Cần được chú trọng đúng mức
Có thể nói, trên đây là một số ví dụ
trong rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật mà thủ phạm là thanh niên lao động tự
do và thanh niên lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Ý kiến
nhiều chuyên gia nhận định, ngày nay bên cạnh những mặt thuận lợi nhất định,
một bộ phận thanh niên cũng dễ tiếp cận với những mặt trái của đời sống xã hội.
Dưới sự tác động của toàn cầu hóa,
những sản phẩm độc hại phi văn hóa bằng nhiều con đường, nhất là qua internet,
các phương tiện truyền thông tác động trực tiếp, liên tục đến lối sống của
thanh niên, tạo nhiều sức ép và khó khăn trong việc bảo vệ phát huy các giá trị
truyền thống trong giới trẻ. Sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, sức khỏe sinh
sản, tỉ lệ nhiễm HIV còn diễn biến phức tạp đã và đang tác động xấu. Cùng với
đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cùng số thanh niên từ nông thôn ra thành phố
làm nghề lao động tự do, thanh niên lao động ở các khu công nghiệp đang có
chiều hướng gia tăng.
Đại diện LĐLĐ thành phố cho biết,
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động tới công nhân, lao
động được các cấp công đoàn thành phố quan tâm. Ví dụ như trong khuôn khổ
chương trình dự án Oxfarm Đoàn kết Bỉ, năm 2013, các cấp công đoàn thành phố tổ
chức 31 buổi tuyên truyền, 17 lớp tập huấn về pháp luật lao động… cho gần 6.000
lượt cán bộ công đoàn và công nhân, lao động. Trung tâm Vì người lao động
nghèo, Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐTP) đã tổ chức hàng chục buổi tập huấn,
tuyên truyền, tư vấn pháp luật ở cơ sở với sự tham gia của hàng nghìn công
nhân, lao động. Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác này chưa được nhiều nơi
quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí, đội ngũ cán bộ làm công tác
pháp luật còn mỏng.
Trong khi đó, hầu hết ở tất cả các
LĐLĐ quận, huyện, công đoàn ngành…, cán bộ làm công tác chính sách đều kiêm
nhiệm nhiều hoạt động nên khối lượng công việc rất lớn, hoạt động nghiệp vụ đan
xen, vì thế khó có điều kiện chuyên sâu. Do đó, để việc tuyên truyền, phổ biến
pháp luật cho thanh niên lao động tự do, thanh niên lao động ở các khu công
nghiệp và thanh niên nông thôn đạt hiệu quả, các sở, ngành, địa phương, các
khu, cụm công nghiệp cần chủ động phối hợp, tăng thời lượng, đổi mới và đa dạng
hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật có liên quan
mật thiết đến thanh niên.
Trước thực trạng trên, UBND thành
phố vừa ban hành quyết định về phê duyệt đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp
luật cho thanh niên lao động tự do và thanh niên lao động ở các khu công
nghiệp và tư vấn pháp luật cho thanh niên nông thôn giai đoạn 2015-2020”.
Theo đó, hàng năm thực hiện tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho
70% thanh niên lao động tự do và thanh niên lao động ở các KCN và thanh niên
nông thôn về các chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước liên quan đến đời
sống, học tập và việc làm của thanh niên; bảo đảm 100% thanh niên trước khi
đi lao động ở nước ngoài được phổ biến các quy định của pháp luật; phổ biến
luật nghĩa vụ quân sự cho 100% thanh niên; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm
cha, làm mẹ, sức khỏe sinh sản vị thanh niên, phòng chống các bệnh lây nhiễm
qua đường tình dục; tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của pháp
luật về phòng chống tội phạm và TNXH…
|
(Báo
An ninh Hải Phòng)