Công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6
(Haiphong.govn.vn) - Chiều 21/3, tại Hải Phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức công bố Quyết định thành lập và ra mắt NHNN Khu vực 6; tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 6”. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì Hội nghị.
Đại biểu dự Lễ Công bố.Dự Hội nghị về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các tỉnh trong Khu vực 6 (Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình) và lãnh đạo Sở, ngành có liên quan, các tổ chức đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác trong khu vực.
Công bố Quyết định và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6.NHNN Khu vực 6 là tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN được thành lập trên cơ sở hợp nhất NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và Thái Bình theo Quyết định số 306/QĐ-NHNN ngày 24/02/2025 của Thống đốc NHNN. NHNN Khu vực 6 có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối trên địa bàn và thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng Trung ương theo ủy quyền của Thống đốc; trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng và 04 điểm vệ tinh hoạt động tại các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình. Từ ngày 01/3/2025, NHNN Khu vực 6 chính thức vận hành theo mô hình mới theo Nghị định số 26/2025/NĐ-CP ngày 26/02/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam.


Thống đốc NHNN ban hành các quyết định điều động và bổ nhiệm nhân sự NHNN Khu vực 6.Thống đốc NHNN cũng ban hành các quyết định điều động và bổ nhiệm nhân sự NHNN Khu vực 6: bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc NHNN chi nhánh thành phố Hải Phòng giữ chức vụ Quyền Giám đốc NHNN Khu vực 6 và 5 Phó Giám đốc. Cơ cấu tổ chức của NHNN Khu vực 06 gồm: Ban lãnh đạo chi nhánh và 07 phòng chức năng nghiệp vụ.
Quyền Giám đốc NHNN Khu vực 6, Nguyễn Thị Dung phát biểu nhận nhiệm vụ.Ngay sau Lễ công bố Quyết định là Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 6.
Tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2/2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cho 5 tỉnh của Khu vực 6 từ 8%-12,5%, cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Đây là một thách thức cần sự nỗ lực các ngành, các cấp của UBND tỉnh và thành phố trong khu vực và sự vào cuộc của cả ngành ngân hàng trên địa bàn.
Theo báo cáo của NHNN Khu vực 6, trên địa bàn quản lý của NHNN Khu vực 6 hiện có trụ sở 256 pháp nhân Tổ chức tín dụng (TCTD). Tín dụng của các tỉnh trong khu vực 6 năm 2024 cao hơn mức chung của cả nước (thành phố Hải Phòng 24,67% và tỉnh Hưng Yên 18,24% có mức tăng trưởng tín dụng thuộc nhóm cao nhất toàn quốc). Đầu năm 2025, tín dụng tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2024, cụ thể tín dụng đến cuối tháng 2 ước tăng 1,02%, (cao hơn tín dụng chung toàn quốc); huy động vốn đạt trên 1 triệu tỷ đồng đảm bảo cung ứng đủ tín dụng cho khu vực, bên cạnh đó thanh khoản hệ thống đảm bảo, lãi suất có xu hướng giảm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ phát biểu tại Hội nghị.Để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025, phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 tập trung kiện toàn bộ máy hành chính, nhân sự, sắp xếp tinh gọn các khối công việc, nghiệp vụ để thống nhất điều hành theo mô hình Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực. Đảm bảo việc chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc theo đúng quy định. Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...). Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán; nâng cao chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và các giải pháp khác để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng. Củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội, doanh nghiệp, và các TCTD cho thấy bức tranh toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác tín dụng ngân hàng trong thời gian qua; nhìn nhận được kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc, các cơ hội, thách thức mà cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và TCTD đang phải đối mặt; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị và các giải pháp để cùng nhau xây dựng kịch bản tối ưu nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các tỉnh thuộc Khu vực nói riêng và của cả nước nói chung.
Phó Thống đốc NHNH Phạm Thanh Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến trao đổi thảo luận, đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị cũng như đánh giá thực trạng tình hình hoạt động tín dụng trên địa bàn, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đề nghị NHNN khu vực 6 thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo nhiệm vụ được Thống đốc NHNN giao. Trong đó tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn: cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.
Đồng thời, Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD Hội sở chính và các chi nhánh trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục để giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, cần sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội liên quan trên địa bàn khu vực để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp của khu vực ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ, các địa phương đã đề ra./.