Phát huy vai trò báo chí trong tuyên truyền, quảng bá, kết nối di sản văn hóa
(Haiphong.gov.vn) - Sáng 7/5, Hội Nhà báo thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hải Phòng tổ chức Hội thảo về chủ đề "Báo chí tuyên truyền, quảng bá, kết nối di sản văn hóa Hải Phòng - Vùng duyên hải Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng”. Tham dự có đại diện các Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong vùng duyên hải Bắc bộ.
Hội thảo "Báo chí tuyên truyền, quảng bá, kết nối di sản văn hóa Hải Phòng - Vùng duyên hải Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng”. Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc trưng đây cũng là nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch phong phú, đa dạng như du lịch biển đáo, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du khảo đồng quê...Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Hồng có nhiều di sản thế giới đã UNESCO công nhận như: Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh - Hải Phòng); Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, bia đá các khoa thi tiến sĩ Triều Lê- hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc (Hà Nội); Ca trù và Quan họ (Bắc Ninh).
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Mai Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.Với sứ mệnh của các cơ quan báo chí vùng duyên hải Bắc bộ và vùng đồng bằng Sông Hồng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Nguyễn Anh Tú cho rằng: “Đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm của đội ngũ các nhà báo trong công tác tuyên truyền, nhằm quảng bá tiềm năng giá trị di sản văn hóa và thế mạnh du lịch của các địa phương, qua đó, góp phần tạo sự kết nối trong bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa gắn với hợp tác phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ.”
Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Nguyễn Anh Tú phát biểu tại Hội thảo.Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa XI năm 2014 của Đảng “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định nhiệm vụ thứ năm là “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 “Phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đó là tiền đề chính trị, pháp lý quan trọng cho cấp quốc gia cũng như các cấp, ngành, địa phương triển khai sâu rộng về vấn đề này ở đơn vị, địa bàn mình.
Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Văn Hiểu phát biểu tại Hội thảo.Văn hóa vốn dĩ là vấn đề thường nhật nhưng là cốt lõi của đời sống con người. Theo Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Văn Hiểu: “Hải Phòng, vốn từ lâu đã được coi là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong điều kiện Trung ương đã có chủ trương cả về chính trị và pháp lý thì nhất thiết Thành phố phải thực sự quan tâm thúc đẩy vấn đề này.”
Nhà báo Phạm Thanh Tân, Trưởng văn phòng đại diện khu vực Đông Bắc (Báo Tài chính – Đầu tư) phát biểu tại Hội thảo.Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong vùng duyên hải Bắc bộ thông qua các tham luận đa dạng nhiều chiều, có chất lượng nhằm chia sẻ thông tin, quảng bá về giá trị di sản văn hóa cũng như tiềm năng thế mạnh du lịch của các địa phương và tổng quan về du lịch vùng, nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối các Di sản văn hóa./.